Hồi tuần trước, tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đã bị phát hiện đang tiến hành khảo sát gần khu vực mà tàu thăm dò của công ty dầu khí nhà nước của Malaysia Petronas đang hoạt động. Hành động của Hải Dương Địa Chất 8 giống với những gì tàu này đã làm ở vùng biển Việt Nam vào năm ngoái.
Vụ khảo sát gần khu vực của Petronas đã khiến Hoa Kỳ phải kêu gọi Trung Quốc ngừng các « hành vi dọa nạt » tại những vùng biển tranh chấp, đồng thời nêu lên những quan ngại về hành động khiêu khích của Bắc Kinh nhắm vào các hoạt động dầu khí tại những khu vực này.
Trong email gởi cho hãng tin Reuters, bà Nicole Schwegman, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, hôm nay cho biết tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đã được triển khai ở Biển Đông. Bà tuyên bố : « Thông qua sự hiện diện liên tục ở Biển Đông, chúng tôi nỗ lực thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không, và bảo đảm các nguyên tắc quốc tế vốn là nền tảng của an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương ».
Thiếu tướng hải quân Fred Kacher, chỉ huy cụm tàu USS America, nói với Reuters rằng lực lượng của ông đã có tương tác với Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông trong tuần này. Viên sĩ quan này khẳng định : « Mọi tương tác của chúng tôi tiếp tục được thực hiện một cách an toàn và chuyên nghiệp với Trung Quốc ».
Thiếu tướng hải quân Kacher không cho biết chính xác vị trí các chiến hạm Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông, nhưng theo Reuters, các các nguồn tin an ninh cho rằng tàu Mỹ đang ở gần khu vực mà tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc được cho là đang đối đầu với tàu khoan thăm dò West Capella của công ty Petronas, Malaysia. Tuy nhiên khi được Reuters hỏi, Trung Quốc đã bác bỏ thông tin, khẳng định tàu Hải Dương Địa Chất 8 đang « tiến hành các hoạt động bình thường ». Còn bộ Ngoại Giao Malaysia và Petronas đều chưa trả lời về vụ này.
Theo RFI
Trung Quốc đe dọa 'dùng mọi biện pháp cần thiết' trên Biển Đông
Phát ngôn viên Trung Quốc, Cảnh Sảng, đưa ra tuyên bố mang tính đe dọa về cái gọi là "chủ quyền trên biển Đông".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21/4 nói rằng họ vừa “giao thiệp nghiêm khắc” để đáp trả điều mà họ gọi là “Việt Nam tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp ở biển Hoa Nam [tức Biển Đông]”, theo hãng tin Reuters.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nhấn mạnh rằng bất kỳ nỗ lực nào phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc chắc chắn đều sẽ bị thất bại.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra qua lời phát biểu của Người phát ngôn Cảnh Sảng tại cuộc họp báo hàng ngày hôm thứ Ba 21/4. Nội dung bằng tiếng Anh có tại trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trong những ngày gần đây, Việt Nam đã phản đối những nỗ lực bành trướng của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp, bao gồm cả việc gửi tuyên bố chủ quyền đến Liên Hiệp Quốc.
Trong cuộc họp báo hôm nay (21/4), phát ngôn viên Cảnh Sảng nói rằng Trung Quốc sẽ "thực thi mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ chủ quyền và quyền lợi tại Biển Đông."
Hôm 17/4, trong một tài liệu đệ trình lên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã cáo buộc Việt Nam "đưa quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp các đảo, đá thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc hòng tạo ra tranh chấp".
Văn bản đó còn nhấn mạnh Trung Quốc đã liên tục "phản đối sự xâm lược và chiếm đóng trái phép của Việt Nam", và "yêu cầu Việt Nam rút tất cả người và phương tiện, thiết bị ra khỏi các đảo, đá đã xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp".
Đặt tên cho 80 đảo và thực thể trên Biển Đông
Ngày 19/4, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin về các "danh xưng tiêu chuẩn" mà Bộ Dân chính và Bộ Tài nguyên Trung Quốc công bố, áp dụng cho "25 đảo, rạn san hô và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông". Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc còn công bố thêm kinh độ, vĩ độ của 80 vị trí này.
Đặc biệt, trong những thực thể này, có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.
Lập 2 quận quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Trong khi đó, Bộ Nội vụ Trung Quốc hôm 18/4 ra thông báo Quốc vụ viện đã phê chuẩn thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" có trụ sở đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trụ sở của cái gọi là "quận Nam Sa" đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chính quyền Trung Quốc nói rằng "quận Tây Sa" sẽ quản lý quần đảo Hoàng Sa, Bãi Macclesfield và vùng biển xung quanh, trong khi "quận Nam Sa" quản lý quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh.
Ngày 19/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ quyết định sai trái thành lập chính quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa.
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai," Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.
Theo NTD Viet Nam