Trần thị Vĩnh-Tường
10/5/2019, Tòa Giám Mục Bùi Chu ra thông báo hoãn việc “hạ giải” nhà thờ Bùi Chu ngày 13/5/2019 khiến dấy lên niềm hy vọng nhà thờ sẽ tồn tại. Theo tòa giám mục Bùi Chu thì nhà thờ “xây dựng theo kiến trúc Baroque đậm chất Tây Ban Nha... Oval là hình chủ đạo của kiến trúc này...” gây thắc mắc trong các bạn cũng như tôi ngoài ngành kiến trúc.
Chưa được viếng nhà thờ Bùi Chu, tôi may mắn được kiến trúc sư Minh Trung ở Hà Nội, kiến trúc sư Đỗ Phú Hưng và Đoàn Minh Long ở Saigon góp ý. Bài viết ngắn này mong tóm tắt vài nét đơn sơ còn “kiến trúc Baroque đậm chất Tây Ban Nha” thì cần một luận án kiến trúc.
Vì giới hạn trang giấy, xin viết tắt Tây Ban Nha là TBN, Giám Mục là GM, Bùi Chu là BC, nhà thờ Bùi Chu là NTBC.
NTBC có đủ các phong cách kiến trúc Romanesque, Gothic, Baroque. Rất nhiều cung Ba-Lá khiến NTBC có kiến trúc “duy nhất” không chỉ tại thời điểm xây dựng 1881-1885 mà tới bây giờ.
Nhà thờ Bùi Chu. (Ảnh: trang Nam Định)
THẾ NÀO LÀ BAROQUE?
Tiếng Ý thời Trung Cổ barocco có nghĩa trở ngại trong học thuật. Giữa thế kỷ 18, tiếng Pháp là baroque, tiếng TBN barrueco, tiếng Bồ Đào Nha barroco để gọi "ngọc trai không tròn” như 105 hạt trai trên vương miện hoàng hậu Farah, Ba-Tư.
(Ảnh Kathleen Marino)
Phong cách nghệ thuật (âm nhạc, kiến trúc, hội hoạ) phức tạp và tráng lệ lại được gọi là Baroque (viết hoa). Nền nghệ thuật Âu châu nguồn gốc từ văn minh Hy - La có truyền thống mô phỏng thiên nhiên: màu sắc, đường nét và tỷ lệ như trong ảnh này. Khung thứ tư là cửa sổ NTBC có ba-lá, lá dương xỉ, lá acantha (mà theo kiến trúc sư Tran Ngọc Hung chính là nàng Ô Rô trắng dưới lục tỉnh miền Nam thấy hoài mà hổng hay thiệt là mắc lỗi với nàng).
(Nguồn ảnh: tổng hợp)
TẠI SAO CÓ YẾU TỐ TÂY BAN NHA Ở VIỆT NAM?
Theo Hiệp ước Nhâm Tuất ký tại Sài Gòn ngày 5/6/1862 (thời vua Tự Đức) thì “Espana nhường quyền lấy đất làm thuộc địa cho nước Pháp, chỉ nhận tiền binh phí và quyền giáo sĩ được đi giảng đạo”.
Theo trang Dioecesis, trong 109 năm chín vị GM được bổ nhiệm coi sóc giáo phận BC là người Espana tức TBN dòng Đa Minh. Thời điểm đến BC và qua đời (hay từ chức) như sau:
1. Domingo Martí (18/5/1847 – 26/8/1852) 5 năm
2. St. José María Díaz Sanjurjo (5/9/1848 – 20/7/1857) 9 năm
3. St. Melchor García Sanpedro (15/4/1853 - 28/7/1858) 5 năm
4. St. Valentín Faustino Berrio Ochoa (28/12/1857 - 1/11/1861) 4 năm
5. Bernabé García Cezón (9/9/1864 - 11/1879 từ chức) 15 năm
6. Manuel Ignacio Riano (31/8/1866 - 26/11/1884 ) 18 năm
7. Wenceslao Onate (18/7//1882 - 23/6/1897) 15 năm
8. Máximo Fernández (16/2/1898 – 14/8/1907 từ chức) 9 năm
9. Pedro Munagorri y Obineta (13/8/1907 - 17/6/1936) 29 năm
Vị GM thứ mười trở đi là người Việt: Cha Hồ Ngọc Cẩn (11/3/1935 - 28/11/1948). NTBC được xây dựng dưới thời GM thứ sáu Manuel Ignacio Riano và GM thứ bẩy Wenceslao Onate, NTBC khánh thành 11/1885. Bức tranh Lễ Rửa Tội, họa sĩ Juan Gimenez-Martin (1858-1901) phản ảnh sinh hoạt xã hội TBN cùng thời chín GM TBN ở BC.
(Ảnh askArt)
ĐẶC TÍNH BAROQUE TBN: ĐA VĂN HÓA & GIÀU SANG
Bán đảo Iberia, cửa ngõ châu Âu và Bắc Phi, cũng là vùng đất giao tranh, chịu ảnh hưởng châu Âu 900 năm, Hồi giáo Ả Rập 800 năm. Thế kỷ 15 TBN trở thành đế quốc rộng lớn gồm cả Bỉ, Ý, Hòa Lan, Bồ Đào Nha. Sau năm 1492 Christopher Columbus “khám phá tân thế giới”, TBN làm chủ Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ và Manila, của cải tuôn về như suối chảy. Triều đình, nhà thờ, quí tộc đua nhau xây cất nên Baroque TBN khác với Baroque Tây Âu chừng mực hơn dù giáo hội và trào đình cũng khoe giàu sang và uy quyền.
