Tuy nhiên, trước khi dịch bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, một số bang đã cho mở cửa lại các hoạt động kinh tế. Đi đầu là bang Georgia, ở miền đông nam Hoa Kỳ.
Thông tín viên đài RFI từ New York, Loubna Anaki, cho biết thêm chi tiết :
"Nhiệt kế cầm trong tay, nhân viên một hiệu cắt tóc kiểm tra thân nhiệt tất cả các khách hàng trước khi cho phép họ vào tiệm. Như đã thông báo, Georgia là một trong những bang đầu tiên tại Hoa Kỳ khởi động chiến dịch dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau khi thống đốc thông báo những con số khả quan về tình hình dịch bệnh. Trong số những cửa hàng được mở lại, có tiệm cạo râu, thẩm mỹ viện, phòng tập thể thao và chơi bowling. Còn các nhà hàng thì phải đợi đến Thứ Hai tuần sau.
Đây là bước đầu trở lại với cuộc sống bình thường tại bang ở miền nam nước Mỹ, cho dù tổng thống Trump không tán đồng với việc Georgia dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Đành rằng ông luôn kêu gọi khởi động lại cỗ máy kinh tế, nhưng tổng thống Hoa Kỳ cũng yêu cầu chính quyền ở các bang thận trọng.
Mặc dù thống đốc bang Georgia tỏ ra lạc quan, nhưng dịch Covid-19 đã lây lan cho hơn 22.000 người và bang này ghi nhận 892 trường hợp tử vong. Số người bị lây nhiễm vẫn tăng thêm. Tại thành phố Atlanta, thủ phủ bang Georgia, thị trưởng kêu gọi người dân ở trong nhà vì như bà giải thích "không có gì cấp bách hối thúc chúng ta đi chơi bowling hay đi làm móng tay vào lúc dịch bệnh đang hoành hành". Tiếp theo sau Georgia, đến lượt các bang Oklahoma và Alaska cũng thông báo cũng sẽ đưa ra kế hoạch tương tự".
Cũng trong ngày hôm qua, tại nhiều bang, như Wisconsin, hàng trăm người tập hợp trước trụ sở của thống đốc bang để đòi dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong bối cảnh kinh tế bị tê liệt và suy yếu nghiêm trọng. Theo báo cáo của bộ Thương Mại được công bố ngày 24/04/2020, trong tháng 03/2020, đơn đặt mua trang thiết bị của Mỹ giảm 14,4 % do tác động Covid-19. Ngành công nghiệp xe hơi giảm sút hơn 18 % và virus corona là một tai họa đối với tập đoàn sản xuất máy bay Boeing. Hàng loạt khách hàng của Boeing đã hủy hợp đồng đặt mua máy bay Mỹ. Theo thẩm định của một ủy ban tại Hạ Viện Hoa Kỳ, GDP của Mỹ trong quý 2/2020 giảm 12 %.
Về phần tổng thống Trump, cách nay 2 ngày, ông tuyên bố về khả năng dùng thuốc khử trùng điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân Covid-19. Điều này đã khiến các cố vấn của ông lúng túng. Các nhà sản xuất thuốc khử trùng của Mỹ vội vàng cảnh báo "cấm uống hay tiêm" các dung dịch sát trùng với hy vọng khỏi bệnh. Trong cuộc họp báo hôm qua, tổng thống Trump lại chống chế, giải thích rằng là ông đã nêu câu hỏi này bằng giọng điệu mỉa mai.
Theo RFI
Virus corona: TQ từ chối lời kêu gọi điều tra nguồn gốc bệnh dịch
Trung Quốc đã từ chối lời kêu gọi cho phép một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của virus corona.
Một nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc tại Anh, Chen Wen nói với BBC rằng các yêu cầu này có động cơ chính trị và sẽ làm chệch hướng sự chú ý của Trung Quốc khỏi việc chống lại đại dịch.
Thông tin về nguồn gốc của Covid-19 và cách thức lây lan ban đầu có thể giúp các quốc gia giải quyết căn bệnh này.
Virus này được cho là đã xuất hiện tại một khu chợ bán động vật hoang dã ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm ngoái.
Trong khi đó, một báo cáo của EU cáo buộc Trung Quốc truyền bá thông tin sai lệch về cuộc khủng hoảng.
Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu nói rằng Nga, và ở một mức độ thấp hơn, Trung Quốc, đã đưa ra thuyết âm mưu nhắm vào EU và các nước láng giềng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về cách xử ly vụ dịch, và bang Missouri đang kiện chính phủ Trung Quốc, cáo buộc họ đã làm rất ít để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Các nhà khoa học đã dập tắt suy đoán rằng virus có thể đã được tạo ra trong phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Trung Quốc phản đối điều gì?
