Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc là một trong những chương trình phát triển tham vọng và gây nhiều tranh cãi. Chính quyền của Tổng thống Trump đang nỗ lực chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của kế hoạch này.

Thực trạng và tham vọng của hai bên

Trung Quốc:

  • Năm 2013 công bố kế hoạch “Một vành đai, một con đường”.
  • Đầu tư thâu tóm hoặc mua cổ phần của nhiều công ty Âu – Mỹ, đặc biệt là các công ty công nghệ.
  • Sử dụng thị trường tài chính để huy động vốn gián tiếp từ nước ngoài.
  • Lách luật mua công nghệ Mỹ thông qua việc đầu tư vào các công ty nước ngoài, mà chủ yếu là ở Hồng Kông.

Mỹ:

  • Thông tin cảnh báo liên tục cho thế giới về mặt trái của kế hoạch “Một vành đai, một con đường”.
  • Thông qua Luật tăng thêm thẩm quyền cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ CIFUS để kiểm soát Trung Quốc trong việc thâu tóm và lợi dụng công nghệ Mỹ.
  • Thông qua Luật đầu tư phát triển (Build Act) để tăng thêm ngân sách cho Tổ chức đầu tư tư nhân hải ngoại Hoa Kì (OPIC) nhằm đối trong với “vành đai, con đường”.
  • Triển khai chiến lược “Ấn Độ dương – Thái Bình dương mở và tự do” (FOIP) để đối phó toàn diện với Trung Quốc
  • Yêu cầu Trung Quốc minh bạch thông tin về doanh nghiệp nhà nước, dỡ bỏ thêm các lĩnh vực hạn chế đầu tư nước ngoài.

Mỹ đấu tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố chiến lược “Một vành đai, một con đường (OBOR – one belt, one road)”, sau đổi thành “sáng kiến vành đai, con đường” (BRI – belt and road Initiative). Chiến lược này, Trung Quốc có kế hoạch đầu tư cả nghìn tỉ USD vào các nước từ châu Á, châu Âu, đến châu Phi. Bề mặt của kế hoạch là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (vành đai), kết nối các tuyến hàng hải từ thành phố Phúc Châu sang Đông Nam Á, châu Phi và châu Âu với điểm cuối là Venice (Ý). Xây dựng hạ tầng giao thông và ống dẫn dầu ở các khu vực kinh tế của nhiều nước (con đường), từ Tây An qua một số nước Liên Xô cũ sang châu Âu, cùng có điểm kết thúc ở Venice (Ý). Bắc Kinh thông báo, tính đến tháng 4/2019, đã có 126 quốc gia ký thoả thuận tham gia sáng kiến “vành đai, con đường”.


Chiến lược này, cũng như kế hoạch Made in China 2025, đã làm cho nước Mỹ phải chú ý. Nhưng có thể nói, cả thế giới chỉ thực sự giật mình khi nó đi vào hoạt động một thời gian với thực tế là: bẫy nợ, thiếu minh bạch, đội vốn, chất lượng thấp, không hiệu quả, không quan tâm tới môi trường, lạm dụng tài nguyên nước khác, gia tăng tham nhũng, thúc đẩy chuyên chế, lạm dụng khi gắn với mục tiêu quân sự… Vấn đề càng ngày càng hiện hữu khi hàng loạt dự án được triển khai như: căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc được thiết lập tại Djibouti (Trung Phi) gắn liền với chiến lược “vành đai, con đường”; Srilanca phải cho Trung Quốc thuê lại 6000 hecta cùng cảng biển Hambatota sau khi không trả nổi nợ; Cảng Gwadar của Pakistan, một cảng cũng nằm trong dự án vành đai con đường, nhưng sau đó Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự thứ hai ngay bên cạnh.

Đến năm 2018, Trung Quốc là nước có tổng vốn đầu tư ra nước ngoài (FDI) lớn thứ hai thế giới. Sự chú ý của thế giới không chỉ liên quan đến các khoản đầu tư vào khu vực thuộc chiến lược “vành đai, con đường”. Đối với các nước châu Âu và châu Mỹ, vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tập trung vào các công ty công nghệ. Đến năm 2018, trong khi vốn FDI của Trung Quốc đầu tư vào châu Âu vẫn tăng, thì tại Mỹ, đầu tư của Trung Quốc đạt đỉnh ở mức 46 tỉ USD năm 2016, đến năm 2017 đã giảm khoảng 50% và đến năm 2018 đã giảm khoảng 90% so với năm 2016.

