Chừng 100 người Việt ở Nhật Bản xuống đường phản đối TQ

Khoảng 100 người Việt sinh sống tại Nhật Bản đã tham gia một cuộc biểu tình tuần hành quanh Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông.
"Tình hình là hiện tại biển đảo của Việt Nam bị xâm chiếm mà nói thẳng là nó cướp nhưng phía nhà hữu trách của Việt Nam thì hầu như là im lặng và không có biểu hiện hay biện pháp nào để ngăn chặn sự xâm lược của giặc tàu.
"Nên tôi là một người con dân nước Việt Nam không muốn mất một tất đất nào cũng lãnh thổ Việt Nam dù đang đi lao động tại Nhật Bản nhưng tôi cũng muốn góp tiếng nói của mình nên đã tham gia cuộc biểu tình hôm qua 8/9," một người Việt tại Nhật tên Ngọc Quý nói với BBC.
Cuộc biểu tình ôn hòa này được tổ chức bởi Phong trào Antichicom (Chống Cộng sản trung Quốc), theo thông báo của ban tổ chức biểu tình.
Được biết, người biểu tình đi bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc để "bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đến nhà cầm quyền Bắc Kinh vì hành vi xâm lược bãi Tư Chính và lãnh hải của Việt Nam."
Các băng rôn được viết bằng tiếng Việt, tiếng Nhật và tiếng Anh.
Được biết là cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần thứ hai trong 2019 tại Nhật Bản.
Theo thông báo của VMA, sau cuộc biểu tình, phong trào sẽ "xúc tiến các chương trình ủng hộ dân chủ nhân quyền cho Việt Nam, thông qua các hoạt động truyền thông đại chúng, phổ biến thông tin và kiến thức về chủ quyền biển đảo, gây quỹ ủng hộ các hoạt động có tính dân chủ hóa Việt Nam, và nhiều các lĩnh vực văn hóa xã hội khác."
Thông báo cũng cho biết họ ủng hộ các sắc dân Tây Tạng, Uyghuir và người Hong Kong đang bị Trung Quốc "bức hại".

Trong thông điệp sau cuộc biểu tình, VMA viết:
"Tuy sống xa quê hương, nhưng trái tim chúng ta luôn hướng về quê hương, dòng máu Lạc Hồng vẫn cuồn cuộn chảy trong mỗi người.
Nước Việt Nam chưa bao giờ thiếu bậc anh hùng hào kiệt, và các bạn dám xuống đường hôm nay thực sự là những người hùng!"
Không thể biểu tình trong nước
Anh Nguyễn Phương, kỹ sư cơ khí, từng là du học sinh ở Nhật vào 2015 và làm việc ở Nhật từ 2017 đến nay. Anh là một trong những người tham gia cuộc biểu tình hôm 8/9 qua. Anh cho BBC biết anh từng tham gia rất nhiều cuộc biểu tình tại Việt Nam nhưng nhiều lần bị bắt bị đánh đập.
Phương tham gia các cuộc biểu tình chống Formosa vào tháng 5/2016 và các cuộc biểu tình từ Sài Gòn đến Vũng Tàu, Đồng Nai.
Anh Phương cho biết phần đông người tham gia biểu tình đa số là du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, cựu du học sinh trước 1975 và sau 1975, thực tập sinh ở nhiều nơi trên đất nước Nhật.
Anh Ngọc Quý là một trong số đó. Anh Quý cho biết anh chưa từng đi biểu tình ở Việt Nam nhưng hiểu rõ biểu tình ở quê nhà rất khó.

"Ở Việt Nam, mình đã từng đi xem biểu tình thì thấy phía cảnh sát công an Việt Nam tìm mọi cách để bắt những người biểu tình
Còn ở Nhật thì lần đầu tiên mình tham gia biểu tình nhưng khác hoàn toàn. Cảnh sát Nhật Bản họ cũng đi cùng đoàn biểu tình và họ phân luồng xe chạy và chặn xe tại các ngã tư để đoàn biểu tình đi không gặp bất cứ trở ngại nào.
"Mình cảm nhận là biểu tình ở những nước tư bản tự do và có nhân quyền thì con người luôn được bảo vệ trước cái xấu."
Về mức độ hiệu quả của một cuộc biểu tình 100 người ở Nhật Bản, anh Quý cho rằng kết quả "sẽ không thấy ngay".
"Theo mình nghĩ thì sẽ không có kết quả liền vì những người hiểu về việc giặc tàu nó xâm chiếm biển đảo của Việt Nam thì còn rất ít vì giới trẻ ở Việt Nam hiện nay đang ở trong nước còn thiếu thông tin và chỉ nghe một chiều của báo chí và truyền thông.
"Để có kết quả thì mình cần phải cho những người giới trẻ Việt Nam ở trong nước hiểu được vấn đề quan trọng. Mình nghĩ những cuộc biểu tình như thế này thì giới trẻ Việt Nam sẽ xem và tìm hiểu vì ở VN đa phần là sử dụng Facebook nên mình nghĩ về lâu dài thì sẽ có kết quả."
Còn với anh Phương, đây là một cuộc biểu tình "thành công".

