
Mấy năm trước đài truyền hình ở Sài Gòn, chương trình cổ nhạc đã bắt đầu xuất hiện trở lại cây đờn thùng ngày xưa, có nghĩa là cây đờn phát ra âm điệu nào thì giữ nguyên, chứ không xài đờn điện, máy khuếch đại âm thanh, khiến cho tiếng đờn không còn trung thực nguyên thủy của nó.
Sự trở lại cây đờn thùng được dân tài tử kỳ cựu, người sành điệu hoan nghinh, bởi vì những người tài tử thập niên 1960 trở về trước không muốn tiếng đờn mất đi âm điệu độc đáo của nó. Người ta hy vọng rồi đây nhiều nơi khác sẽ theo chân đài truyền hình Sài Gòn.
Ở phố đi bộ đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn, cũng có nhóm đờn ca tài tử chơi đờn thùng, chẳng có máy móc âm thanh gì hết. Vậy mà nhiều người đứng lại thưởng thức rất lâu, chớ nếu như cho máy âm thanh làm ồn lên chắc rằng chẳng ai đứng lại để nghe.
Khi xưa đờn ca tài tử chỉ tạo ra âm thanh bằng tiếng đờn thùng, tất cả loại đờn đều như vậy, do đó mà lúc nhiều cây đờn cùng hòa điệu tiếng tơ, người ta nghe rõ tiếng đờn kìm, cò, lục huyền cầm, tranh, vĩ cầm (violon) hay một nhạc cụ nào khác.
Dân tài tử thời thập niên 1950-1960 trở về trước không lệ thuộc vào máy móc âm thanh như bây giờ. Chính tôi, người viết bài này tham gia đờn ca tài tử từ những năm cuối thập niên 1950 và suốt thập niên 1960 chẳng hề biết đờn điện, máy âm thanh là gì. Vậy mà các buổi sinh hoạt đờn ca, bà con tụ họp đông đảo họ vẫn nghe rõ.
Ở Vũng Tàu có nhóm đờn ca tài tử, trưởng nhóm là Giáo Sư Hồng Sanh, ông thủ cây đờn kìm và song lang, coi như cây đờn kìm là chánh, các cây khác kể cả cây lục huyền cầm cũng là phụ, phải theo cây đờn chánh. Đặc biệt nhóm đờn ca của ông Hồng Sanh chỉ đờn thùng mà thôi, không riêng gì địa điểm tại nhà, mà khi người ta mời đi xa cũng thế, nhạc sĩ đờn loại nào thì mang theo cây đờn của mình, chớ chẳng có thùng loa hay microphone rườm rà.
Có những lần ai đó đề nghị ông nên xài âm thanh điện để tiếng đờn lời ca được lớn hơn, đi xa hơn. Ông cười nói rằng: “Chơi tài tử là phải đúng với tài tử, các thế hệ trước mình có ai dùng đờn điện hay máy âm thanh gì đâu, mấy lúc sau này họ dùng âm thanh làm ồn ào thì còn đâu là đờn ca tài tử thuần túy chớ!”

Giáo Sư Hồng Sanh nguyên là giáo sư trường trung học Vũng Tàu, ông là chủ nhân nhà sách Nhân Đạo Thư Quán ở đường Nguyễn Trường Tộ, học sinh ở Vũng Tàu thường có mặt ở đây để xem sách. Học trò của Giáo Sư Hồng Sanh nhiều người đã ra hải ngoại, trong số có anh Đường Thế Kiệt là nhân viên nhật báo Người Việt.
Sau năm 1975, Giáo Sư Hồng Sanh không còn đi dạy, nhưng đờn ca tài tử vẫn sinh hoạt đều đều hai tuần một lần. Nam nữ tài tử cứ đến ngày sinh hoạt là kéo đến rất đông. Khi tài tử giai nhân nhập cuộc rồi thì gần như quên cả sự đời, nhà sách đóng cửa cho đến lúc tài tử nghỉ rồi mới mở cửa cho khách vào mua sách.
Kế đến là địa điểm đờn ca tài tử ông Ba Quân ở Tân Phú Trung, Củ Chi, và địa điểm Năm Cà ở Bến Cát, Bình Dương, luôn sẵn sàng cây đờn thùng để cho người sành điệu sử dụng. Và còn rất nhiều địa điểm khác mà tôi chỉ nghe nói chứ chưa có dịp đến nơi để biết rõ hình thức sinh hoạt ra sao. Có lẽ nhận thấy cây đờn thùng mang tính chất lịch sử đờn ca tài tử, nên đài truyền hình ở Sài Gòn áp dụng trở lại cây đờn thùng để âm thanh được trung thực.
Trên đây là chuyện đờn ca tài tử ở trong nước, còn ở hải ngoại thì hầu như nhạc sĩ nào cũng muốn mở đờn điện cho thật lớn lấn át tiếng đờn khác. Người ca cũng vậy, ai cũng muốn “mở hết ga” âm thanh. Thì thôi, rất khó mà giải thích hay can thiệp vào.
Theo như tôi được biết thì hiện giờ ở Little Saigon và các thành phố lân cận, đã có một số nhạc sĩ sử dụng đờn thùng mang theo, nhưng không xuất hiện trước sự lấn áp của cây đờn điện, loa âm thanh.
Đờn ca tài tử hải ngoại đã có địa điểm sinh hoạt ấm cúng, nếu chúng ta sử dụng cây đờn thùng, người ca cũng không cần microphone, tôi nghĩ rằng tiếng đờn lời ca vẫn nghe rõ, nếu như người thưởng thức im lặng để nghe.
Từ lâu nay tôi muốn quy tụ những nhạc sĩ, anh chị em nào cùng sở thích “chơi đờn thùng.” Chúng ta sẽ có một thời gian sinh hoạt riêng của những người đồng hội đồng thuyền, tri âm tri kỷ.
Xin các bạn liên lạc về Ngành Mai (714) 360-6711. Tôi sẽ mời anh chị em trong một buổi nói chuyện, bàn bạc vấn đề. (Ngành Mai)