Gần như từ khi bắt đầu đại dịch, đã có những lời kêu Trung Quốc cho phép các nhà điều tra quốc tế được vào nước này để tìm hiểu xem sự việc bắt đầu như thế nào.
Hôm thứ Năm, Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng ông sẽ thúc đẩy một cuộc điều tra tại cuộc họp thường niên vào tháng tới của Hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Úc nằm trong ban điều hành của hội đồng.
Cơ quan này đã có kế hoạch thảo luận về lời kêu gọi xem xét "bài học kinh nghiệm" về tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng.
Nhưng bà Chen nói với BBC rằng đất nước của bà không thể đồng ý với bất kỳ cuộc điều tra quốc tế nào.
"Cuộc điều tra độc lập có động cơ chính trị," bà nói.
"Hiện tại chúng tôi đang chiến đấu với virus, chúng tôi đang tập trung mọi nỗ lực để chống lại virus. Tại sao lại nói về một cuộc điều tra về vấn đề này? Điều này sẽ chuyển hướng không chỉ sự chú ý, nó sẽ chuyển hướng các nguồn lực.
"Đây là một sáng kiến có động cơ chính trị, tôi nghĩ không ai có thể đồng ý về điều này ... Nó sẽ không mang lại điều tốt đẹp gì cho bất cứ ai."
Bà Chen cho biết có rất nhiều tin đồn về nguồn gốc của virus nhưng thông tin sai lệch như vậy rất nguy hiểm, bà tuyên bố, và nói nó giống như một loại virus chính trị và nguy hiểm như chính virus corona, nếu không nói thậm chí còn hơn thế.

Châu Âu 'lo lắng' về việc đối đầu với Trung Quốc
Phân tích của Gordon Corera, Phóng viên An ninh
Các chính phủ ở châu Âu cho đến nay vẫn cảnh giác về việc dính líu vào các tranh cãi ngoại giao với Trung Quốc vào thời điểm nhạy cảm.
Một quan chức của Vương quốc Anh - giống nhiều người khác, cũng từ chối phát biểu chính thức - đã nói rằng có một "sự lo lắng" về việc đối đầu với Trung Quốc và rằng các mối quan hệ là "tế nhị".
Các quốc gia phụ thuộc vào Bắc Kinh trong việc cung cấp các thiết bị quan trọng để đối phó với khủng hoảng và muốn giữ luồng thông tin mở để giúp hiểu những gì đã xảy ra lần này và ngăn chặn sự bùng phát trong tương lai, và các chuyên gia cho rằng phương pháp này cần được hiệu chỉnh cẩn thận.
Charles Parton, nhà cựu ngoại giao Anh tại Trung Quốc và hiện là cộng sự cấp cao của viện nghiên cứu RUSI, nói: "Chúng ta cần phải giảm bớt cãi vã và đối đầu bởi vì chúng ta có một vấn đề nghiêm trọng hơn để giải quyết".
Ngược lại, tại Mỹ, vấn đề Trung Quốc đang trở nên chính trị hóa cao trong một năm bầu cử với những lời kêu gọi mang tính cạnh tranh về một đường lối cứng rắn đối với Bắc Kinh và áp lực điều tra nguồn gốc của virus.
Báo cáo của EU nói gì?
"Mặc dù có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, các nguồn chính thức và được nhà nước hậu thuẫn từ nhiều chính phủ khác nhau, bao gồm cả Nga và - ở mức độ thấp hơn - Trung Quốc, đã tiếp tục dùng thuyết âm mưu với thông tin sai lệch nhắm vào đối tượng công chúng ở EU và các nước láng giềng," báo cáo nói.
Báo cáo này tuyên bố các quan chức Trung Quốc và truyền thông Trung Quốc đã cố gắng làm chệch hướng sự đổ lỗi nguyên nhân bùng phát dịch, cắt xén mọi đề cập về Vũ Hán là nguồn gốc của virus. Một số kênh mạng xã hội do nhà nước Trung Quốc kiểm soát tiếp tục truyền bá lý thuyết rằng dịch bệnh có liên quan đến việc đến đại diện quân đội Mỹ.
Các tác giả của báo cáo cũng cho biết có "bằng chứng quan trọng về hoạt động bí mật của Trung Quốc trên mạng xã hội", trích dẫn các báo cáo về các mạng lưới trên Twitter có mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc.
Báo cáo cũng chỉ ra Nga truyền bá thông tin sai lệch, cho biết các nguồn tin thân Kremlin và truyền thông nhà nước Nga đang tiếp tục thực hiện một chiến dịch phối hợp với mục đích làm suy yếu EU và các nỗ lực giải quyết khủng hoảng của EU, đồng thời gieo rắc sự nhầm lẫn về nguồn gốc của virus corona.
Theo BBC