Hồng Thủy - Vatican
Ngày 14/9, ĐTC đã gặp 40 Giám mục của các giáo hội Công giáo Đông phương ở châu Âu, bao gồm các Giám mục thuộc các Giáo hội nghi lễ Đông phương của Ucraina, Rumani, Hy Lạp và Slovak, và cả các vị đang chăm sóc các cộng đoàn di dân bên ngoài châu Âu, trong đó có các Giáo hội Công giáo Coptic, Canđê và Siria từ Trung Đông và các Giáo hội Syro-Malabar và Syro-Malankara của Ấn độ.
Chân lý Kitô giáo không đơn điệu, nhưng 'giao hưởng'
Trong cuộc gặp gỡ, ĐTC nhận định rằng sự đa dạng trong các nghi thức phụng vụ, tu đức và quản trị của Công giáo là một dấu hiệu của sự hiệp nhất thực sự của Giáo hội Công giáo, và ngài cũng nhấn mạnh: "Đồng nhất là sự hủy diệt hiệp nhất; chân lý Kitô giáo không đơn điệu, nhưng 'giao hưởng', nếu không nó sẽ không đến từ Chúa Thánh Thần."
ĐTC cũng khẳng định: "Sự trung thành với giáo hoàng của các tín hữu Công giáo theo truyền thống Byzantine là một viên ngọc quý của di sản đức tin của họ". Nếu đó là một phần bản sắc riêng của họ, hiệp thông Công giáo không lấy đi bất cứ thứ gì. Trái lại, nó giúp bảo vệ khỏi sự cám dỗ bị nhốt trong chính mình và rơi vào chủ nghĩa quốc gia hoặc sắc tộc, là điều có thể biến thành chủ nghĩa mị dân.
Trở thành nghệ nhân đối thoại
Trước quá nhiều bất bình đẳng và chia rẽ đe dọa hòa bình, nhiều người bị lôi cuốn bởi vòng xoáy bạo lực, vòng luẩn quẩn của những đòi hỏi và những lời buộc tội lẫn nhau, ĐTC nhấn mạnh: “Ơn gọi của người Công giáo là trở thành nghệ nhân đối thoại, thúc đẩy hòa giải, những người thợ kiên trì xây dựng một nền văn minh gặp gỡ, qua cầu nguyện, khiêm nhường và yêu thương”.
Thăng tiến kiệp nhất các Kitô hữu
Cuối cùng, ĐTC đề cập đến vai trò của các Giáo hội Công giáo Đông phương trong việc thăng tiến kiệp nhất các Kitô hữu. ĐTC khuyến khích các chương trình học hỏi chia sẻ với nhau, đặc biệt cho các linh mục, để họ có thể được huấn luyện có một tâm trí cởi mở. (cath.ca 15/9/2019)
ĐTC thăm Hiroshima và Nagasaki, một thông điệp hy vọng về vũ khí hạt nhân

Ngọc Yến - Vatican
Năm 2013, sau khi được chọn làm Giáo hoàng, ĐTC Phanxicô đã thực hiện các chuyến tông du đến Sri Lanka, Philippines, Myanmar và các nước Á châu khác. Điều này cho thấy sự quan tâm ĐTC dành cho vùng đất này. Và nhận định này càng rõ ràng hơn khi trước chuyến viếng thăm đến Nhật Bản, ngài sẽ đến Thái Lan, nơi đây 95% người dân theo Phật giáo.
Theo giáo sư Agostino Giovagnoli, dạy môn sử học của trường đại học Công giáo Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Rôma, ĐTC Phanxicô tin rằng với Á châu, chúng ta có thể xây dựng một trật tự toàn cầu bằng cách xem xét các nền văn hóa và tôn giáo khác.
Vào tháng 11 năm 2014, ĐTC đã nói: “Loài người chưa học được gì từ Hiroshima hay Nagasaki”. Chính ĐTC cũng đã đưa ra lời tố cáo mạnh mẽ lên án việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Tháng giêng năm 2018, ngài đã cho phân phát tấm thiệp trên đó có hình một bé trai đang cõng em đã chết trên lưng, xếp hàng đợi hỏa táng. Tấm hình được chụp sau vụ ném bom nguyên tử vào Nagasaki.
Theo ĐTC, về mặt chính trị, Nhật Bản đã đạt được sự ổn định và hòa bình, nhưng cần phải quan tâm đến vấn đề môi trường và người tị nạn. Hơn nữa, vào tháng 12 năm 2017 trong một video thảo luận với sinh viên Nhật, ĐTC cảnh báo chống lại sự cạch tranh quá mức tại Nhật Bản.
Với chủ đề chuyến viếng thăm “Bảo vệ tất cả sự sống”. Trong một tuyên bố Tòa Thánh cho biết Nhật có những “vấn đề dai dẳng” như thảm họa hạt nhân Fukushima, vì vậy những phát biểu của ĐTC chắc chắc sẽ là điểm chú ý cho toàn thế giới
Đài Vatican