Nhưng hoạt động liên quan đến đầu tư phức tạp nhất của chính quyền Trung Quốc là gián tiếp thu hút đầu tư tài chính từ nước ngoài, chủ yếu là từ thị trường tài chính Mỹ. Hầu hết các doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc đều là doanh nghiệp quốc doanh, hoặc có vốn đầu tư từ nhà nước. Hội đồng Kiểm soát và Quản lý tài sản Nhà nước Trung Quốc (SASAC) kiểm soát 102 tập đoàn với tổng tài sản trên 26 ngàn tỉ USD. Các doanh nghiệp này có các công ty con các cấp có thể phát hành trái phiếu và các phương tiện huy động vốn trên thị trường tài chính Mỹ. Nhưng do qua nhiều bước sử dụng các công cụ đầu tư tài chính gián tiếp, nhiều nhà đầu tư Mỹ, nhất là công chúng rất khó biết được họ đang đầu tư cho một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Như vậy người có quyền sử dụng vốn cuối cùng từ các nhà đầu tư Mỹ lại chính là nhà nước Trung Quốc.

Vấn đề đáng nói là cơ chế kiểm toán và thông tin tài chính nội bộ của các doanh nghiệp mẹ, thuộc sở hữu Nhà nước Trung Quốc lại không thể công khai, nó được coi như bí mật quốc gia mà chính quyền Trung Quốc không cho phép tiết lộ. Như vậy, người ta có thể đặt ra nhiều nghi vấn về việc sử dụng các nguồn tài chính này cũng như tình trạng tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc. Ví dụ có thể một phần nguồn vốn đó được sử dụng vào các hoạt động đầu tư quân sự của chính quyền, hoặc các khoản đầu tư đó có thể gặp những rủi ro không thể kiểm soát. Nội dung phức tạp hàng đầu trong thoả thuận thương mại mà chính quyền Donald Trump đặt ra chính là sự công khai minh bạch trong việc áp dụng các tiêu chuẩn kế toán và thông tin với các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc. Đây cũng chính là vấn đề mà chủ sở hữu thực sự của các doanh nghiệp đó – Chính quyền trung ương Trung Quốc khó có thể chấp nhận được. Đây là một trong những lý do mà phía Trung Quốc tác động tới nhiều nhà tài phiệt Mỹ và các phương tiện truyền thông mà họ chi phối, để chính người Mỹ lại gây áp lực lên chính quyền Tổng thống Trump khi ông cứng rắn với Trung Quốc.

Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mở và Tự do (FOIP), đạo luật Đầu tư phát triển Build Act của Mỹ được coi là nhằm trực tiếp đối trọng với Vành đai Con đường của Trung Quốc. Nhưng cho đến nay, các động thái đó cũng chủ yếu thể hiện quan điểm chiến lược của Mỹ trong quan hệ với các quốc gia trong khu vực. Thực tế, Mỹ còn phải làm rất nhiều việc liên quan đến ngoại giao, quân sự và đầu tư với các nước.

Đối với hoạt động đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào các công ty Mỹ, chính quyền của ông Trump đã nhìn nhận rằng nó có xu hướng thâu tóm công nghệ, sở hữu trí tuệ và ảnh hưởng tới an ninh quốc gia Mỹ. Do vậy, nó đã tạo nên một làn sóng cảnh giác cao từ các doanh nghiệp Mỹ, trong khi Quốc Hội Mỹ đã thông qua Luật mở rộng tầm ảnh hưởng của Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS). Luật này cho phép Chính phủ Mỹ tăng cường xem xét và ngăn chặn các hoạt động đầu tư của nước ngoài mua cổ phần các công ty Mỹ trong 27 lĩnh vực nhạy cảm. Trước đây phạm vi mà CIFUS xem xét chỉ là các thương vụ mà doanh nghiệp Mỹ bị thâu tóm, còn luật mới cho phép xem xét với cả các thương vụ nhỏ mà nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua cổ phần, và có thể có quyền truy cập các thông tin về công nghệ nội bộ của doanh nghiệp Mỹ. Thương vụ đáng lưu ý ngay sau luật mới là CIFUS đã ngăn chặn công ty ANT Finacial của Jack Ma mua công ty MoneyGram của Mỹ.

Như đã nói ở trên, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ năm 2018 đã giảm 90% so với mức đỉnh năm 2016. Có thể nói, nước Mỹ đã ngăn chặn kịp thời hoạt động đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vốn để thâu tóm công nghệ Mỹ.

