Tháng 9/2018, khắp thủ đô và thành phố lớn nước Úc xuất hiện các thông điệp của chiến dịch quảng cáo 500 triệu đô la kêu gọi người xem “chứng kiến sự khác biệt” của Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung ương Trung Quốc (CGTN) phát sóng trên các kênh Foxtel và Fetch TV. Theo kênh ABC, chiến dịch này ẩn giấu một dự báo ngầm đáng quan ngại.
Chuyên gia cảnh báo Trung Quốc đang sử dụng truyền thông để định hình dư luận và phục vụ các mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên toàn cầu. Bắc Kinh hiện ra sức gây dựng đội ngũ nhà báo nước ngoài, thu mua không gian trên các phương tiện truyền thông hải ngoại khác nhau và mở rộng mạng lưới truyền thông nhà nước trên quy mô chưa từng có trong lịch sử.
Trung Quốc vung tiền tỷ cho các chiến dịch truyền thông toàn cầu
Giới quan sát đánh giá, Trung Quốc đã nhanh chóng hiểu được tầm quan trọng của chiến tranh thông tin, và sức mạnh truyền thông trong định hình dư luận cả trong nước và quốc tế. Không chỉ siết chặt kiểm soát truyền thông trong nước và chặn đứng mọi kênh truyền thông nước ngoài, ĐCSTQ đang tham lam tạo ra một “trật tự truyền thông thế giới mới” và vươn ra kiểm soát truyền thông toàn cầu.
Các tờ báo lớn trên thế giới như Wall Street Journal năm 2012 hay The Guardian năm 2018 đều từng đề cập đến “tham vọng đáng kinh ngạc” này của Trung Quốc trong thập niên qua. Năm 2009, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã từng cam kết chi 45 tỷ NDT (9,3 tỷ đô la) cho một chiến dịch mở rộng truyền thông. Trong tháng này, Lầu Năm Góc vừa công bố một báo cáo, theo đó chỉ riêng tờ Tân Hoa Xã đã thành lập 40 văn phòng nước ngoài trong các năm 2009 – 2011, đến năm 2017 là 162 văn phòng và đạt mục tiêu 200 văn phòng năm 2020.

CGTN hiện có văn phòng tại London, Nairobi và Washington, cùng một đội ngũ đông đảo phóng viên khắp thế giới, trong đó có Úc. Với tuyên bố sẽ phát sóng tới 1,2 tỷ người bằng các ngôn ngữ Anh, Nga, Ả Rập, Pháp, Trung Quốc, trong đó có 30 triệu hộ gia đình Mỹ, CGTN sẽ trở thành mạng truyền hình lớn nhất thế giới.
‘Truyền thông tốt về Trung Quốc’
Năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng gọi CGTN là kênh “truyền thông tốt về Trung Quốc” và truyền bá tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thông điệp này được xem là một trong những tham vọng của Bắc Kinh nhằm cải biến quan niệm thế giới về Trung Quốc, đồng thời thách thức nền tự do dân chủ phương Tây.
Bắt chước các kênh truyền thông quốc tế mới nổi như Russia Today và Al Jazeera, Trung Quốc “có lẽ muốn biến CGTN thành một BBC khác, hay là một nhân tố quyền lực mềm để “truyền thông tốt về Trung Quốc” như ông Tập chỉ đạo,” theo nhận định của Graeme Smith, nghiên cứu viên tại Đại học Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Úc.
Tháng 6 năm ngoái, Buzzfeed báo cáo, CGTN đăng tin tuyển dụng hơn 350 vị trí nhà báo cho văn phòng London để “đưa tin theo góc nhìn Trung Quốc”, kéo theo một sự kiện đáng kinh ngạc khi có tới 6.000 ứng cử viên cho 90 cơ hội việc làm đầu tiên. Những “nhà báo” này được gọi là “wu mao” trong tiếng Trung nghĩa là “50 xu”, một thuật ngữ thông tục để chỉ các “dư luận viên” internet được thuê tuyển bởi chính quyền Trung Quốc nhằm thao túng dư luận, Tiến sĩ Haiqing Yu, phó giáo sư tại trường thông tin và truyền thông thuộc Đại học RMIT nhận định.

“Nếu trật tự truyền thông thế giới mới của Trung Quốc trở thành sự thật, chúng ta sẽ được thấy một tương lai trong đó nhà báo chủ yếu giữ vai trò là phát ngôn viên của chính quyền trên toàn thế giới”, Cedric Alviani, giám đốc văn phòng Phóng viên không biên giới khu vực Đông Á nói với ABC.
Quyền lực mềm hay âm thầm xâm lược?
Việc mở rộng Tân Hoa Xã và CGTN diễn ra song hành cùng một chiến dịch mờ nhạt hơn liên quan đến việc thu mua không gian phát sóng phát thanh nước ngoài và các đầu mục báo chí.
Một cuộc điều tra năm 2015 của Reuters tiết lộ có ít nhất 33 đài phát thanh trên 14 quốc gia “thuộc sở hữu của mạng vô tuyến toàn cầu được thiết kế để che giấu cổ đông chính là Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) do nhà nước điều hành”. Tuy nhiên, dù được hậu thuẫn bởi một chiến lược truyền thông ngày càng mạnh mẽ và tinh vi nhưng các đài phát thanh này dường như đang bị cản trở bởi chính các yêu cầu phải theo sát đường lối của đảng, giới hạn khả năng sản xuất các nội dung hấp dẫn và có sức ảnh hưởng rộng rãi.
Tuy nhiên Peter Mattis, cựu chuyên viên phân tích CIA hiện là thành viên chương trình nghiên cứu Trung Quốc thuộc tổ chức Jamestown Foundation tại Washington, cảnh báo đây không phải là một chiến dịch quyền lực mềm.
“Quyền lực mềm về bản chất là thụ động, đó là về sự hấp dẫn văn hóa, hệ thống giá trị và chính trị của một quốc gia… Điều mà Trung Quốc đang làm không phải là bị động, mà là chủ động xâm chiếm”.