Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố lệnh trừng phạt đối với ba nhóm tin tặc Triều Tiên liên quan đến vụ tấn công mạng WannaCry hồi năm 2017, cũng như các vụ đột nhập vào hệ thống của những ngân hàng và các công ty tài chính thế giới, theo bản tin hôm thứ Bảy (14/9) của Aljazeera.

WannaCry (muốn khóc) là một virus độc hại được các tin tặc Triều Tiên dùng để tống tiền. Vào tháng 5/2017, sau 3 ngày phát tán, gần 300.000 máy tính ở 150 quốc gia đã bị lây nhiễm loại virus nguy hiểm này. Các tin tặc yêu cầu chủ của các máy bị nhiễm virus, nếu không muốn tiếp tục bị làm phiền thì phải nộp cho chúng từ 300 tới 600 Euro, chi trả thông qua tiền ảo bitcoin.

Các nhóm tin tặc Triều Tiên chịu lệnh trừng phạt của Mỹ là Lazarus Group, Bluenoroff và Andariel. Những nhóm “hắc thủ bàn phím” này được cho là hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ Tổng cục Trinh sát (RGB), đơn vị tình báo chính của Triều Tiên, vốn đã bị Mỹ và Liên Hợp Quốc đưa vào danh sách trừng phạt.

Theo biện pháp trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ, tất cả các tài sản và các giao dịch của các nhóm tin tặc này ở Hoa Kỳ sẽ bị phong tỏa. Tuyên bố của Bộ Tài chính cũng cho biết bất kỳ tổ chức tài chính nước ngoài nào cố tình liên hệ với các nhóm tin tặc Triều Tiên cũng có thể bị xử phạt.

“Bộ Tài chính đang thực hiện các hành động chống lại các nhóm tin tặc Triều Tiên đã và đang gây ra các cuộc tấn công mạng nhằm tìm kiếm tài chính hỗ trợ các chương trình vũ khí và tên lửa bất hợp pháp”, bà Sigal Mandelker, quan chức của Bộ Tài chính Mỹ, phụ trách vấn đề Khủng bố và Tình báo Tài chính, cho biết.

Bà nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thi hành các lệnh trừng phạt hiện có của Mỹ và Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên và làm việc với cộng đồng quốc tế để cải thiện an ninh mạng của các mạng tài chính”.

Đầu tháng này, Triều Tiên đã bác bỏ cáo buộc của Liên Hợp Quốc rằng nước này đã kiếm được 2 tỷ đô la thông qua các cuộc tấn công mạng vào các ngân hàng và các giao dịch tiền điện tử, đồng thời cáo buộc Hoa Kỳ tung tin đồn thất thiệt nhắm vào họ.

Tuy nhiên, các báo cáo của giới truyền thông và các công ty an ninh mạng khẳng định, vào năm 2018, Bluenoroff đã đánh cắp hơn 1,1 tỷ đô la từ các tổ chức tài chính và thực hiện thành công các hành vi trộm cắp đối với các ngân hàng ở Bangladesh, Ấn Độ, Mexico, Pakistan, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile và Việt Nam.

Các báo cáo cũng cho biết Bluenoroff đã “liên thủ” với Lazarus để đánh cắp khoảng 80 triệu đô la từ ngân hàng trung ương Bangladesh tại Cục Dự trữ Liên bang New York.

Trong khi đó, Bộ Tài chính dẫn nguồn từ các công ty an ninh mạng cho hay, Andariel đã sử dụng thông tin từ các thẻ ATM đánh cắp được để rút tiền mặt hoặc bán thông tin khách hàng cho thị trường chợ đen. Nhóm tin tặc này cũng là chủ nhân của những phần mềm độc hại được dùng để ăn cắp tiền từ các trang web đánh bạc trực tuyến, nó cũng bị cáo buộc thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào nền tảng công nghệ thông tin của quân đội Hàn Quốc hòng thu thập thông tin tình báo cho Bình Nhưỡng.