Đối với hoạt động huy động vốn đầu tư gián tiếp từ thị trường tài chính Mỹ của Trung Quốc, mặc dù chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục gây áp lực lên chính quyền Trung Quốc, nhưng có thể nhận định rằng nó khó có kết quả trực tiếp, vì động thái này động chạm đến quyền kiểm soát tuyệt đối của chính quyền trung ương Trung Quốc đối với các nguồn lực kinh tế Trung Quốc. Đối với Mỹ thì hiệu quả có thể là nó sẽ cảnh báo các nhà đầu tư tài chính Mỹ, họ cần hiểu rõ hơn về bản chất của doanh nghiệp và con đường đi của dòng vốn mà họ đã đầu tư. Nếu chính quyền Mỹ tiếp tục mạnh tay và kiểm soát hiệu quả dòng vốn gián tiếp này thì nó sẽ tạo cho Trung Quốc một sự bị động lớn.

Ở một góc độ khác, đầu tư của Trung Quốc vào các dự án Vành đai Con đường tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Tiêu chuẩn của các dự án về tính minh bạch, về khả năng sinh lời và khả năng trả nợ… thường bị đánh giá là không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Trung Quốc đã xử lý bằng các giải pháp như áp dụng mức lãi suất cao, thu nợ bằng tài nguyên hoặc thậm chí thâu tóm bằng cách thuê lại cả dự án. Cảng Hambatota của Srilanca là một trong những điển hình về cả khả năng sinh lời thấp lẫn không có khả năng trả nợ và buộc phải cho Trung Quốc thuê lại 99 năm. Có một rủi ro lớn đối với Trung Quốc là sự bất hợp lý về nhiều mặt của các dự án, khả năng gây thiệt hại cho quốc gia được đầu tư, nên khi có sự rủi ro về chính trị hoặc thay đổi chính quyền thì các dự án của Trung Quốc có nguy cơ bị xem xét lại, bị huỷ bỏ hoặc thậm chí họ sẽ không trả nợ. Trường hợp của Malaysia, chính phủ mới đắc cử đã xem xét lại hoặc huỷ bỏ hàng loạt các dự án đầu tư của Trung Quôc. Trường hợp của Venezuela, khi đang có biến động chính trị thì các dự án có nguy cơ mất vốn, đặc biệt là đối các công ty tư nhân Trung Quốc đầu tư theo.

Một trong những rủi ro hàng đầu đối với Trung Quốc chính là quy mô đầu tư cho Vành đai và Con đường quá lớn, trong điều kiện có biến động về năng lực tài chính, nhất là dưới sức ép mọi mặt của Mỹ, rất có thể nhiều dự án sẽ bị đình trệ. Với rủi ro lớn hơn, hệ thống các dự án đầu tư tham vọng này có thể sẽ rơi vào tình trạng đầu tư dở dang hàng loạt, không đi vào khai thác được khi vốn để hoàn thành dự án bị ách tắc. Với rủi ro lớn hơn nữa, hàng loạt dự án này có thể sẽ góp phần vào tình trạng vỡ nợ của Trung Quốc.

Như vậy, khác với mặt trận công nghệ và thương mại, đầu tư là lĩnh vực mà cuộc chiến giữa hai bên diễn ra chậm hơn, nhưng lại trên một diên rộng hơn, quy mô hơn và có nhiều yếu tố phức tạp, đa chiều hơn. Có thể nói, nếu các động thái liên quan đến lĩnh vực đầu tư từ phía Trung Quốc được tiến hành theo các chuẩn mực thông thường, thì Mỹ hay các quốc gia khác không thể có phản ứng đối kháng trực tiếp được. Tuy nhiên, Trung quốc thông qua các hoạt động đầu tư đã tạo nên một phản ứng tiêu cực trên toàn thế giới. Trong ngắn hạn, một số chính phủ hoặc vì thiếu hiểu biết, thiếu năng lực và vì những lợi ích thiển cận về chính trị và kinh tế vẫn đang “ủng hộ” Trung Quốc triển khai các dự án. Nhưng trong trung và dài hạn, do bản chất không ổn về nhiều mặt mà xu hướng phản ứng tiêu cực với các dự án đầu tư của Trung Quốc sẽ càng ngày càng đậm nét.

Chính quyền của Tổng thống Trump chỉ là một thực thể có tính tiên phong, có năng lực vượt trội và quan điểm mạnh mẽ trong việc phản ứng với Trung Quốc. Mỹ đang xoay chuyển tình thế từ phòng thủ sang phản công trên mọi mặt trận, trong đó lĩnh vực đầu tư đóng vai trò trọng yếu. Chúng ta sẽ cùng xem xét và phân tích các khía cạnh khác của cuộc chiến Mỹ Trung, để có được một cái nhìn càng ngày càng rõ ràng hơn về vấn đề vừa nóng bỏng vừa thú vị này.