Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, dự thảo luật mang tên Luật Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông 2019 là một văn kiện được soạn ra nhằm hậu thuẫn cho các quyền tự do dân chủ tại Hồng Kông, bằng cách tăng sức ép đối với chính quyền Trung Quốc.
Theo ông Jeff Sagnip, giám đốc chính sách của dân biểu Mỹ Chris Smith thuộc đảng Cộng Hòa, một trong những người bảo trợ dự luật, cho biết là văn bản này được nhất trí thông qua tại Ủy ban đối ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ vào hôm qua. Một văn kiện tương tự, do thượng nghị sĩ Marco Rubio bảo trợ, cũng được thông qua tại Thượng Viện ít giờ sau đó.
Ông Sagnip cho rằng việc dự luật về Hồng Kông qua được cửa ải Ủy ban đối ngoại là « một bước tiến lớn » và Hạ Viện sẽ bỏ phiếu về dự luật này vào tháng 10 tới đây.
Theo SCMP, dự luật mới này điều chỉnh và sửa đổi Đạo luật về chính sách Mỹ - Hồng Kông năm 1992, khi đó được thông qua nhằm duy trì hoạt động thương mại và các mối liên hệ khác của Mỹ với Hồng Kông sau khi lãnh thổ này được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.
Nếu được thông qua, Luật mới về Hồng Kông có thể yêu cầu chính quyền Mỹ trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị cho là đã phá hoại quyền tự do cơ bản tại Hồng Kông.
Trung Quốc phản ứng gay gắt
Phản ứng của Bắc Kinh rất tức thời. Vào hôm nay, 26/09, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, chỉ trích việc các Ủy ban của lưỡng viện Quốc Hội Mỹ thông qua dự luật về Hồng Kông. Theo nhân vật này, đó là mưu toan đầy ác ý, can thiệp thô bạo vào nội tình Trung Quốc.
Ngoài những lời tố cáo thường nghe, phát ngôn viên Trung Quốc còn đe dọa Mỹ, cho rằng việc thông qua dự luật sẽ gây tổn hại cho lợi ích không chỉ của Trung Quốc, mà cả của Hoa Kỳ, và Bắc Kinh sẽ « đáp trả mạnh mẽ mọi hành động của Mỹ gây hại cho quyền lợi của Trung Quốc ».
Ông Cảnh Sảng nhắc nhở Mỹ rằng hiện đang có hơn 80.000 người Mỹ ở Hồng Kông và hơn 1.300 doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại đặc khu này.
Lãnh đạo Hồng Kông khẳng định sẽ đối thoại với cư dân bất kể gian lao
Khai mạc cuộc đối thoại đầu tiên với công chúng từ khi khủng hoảng bùng lên cách đây 4 tháng, vào hôm nay 26/09/2019, trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết là bà cần phải đối thoại với người dân cho dù khó khăn đến đâu. Và chính quyền phải có trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tham dự đối thoại có 150 người được bốc thăm, trong số 20.000 người ghi tên. Theo chính quyền Hồng Kông, mỗi người có 3 phút để bày tỏ quan điểm của mình.
An ninh đã được tăng cường đáng kể tại khu phố thương mại Loan Tử (Wan Chai), nơi diễn ra cuộc đối thoại. Một số trường học và cửa hàng đã quyết định đóng cửa sớm trước lúc cuộc đối thoại mở ra.
Theo ghi nhận của Reuters, bên ngoài nơi diễn ra cuộc đối thoại, hàng trăm người biểu tình đã tập hợp lại, hô to những khẩu hiệu chống chính quyền.
Theo RFI
Chủ tịch Hạ viện Mỹ bị hoài nghi vì yêu cầu luận tội ông Trump

Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ, ông Kevin McCarthy, hôm thứ Tư (25/9) đã chất vấn về năng lực của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, sau khi bà thúc đẩy điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump.
Bà Pelosi, hạ nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ, hối thúc luận tội Tổng thống Trump, sau khi có thông tin tiết lộ ông Trump đã đề nghị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai ông ta về cáo buộc tham nhũng.
Theo ABC News, bà Pelosi tuyên bố hôm thứ Ba: “Hành động của Tổng thống Trump tiết lộ sự thật ô nhục về sự phản bội của tổng thống đối với lời thề nhậm chức của ông ta, phản bội an ninh quốc gia của chúng ta, và phản bội tính chính trực của cuộc bầu cử của chúng ta”.
Bình luận về tuyên bố của bà Pelosi, Tổng thống Trump cho rằng hành động của bà thật ra sẽ mang lại lợi ích cho ông, vì các cử tri sẽ thấy rằng đảng Dân chủ đang hành động thái quá.
Những người chỉ trích Tổng thống Trump cáo buộc ông đã gây áp lực với người đồng cấp Ukraine trong một cuộc gọi vào ngày 25/7, và dùng một khoản tài trợ quân sự để tạo sức ép yêu cầu Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai Hunter.
Theo Western Journal, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện McCarthy phát biểu hôm thứ Tư: “Tôi đã nghe thấy bà Chủ tịch cáo buộc rằng Tổng thống đã vi phạm pháp luật, trong khi bà ấy không có căn cứ xác thực, mà chỉ dựa trên thông tin từ một người tố giác, mà người đó thậm chí còn không được nghe cuộc trò chuyện giữa ông Trump và tổng thống Ukraine”.
Ông McCarthy bày tỏ mối quan ngại rằng bà Chủ tịch Hạ viện đã làm thay đổi tính chất của Hạ viện, một cơ quan lập pháp đại diện cho tinh thần thượng tôn pháp luật. Ông nói: “Theo quan điểm của tôi, điều này đặt ra chất vấn đối với năng lực của bà ấy với tư cách là Chủ tịch Hạ viện”.
Hôm thứ Tư, Tổng thống Ukraine Zelensky đã bác bỏ việc ông bị tạo áp lực trong cuộc điện đàm. Ông nói: “Không ai gây sức ép cho tôi” về cuộc điều tra gia đình Biden. Tổng thống Ukraine nhấn mạnh: “Các vị biết là chẳng có áp lực nào cả.”
Cùng ngày, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố không điều tra Tổng thống Trump về cuộc điện đàm với Ukraine. Theo Western Journal, Bộ Tư pháp tuyên bố họ đã xem xét bản ghi chép chính thức về cuộc gọi và quyết định rằng, dựa trên các thông tin xác thực và áp dụng luật định, không có vi phạm tài chính nào và vì vậy Bộ không đảm bảo sẽ đưa ra hành động nào đối với đề nghị điều tra Tổng thống Trump.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden là người đồng hành suốt 8 năm của cựu Tổng thống Barack Obama. Hunter Biden, con trai ông Joe, bị nghi ngờ tham nhũng, do công ty mà anh ta thành lập nhận được khoản tiền lớn từ một công ty của Ukraine, 166,000 USD mỗi tháng, theo nhà báo John Karl của ABC.
Ông Karl nhận định: “Theo tôi biết, Hunter Biden không có nhiều kinh nghiệm về Ukraine. Tôi nghĩ nếu tên anh ta là Hunter Smith thì anh ta chắc sẽ không được trả từng ấy tiền”.
Theo ĐKN