Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình hồi tháng Giêng sẽ phải mở ra « một kỷ nguyên mới » giữa Trung Quốc và láng giềng Miến Điện. Chuyến đi được cụ thể hóa bằng khoảng 30 hợp đồng liên quan đến việc phát triển « hành lang kinh tế Trung Quốc – Miến Điện », sẽ giúp Bắc Kinh mở được ngõ vào chiến lược sang Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên liệu các nhà lãnh đạo Miến Điện có nhân cơ hội này đặt ra một câu hỏi đã cũ và tế nhị : « Vì sao các ông lại ủng hộ các nhóm thiểu số nổi dậy ở miền bắc mà chúng tôi đang nhọc công đối phó ? »
Với chiều dài 2.200 km, vùng biên giới giữa hai nước có rất nhiều sắc tộc sinh sống, và đa số nổi dậy chống chính quyền trung ương Miến Điện để đòi quyền tự trị. Nhóm mạnh nhất United Wa State Army (UWSA), dù không chính thức xung đột, đứng đầu một Nhà nước nhỏ độc lập trên thực tế.
Được Trung Quốc hỗ trợ về quân sự và có nguồn tài chính từ buôn ma túy, UWSA – xuất thân từ đảng Cộng Sản Miến Điện quá cố - với 30.000 quân là một lực lượng răn đe trước bất kỳ chiến dịch tấn công nào của Miến Điện
Nếu từ vài tháng qua, các nhóm thiểu số miền bắc vẫn duy trì tình trạng ngưng bắn mong manh, Arakan Army lại không ngồi im. Đây là một tổ chức được thành lập năm 2009 với sự hỗ trợ của Bắc Kinh. Phong trào hoạt động ở bang Rakhin, cách biên giới Trung Quốc vài trăm cây số về phía tây nam, trong những tháng gần đây tung ra những trận đánh dữ dội làm hàng trăm thường dân và quân lính thiệt mạng.
Vừa ủng hộ quân nổi dậy, chế độ Bắc Kinh lại vừa ve vuốt Naypyidaw qua việc phản đối đưa các tướng lãnh Miến Điện liên can đến những vụ thảm sát người Rohingya ra trước tòa án quốc tế. Vì sao lại chơi trò hai mặt như thế ?
Aung Zaw, tổng biên tập tờ The Irrawaddy nhấn mạnh : « Trung Quốc muốn có một Miến Điện yếu và bất ổn nhằm duy trì sự kiểm soát và ảnh hưởng lên đất nước này ». Còn theo Anthony Davis, chuyên gia về vấn đề quân sự châu Á : « Để theo đuổi các mục tiêu chiến lược ở Miến Điện, Bắc Kinh phải tạo quan hệ tốt với chính quyền trung ương đồng thời giữ liên lạc với các nhóm nổi dậy thiểu số, nhân tố gây mất ổn định dọc theo biên giới ».
Như vậy mặc cho sự xuất hiện của con virus corona, một cuộc ngưng bắn tại các vùng xung đột hãy còn xa vời.
Theo RFI
Biển Đông : Tàu thăm dò địa chất Trung Quốc trở lại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam

Hãng tin Reuters hôm nay 14/04/2020, loan tin, tàu thăm dò địa chất Trung Quốc, hồi cuối năm ngoái từng khuấy động căng thẳng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nay đang tiến vào vùng biển của Việt Nam, giữa lúc Hà Nội đang phải tập trung đối phó với dịch Covid-19.
Đầu tháng 9 năm ngoái, tầu thăm dò địa chất biển của Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 đã nhiều lần xâm nhập hoạt động trong vùng biển bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sự việc đã làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ Việt –Trung cũng như mối lo ngại của cộng đồng quốc tế.
Hãng tin Reuters dẫn các số liệu của Marine Traffic, một trang mạng chuyên theo dõi các hoạt động hàng hải, cho biết hôm nay, 14/04 tàu Hải Dương Địa Chất 8, được ít nhất một tầu hải cảnh hộ tống, đã xuất hiện ỏ cách bờ biển Việt Nam 98 hải lý (158km). Như vậy con tàu này đã ở trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của Việt Nam (ZEE). Vẫn theo thông tin của trang Marine Traffic, đã có ba chiếc tàu của Việt Nam di chuyển về hướng tàu Trung Quốc.
Tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc xuất hiện trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế Việt Nam giữa lúc Hà Nội đang phải lo chống dịch virus corona và chính phủ đang đứng trước quyết định khó khăn kéo dài hay ngừng lệnh cách ly xã hội. Sự việc cũng diễn ra không lâu sau khi hôm 02/04 một tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở gần đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đã chiếm và Việt Nam luôn đòi chủ quyền.
Hà Nội đã lên án hành động đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc lợi dụng tình hình dịch bệnh toàn cầu, các nước lơ là mất cảnh giác để tăng cường hiện diện, lấn chiếm Biển Đông. Philippines cũng tỏ lo lắng về hành vi của Trung Quốc trong vụ việc trên mà Bắc Kinh gọi là « sự cố nhỏ ».
Hôm thứ Bảy vừa qua, tờ Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc còn lớn tiếng chỉ trích Việt Nam đã lợi dụng sự cố trên để đánh lạc hướng sự thiếu năng lực trong quản lý khủng hoảng dịch virus corona.
Được Reuters liên hệ, Bộ Ngoại Giao Việt Nam hiện tại không đưa ra bình luận về thông tin tàu Hải Dương Địa Chất 8 trở lại vùng biển Việt Nam.
Theo RFI