Vừa được cho chạy thử đến đảo Phú Lâm vào cuối tháng 8, tàu tiếp tế « Tam Sa 2 », có trọng tải lên tới hơn 8.000 tấn, có thể chạy 6.000 km mà không cần được tiếp nhiên liệu và có thể chở đến 400 người, theo khẳng định của Tân Hoa Xã. Theo giới phân tích, chiếc tàu tiếp tế khổng lồ này sẽ tham gia vận chuyển các thiết bị đến quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang kiểm soát toàn bộ, và có thể là đến cả quần đảo Trường Sa.
Trước « Tam Sa 2 », tàu « Tam Sa 1 », do cùng một công ty đóng, đã được đưa vào sử dụng năm 2015 ở Biển Đông, nhưng tàu này chỉ có trọng tải 7.800 tấn.
Jay Batongbacal, giáo sư hàng hải quốc tế, Đại Học Philippines, được đài VOA trích dẫn ngày 16/09/2019, nhận định, với tàu tiếp tế mới, Trung Quốc đang mở rộng khả năng hoạt động ra toàn bộ các vùng ở Biển Đông. Theo vị giáo sư này, triển khai tàu « Tam Sa 2 » ra các vùng đang tranh chấp thậm chí còn có ý nghĩa biểu tượng. Điều này còn quan trọng hơn ở chỗ là họ vẫn bỏ xa các nước khác trong khu vực.
Còn theo ông Andrew Yang, tổng thư ký Hội đồng Trung Quốc của Đài Loan, tàu tiếp tế mới sẽ tăng cường khả năng hỗ trợ hậu cần cho các binh sĩ đồn trú trên các đảo ở Biển Đông. Ông Andrew Yang dự báo, rất có thể là Bắc Kinh sẽ đóng thêm nhiều tàu kiểu như vậy để luân phiên sử dụng ở Biển Đông. Tân Hoa Xã cũng xác nhận là công ty đóng tàu «Tam Sa 2 » và « Tam Sa 1 » đang dự trù đóng một vận tải thứ ba « để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho các binh sĩ và nhân viên trên các đảo ».
Các nước tranh chấp khác không có được sức mạnh quân sự và trình độ công nghệ như Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc vào năm ngoái đã triển khai các oanh tạc cơ đến tận quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh cũng đang có kế hoạch triển khai các nhà máy hạt nhân trên biển năm 2020, theo bộ Quốc Phòng Mỹ.
Đài Loan thỉnh thoảng có đưa tàu vận tải đến quần đảo Trường Sa, nhưng Đài Bắc chỉ nắm giữ một đảo lớn ở quần đảo này. Hải quân Việt Nam cũng có các tàu vận tải, nhưng Việt Nam thường dùng các tàu cá nhỏ hơn để vận chuyển trên Biển Đông, theo ghi nhận của ông Collin Koh, chuyên gia về an ninh hàng hải, Đại Học Công Nghệ Nanyang, Singapore. Ông Collin Koh cho rằng Trung Quốc có thể cản trở các chuyến tiếp tế của các các tàu nhỏ như vậy.
Theo RFI
Biển Đông : Trung Quốc tức giận vì chiến hạm Mỹ áp sát Hoàng Sa

Sự kiện khu trục hạm Mỹ USS Wayne E. Meyer áp sát quần đảo Hoàng Sa hôm thứ sáu 13/10/2019 , hai tuần sau khi có hành động tương tự tại Trường Sa làm cho Bắc Kinh tức tối.
Một phát ngôn viên của quân đội Trung Quốc cho là tàu chiến Mỹ đã bị « quân đội giải phóng đuổi ra khỏi khu vực chủ quyền của Trung Quốc ». Biển Đông có nguy cơ biến thành địa bàn « mèo vờn chuột » ?
Trung Quốc bực tức vụ khu trục hạm Mỹ trang bị tên lửa hành trình áp sát quần đảo Hoàng Sa (RFI 14/09/2019). Thượng tá Lý Hoa Mẫn, phát ngôn viên Bộ tư lệnh tác chiến quân khu nam của Trung Quốc, tuyên bố một cách giận dữ, nào là tàu chiến Mỹ đi vào vùng chủ quyền của Trung Quốc mà không xin phép, nào là chiến hạm này đã bị lực lượng hải quân, không quân của quân đội giải phóng theo dõi, nhận dạng, cảnh cáo, « tống khứ ra khỏi Tây Sa ».
Lý Hoa Mẫn lên án Hoa Kỳ « thiếu thành thật, không hiểu biết về luật hàng hải quốc tế, áp dụng chiến thuật bá quyền trên biển, gây bất ổn định trong khu vực ».
Phía Mỹ phản ứng lại qua phát ngôn viên của hạm đội 7. Nữ thiếu tá Reann Mommsen cho biết ý nghĩa của chuyến tuần tra vừa qua của hải quân Mỹ là thể hiện thái độ công khai chống lại hành động đơn phương áp đặt chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa.
Theo phát ngôn viên Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam cùng tự nhận có chủ quyền tại Hoàng Sa. Cả ba đều có quyền đòi hỏi tàu nước ngoài phải xin phép trước hoặc thông báo trước mỗi khi thực hiện quyền qua lại vô hại. Do vậy, khi đơn phương áp đặt điều kiện,Trung Quốc đã vi phạm luật quốc tế. Hoa Kỳ cũng phủ nhận đường lưỡi bò mà Trung Quốc áp đặt ở Biển Đông.
Theo nhật báo Anh Daily Express nhắc lại cách nay hai tuần, khu trục hạm Hoa Kỳ USS Wayne E. Meyer tiếp cận đảo Chữ Thập và Vành Khăn, trong khu vực 12 hải lý. Đó là lần đầu tiên hạm đội 7 công khai phủ nhận hai đảo nhân tạo này là tiền đồn của Trung Quốc.
Mỹ không để cho Trung Quốc khống chế Biển Đông
Liệu cuộc đấu khẩu Mỹ-Trung tại Biển Đông sẽ dẫn đến xung đột võ trang ? Được nhật báo Anh Daily Express đặt câu hỏi, chuyên gia chính trị châu Á Sean King dự báo Mỹ và Trung Quốc khó tránh khỏi hành động leo thang trong tương lai mà ông gọi là « hoạt cảnh mèo vờn chuột » sẽ xảy ra thường xuyên hơn.
Cũng theo Daily Express, Trung Quốc lộ rõ mưu toan chiếm đoạt toàn bộ trữ lượng dầu khí của Việt Nam qua hành động cho tầu cần trục áp sát vùng duyên hải và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trong những tuần qua.
Theo RFI