Hôm thứ Tư (11/9), Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cho phépTổng thống Donald Trump toàn quyền thực thi một quy định hạn chế số lượng dân tị nạn tại biên giới Mỹ – Mexico, một phần quan trọng trong chính sách nhập cư cứng rắn của ông Trump.
Tòa án Tối cao cho phép ông Trump thực hiện điều luật yêu cầu hầu hết người nhập cư muốn tị nạn trước hết cần tìm nơi trú ẩn an toàn ở một nước thứ ba trên đường họ đến Hoa Kỳ. Theo Reuters, phán quyết này trao cho Tổng thống Trump một chiến thắng vào thời điểm phần lớn các chương trình nghị sự về nhập cư của ông bị các tòa án cấp dưới bác bỏ.
Phản ứng với phán quyết, Tổng thống Trump gọi đó là chiến thắng LỚN tại Tòa án Tối cao Hoa Kỳ về vấn đề tị nạn ở biên giới.

Quy định mới này có thể cấm hầu hết những người nhập cư xin tị nạn tại biên giới phía nam. Đây là một nỗ lực mới nhất của chính quyền Trump về nhập cư, chính sách quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông và cuộc tái tranh cử 2020.
Chính quyền tổng thống Đảng Cộng hòa ban hành luật với nỗ lực giảm yêu cầu tị nạn chủ yếu bởi người di dân Trung Mỹ vượt qua biên giới Hoa Kỳ – Mexico với số lượng lớn trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.
Quy định sẽ ngăn chặn gần như tất cả các gia đình và cá nhân từ các quốc gia như El Salvador, Honduras và Guatemala vào Mỹ với tư cách người xin tị nạn sau khi họ đi qua Mexico. Quy định mới vẫn giữ quyền tị nạn cho công dân Mexico.
Theo ĐKN
Đài Loan kêu gọi tự do hàng hải ở Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp hôm thứ Tư (11/9) kêu gọi tất cả các quốc gia trong khu vực bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng quân sự hóa trong vùng biển tranh chấp này.
Ông Ngô cho biết trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNA, nhiều quốc gia trong khu vực, gồm cả các nước có chủ quyền trên Biển Đông, bày tỏ lo ngại về các yêu sách ngày càng thái quá của Bắc Kinh trong khu vực cũng trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tự ý bồi đắp ở Biển Đông, mặc dù nhiều nước trong số đó có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Bắc Kinh.
Mặc dù các quốc gia xung quanh Biển Đông có lúc tỏ ra im lặng trước các hành động của Trung Quốc, nhưng họ vẫn luôn quan ngại và muốn thấy các quốc gia dân chủ thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển này.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia công nhận quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”, ông Ngô nói, “Nếu không, Trung Quốc sẽ kiểm soát toàn bộ Biển Đông, do đó gây ra mối đe dọa đối với chủ quyền và an toàn của các quốc gia trong khu vực và các hoạt động thương mại quốc tế”.
Bắc Kinh không ngừng chỉ trích các động thái trên Biển Đông của Úc, Anh, Pháp, Đức Nhật Bản, Hoa Kỳ, và các nước đồng minh khác của Hoa Kỳ trên Biển Đông, đặc biệt là khi các tàu quân sự hoặc máy bay của họ di chuyển ngang qua các đảo nhân tạo mà Trung Quốc hiện đang kiểm soát.
Truyền thông Anh cho hay, gần đây, Trung Quốc cảnh báo Anh về việc tàu hải quân HMS Queen Elizabeth đi qua Biển Đông có thể bị xem là hành động “thù địch”.
Trong khi đó, ông Ngô nói rằng mặc dù Đài Loan không thể tham dự quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông và các hội nghị đa phương như diễn đàn khu vực ASEAN, nhưng Đài Loan vẫn theo dõi sát sao những diễn biến liên quan đến vấn đề này.
Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nước có chủ quyền trên Biển Đông thảo luận với Đài Loan về các vấn đề Biển Đông, và cho biết Đài Loan sẵn sàng góp sức trong vấn đề này, đặc biệt là các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và tìm kiếm cứu nạn.
Ông cũng kêu gọi các nước liên quan giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách ôn hòa và theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam hiện là các nước tuyên bố một phần chủ quyền trên Biển Đông.
Trung Quốc muốn hoàn tất dự thảo ứng xử Biển Đông trước khi Duterte mãn nhiệm

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. hôm thứ Tư (11/9) cho biết, Trung Quốc muốn Philippines hoàn thiện dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong nhiệm kỳ của Tổng thống Rodrigo Duterte. Ông Duterte sẽ mãn nhiệm vào tháng 6/2022.
Ông Locsin phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên ANC’s Headstart: “Trung Quốc hy vọng chúng ta hoàn tất bản thảo đầu tiên sau 3 năm. Tôi nghĩ là vào năm 2021”.
Một quan chức trong Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, ông Duterte đã đưa vấn đề này thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm của ông Tập ở Manila vào tháng 11 năm ngoái.
Ông Locsin cho biết, khi đó Tổng thống Philippines nói rằng “Bộ Quy tắc này sẽ tồn tại lâu dài. Hai nước có thể đẩy nhanh việc này để tránh mọi căng thẳng và phân biệt được bên nào đúng, bên nào sai khi có tranh chấp xảy ra không?” và ông Tập đã đồng ý.
Bộ trưởng Ngoại giao Locsin tiết lộ thêm, người đồng cấp của ông bảo Philippines sẽ cho Bắc Kinh “một cú đá” nếu Malina “trì hoãn” xây dựng Bộ Quy tắc.
“Kết quả là, Trung Quốc đang dịu xuống, không còn nhất quyết đòi loại trừ các thế lực nước ngoài… Nói cách khác, có một triển vọng về Bộ Quy tắc ứng xử công bằng, chính đáng và khách quan ở Biển Đông”, ông Locsin nói.
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ông Locsin đã tìm cách phân trần tuyên bố của ông Duterte về thỏa thuận thăm dò dầu khí với Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp thuộc Biển Đông.
Trước đó, ông Duterte tiết lộ với các phóng viên về lời đề nghị đổi Phán quyết Biển Đông lấy thỏa thuận dầu khí của Trung Quốc. Theo lời hứa hẹn từ Bắc Kinh, Philippines sẽ thăm dò Biển Đông cùng với Trung Quốc, nếu phát hiện mỏ dầu khí nào, thì Philippines và Trung Quốc sẽ ăn chia theo tỷ lệ 60-40.
Không lâu sau khi lên nắm quyền vào tháng 6/2016, Tổng thống Duterte tuyên bố “chia tay” Mỹ để hợp tác với Trung Quốc, sau khi bị Washington lên án về những vi phạm nhân quyền trong cuộc càn quét ma túy đẫm máu, khiến hàng ngàn người bị giết ngoài vòng pháp luật.
Theo ĐKN