"Với tôi cuộc biểu tình đem lại kết quả thành công hơn mong đợi, bởi cuộc biểu tình tập hợp nhiều gương mặt trẻ, đa số lần đầu tham gia biểu tình, các em thể hiện rõ tinh thần chống lại âm mưu cướp nước của chính quyền Bắc Kinh, các em tự tin đứng trước đại sứ quán hô to, yêu cầu nhà cầm quyền Bắc Kinh cút khỏi lãnh thổ Việt Nam."
"Trên đường đi, chúng tôi còn gặp ba lao động người Việt vẫy tay ủng hộ và cùng hô vang với chúng tôi, gặp bạn nữ đang làm thêm chạy ra cổ vũ đoàn chúng tôi, báo chí và người đi đường họ cũng tỏ thái độ ủng hộ chúng tôi."
"Sau sự kiện nhận được sự ủng hộ đông đảo của bà con trong nước và hải ngoại, mong cuộc biểu tình tại Osaka sắp tới sẽ thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia!"
Theo BBC
Rạng Đông thừa nhận sử dụng thủy ngân lỏng, viết thư xin lỗi lãnh đạo thành phố

Lãnh đạo công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thừa nhận đã sử dụng thủy ngân lỏng trong 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy trong vụ hỏa hoạt xảy ra tại nhà máy này đêm hôm 28 tháng 8 vừa qua. Truyền thông trong nước hôm 8/9 trích thông tin từ Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.
Cụ thể, tại buổi làm việc của Tổng cục Môi trường với lãnh đạo công ty Rạng Đông hôm 31/8, lãnh đạo công ty thừa nhận đã sử dụng thủy ngân lỏng với hàm lượng 20 mg/bóng cho 480.000 bóng đèn huỳnh quang, và sử dụng Amalgam cho 1.600.000 bóng đèn compact, cùng một số nguyên liệu và hóa chất độc hại khác. Amalgam là hỗn hống của thủy ngân, kẽm và Bismut.
Hôm 4/9, Bộ Tài nguyên Môi trường công bố kết quả quan trắc và các mẫu lấy xung quanh khu vực xảy ra vụ cháy tại công ty Rạng Đông và xác định có khoảng từ 15,1 kg đến 27,2 kg thủy ngân bị phát tán ra môi trường. Bộ Tài nguyên – Môi trường khẳng định, tại một số thời điểm, quan trắc không khí trong khuôn viên nhà máy sau vụ cháy có lượng thủy ngân cao vượt ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân trong bán kính 500 m tính từ hàng rào nhà máy cần thực hiện các biện pháp phun rửa nhà cửa và đồ dùng; Người dân sống trong bán kính 200 m đến 500 m cần đi khám khi có dấu hiệu ngộ độc thủy ngân.
Trong khi đó, vào ngày 6/9, Tổng giám đốc công ty Rạng Đông, ông Nguyễn Đoàn Thắng đã viết thư gửi đến lãnh đạo thành phố Hà Nội, phường Thanh Xuân Trung, Hạ Đình và quận Thanh Xuân, cùng các đơn vị, cơ quan, nhân dân hai phường để xin lỗi về hậu quả vụ cháy.
“Sự cố hỏa hoạn xảy ra tại công ty chúng tôi đã làm bận tâm, phiền hà đến lãnh đạo thành phố, quận Thanh Xuân, ảnh hưởng sức khỏe của lực lượng PCCC và đặc biệt tới nhân dân 2 phường sát công ty”, bức thư có đoạn viết.
Lãnh đạo công ty viết tiếp: “Thay mặt Ban Lãnh đạo và toàn thể CBCNV Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông qua thư xin lỗi này gửi lời xin lỗi của chúng tôi tới Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội, tới Đảng ủy, UBND Quận Thanh Xuân, UBND hai Phường Thanh Xuân Trung, Hạ Đình và bà con dân cư khu vực quanh Công ty”.
Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức được công bố về số người dân thực sự bị ảnh hưởng bởi vụ hỏa hoạn.
Tin vào ngày 9 tháng 9 cho biết khoảng 300 học sinh tại trường tiểu học Hạ Đình được phụ Huynh cho nghỉ học vì sợ bị ô nhiễm thủy ngân. Phòng Giáo dục & Đào Tạo Quận Thanh Xuân thừa nhận có 320 học sinh trên tổng số hơn 1300 học sinh của trường nghỉ học, trong số này có hơn 220 em sống cách khu vực nhà máy Rạng Đông 500 mét.
Thống kê cũng cho thấy có gần 90% hộ dân tại Chung cư 54 Hạ Đình, hơn 40% hộ dân tại Chung cư 143 Hà Đình và nhiều hộ dân, kinh doanh quanh khu vực Công ty Rạng Đông đã chuyển đi nơi khác sau vụ cháy hôm ngày 28 tháng 8.
Cũng tin được loan đi vào ngày 9 tháng 9 thì Bộ Tư Lệnh Thủ đô đã phối hợp với Bộ Tư Lệnh Hóa Học, Bộ Quốc Phòng đã lấy hơn 20 mẫu môi trường tại khu vực bị cháy, cống nước thải của nhà máy Công ty Rạng Đông và Công ty Thể Thao Động lực, nước sông Tô Lịch tại Hà Nội để làm xét nghiệm, đánh giá hiện trạng ô nhiễm, làm cơ sở xây dựng phương án tiêu tẩy, khắc phục môi trường.
Theo RFA