Hình ảnh theo dõi của vệ tinh Sentinel 2 ngày 28/09 và được đăng trên nhiều mạng xã hội cho thấy tầu sân bay USS Ronald Reagan, cùng với nhiều tầu chiến khác không rõ danh tính, có thể của Mỹ hoặc của Trung Quốc, đang hoạt động ở phía đông bắc khu vực đảo do Trung Quốc bồi đắp và kiểm soát ở Biển Đông.
Liệu đây có phải là một thông điệp gửi đến Bắc Kinh trước ngày Quốc Khánh ? Trả lời câu hỏi của Japan Times qua thư điện tử, chỉ huy Reann Mommsen, phát ngôn viên của Hạm đội 7 Hải Quân Hoa Kỳ, từ chối khẳng định vị trí của USS Ronald Reagan, nhưng cho biết tầu sân bay Mỹ tiến hành « những hoạt động thông thường » và « hoạt động đang diễn ra không nhắm đến bất kỳ sự kiện đặc biệt nào ».
Trước đó, ngày 26/09, phía bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích tầu sân bay Mỹ cùng đội tầu hộ tống, đóng tại Yokosuka (tỉnh Kanagawa, Nhật Bản), đến Biển Đông « để giương oai và gia tăng quân sự hóa khu vực ». Hành động của Mỹ bị ông Nhậm Quốc Cường (Ren Guoqiang), phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc, kịch liệt phản đối, đồng thời « kêu gọi Hoa Kỳ tôn trọng những quan ngại của các nước trong khu vực về mặt an ninh và nên đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông ».
Theo Japan Times, Bắc Kinh coi việc Mỹ điều tầu sân bay đến Biển Đông là hành động khiêu khích trước lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Trả lời báo giới về chuyến tuần tra của tầu sân bay USS Ronald Reagan, ông Nhậm Quốc Cường đe dọa : « Tôi muốn nhấn mạnh rằng những kỳ tích mà Trung Quốc đạt được từ 70 năm đã chứng minh rằng không một thủ đoạn nào có thể cản trở sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc và của quân đội Trung Hoa ».
Theo RFI
Dân Đài Loan xuống đường ủng hộ Hồng Kông

Trong khi người dân Hồng Kông khởi động loạt biểu tình đòi dân chủ cho đến ngày quốc khánh Trung Quốc, hàng ngàn người ở Đài Bắc và Sydney (Úc) đã xuống đường ngày 29/09/2019 để ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông.
Người dân hai thành phố lớn hưởng ứng chiến dịch « ngày chống chủ nghĩa độc tài » với khẩu hiệu « Cứu Hồng Kông, Chống Độc tài ». Tại Sydney, nhóm thân Bắc Kinh không dám đến gần vì e ngại xảy ra đụng độ như hồi tháng 8.
Theo thông tín viên RFI Angélique Forget tại Thượng Hải, những sự kiện đang diễn ra ở đặc khu hành chính khiến người dân Đài Loan lo ngại cho số phận của hòn đảo.
« ‘Cùng nhau ủng hộ Hồng Kông, cùng nhau chống chế độ chuyên chế’, đây là khẩu hiệu mà các nhà tổ chức đặt cho cuộc tuần hành diễn ra ở Đài Bắc.
Từ khi phong trào phản kháng nổ ra ở Hồng Kông, đây không phải là lần đầu tiên người dân Đài Loan tuần hành vì họ cũng sợ ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, thực trạng của hai vùng đất lại rất khác nhau : trên nguyên tắc, Hồng Kông được hưởng một quyền tự trị nào đó, nhưng thuộc về Trung Quốc ; còn Đài Loan, thực tế là một hòn đảo độc lập nhưng Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Vào đầu năm 2019, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí đã đe dọa dùng vũ lực chiếm lại hòn đảo và áp dụng quy chế 'một quốc gia hai chế độ' tương tự như trường hợp Hồng Kông.
Tình trạng khủng hoảng hiện nay ở cựu thuộc địa Anh khiến người dân Đài Loan lo ngại, đồng thời tạo đà cho những người ủng hộ đường lối cứng rắn đối với Bắc Kinh.
Uy tín của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, người không khoan nhượng trước Trung Quốc, cũng được tăng lên trong các cuộc thăm dò, trong khi chỉ vài tháng trước đây, bà bị cho là sẽ thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông rõ ràng đã gây được thiện cảm ở Đài Loan ».
Theo RFI