Mặt tiền tk 18 Vương Cung Thánh Đường Caravaca, giờ là tài sản quốc gia, là thí dụ của kiến trúc hoa lá cành Baroque TBN: họa tiết Rococo chi chít cá biển, con sò, lá acantha, ngọn dương xỉ cong cong; ba cột tượng trưng cho Ba Ngôi (Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần) bằng đá Jasper Trắng-Đen-Đỏ trong vùng. Jasper có độ cứng Mohs là 7 rất khó chạm khắc nhưng rất nhuần nhuyễn trong tay người thợ TBN.
(Ảnh Vincent Lostanlen – wiki)
CỬA SỔ HOA HỒNG NHÀ THỜ THÁNH ĐA MINH
Cha Domingo Félix de Guzmán (1170-1221) người TBN sáng lập dòng Đa Minh, từ chối cuộc sống giàu sang lang thang giảng đạo. Cha qua đời ở Ý, an nghỉ tại nhà thờ San Domenico xây năm 1240, phong cách Romanesque. Như những nhà thờ ở Ý, đặc tính nổi trội là cửa sổ vòng tròn Hoa Hồng ngay lối vào chính, và khung cửa giả bán tròn kế bên. Nhà thờ Đức Bà Saigon cũng có khung Hoa Hồng này.
Mặt tiền gắn cửa sổ Hoa Hồng là đặc trưng của nhà thờ Ki-tô từ thế kỷ thứ 2. Qua hàng ngàn năm, Hoa Hồng có nhiều biến thể mang tên khác nhau tùy thời kỳ.
Nhà thờ San Domenico (Ảnh Bologna-Guide.com)
GM TBN MANG CHỦNG VIỆN MANILA TỚI NTBC?
Theo “Lịch Sử Địa Phận Bùi Chu” của linh mục Trần Đức Huynh, từ năm 1659 Giáo Hội VN được tòa thánh trao cho các thừa sai Paris và các cha Đa Minh, Tỉnh Dòng Manila. Các cha hoặc là mất được chôn ở BC hay hết nhiệm kỳ trở về Manila.
Giáo sĩ Dòng Đa Minh TBN thành lập Chủng Viện Thánh Tôma năm 1614 tại Manila đào tạo chủng sinh. Cổng Chủng Viện Arch of Centuries xây năm 1680, phục dựng từ mảnh vụn sau thế chiến II nhưng vẫn giữ hình dạng cũ, giờ là tài sản quốc gia. Có phải nhà thờ quê hương và nơi tu học đã hoà vào tâm hồn người xa xứ nên quí Cha Đa Minh dựng xây NTBC cũng có mặt tiền phẳng và Vòm Ba-Lá?
Cổng Chủng Viện (Ảnh Aidan ORourke)
BA LÁ-TREFOIL BAROQUE TBN?
Tiếng Pháp foil là Lá. Ba Lá-Trefoil, Bốn Lá-Quatrefoil , Năm Lá-Cinquefoil... nằm trong hình bán tròn. Đầu thế kỷ 17 các ông thầy nghệ thuật trêu ghẹo học trò đời sau lại xếp vào phong cách Baroque dù kiến trúc Gothic dùng nhiều Ba-Lá nhất, cả tròn lẫn bán tròn trong chứa nhiều dạng lá (ba lá, bốn lá, sáu lá...)
(Ảnh Minh Trung – ThoughtCo)
Do đó Ba-Lá không phải đặc tính riêng của Baroque, lại càng không phải là độc quyền của Baroque TBN mà Ba-Lá thừa hưởng tinh thần Renaissance (Phục Hưng, tìm lại thời đã qua): từ âm u sang tươi sáng.
VÒM Ô VAN 16-MÚI DUYÊN DÁNG
Theo kiến trúc sư Đỗ Phú Hưng vòm trần NTBC không trong khung bán tròn (vốn hẹp) mà trong khung oval khiến không gian mở rộng thêm theo phương ngang. Vòm trần “ô van Ba-Lá” NTBC giao thoa thành vòm 16-Múi, chưa thấy vòm thứ hai. Vòm ở Old Royal Naval College cũng êm mắt nhưng theo kiến trúc sư Đoàn Minh Long thì đó là điển hình vòm “4-Múi”.
Trên: Vòm NTBC 16-Múi (Nguyen Hung)
Dưới: Vòm Old Royal Naval College 4-Múi (Steve Shipman)
Vòm BC thành hình từ vật liệu địa phương rơm, mật, vôi, vữa, gỗ...bàn tay nông dân cần mẫn suốt 4 năm giữa khó khăn vận chuyển và nguồn vật liệu. Nhớ tới NTBC xin đừng quên những người vô danh ấy.
Khung cửa sổ NTBC đơn sơ minh chứng khó khăn những năm 1880.
(Ảnh: internet)
DUYÊN DÁNG TRONG KHIÊM NHƯỜNG
Bàn tay nào thiết kế Vòm 16-Múi? Thợ khéo nào làm vòm tồn tại 134 năm? May ra thượng đế trên trời ghi chép. Mong dù NTBC có phục dựng, Vòm 16-Múi vẫn còn nguyên vẹn để lại tuyệt phẩm cho thế giới và bài học kiến trúc thiết kế từ những khiêm nhường.
Phải chăng nét “Duyên Dáng trong Khiêm Nhường” nơi nhà thờ Bùi Chu thuở bình minh là điều cần giữ lại? Thể nào linh hồn Giám Mục Đa Minh Nghèo Khó Manuel Ignacio Riano và Wenceslao Onate cũng sẽ sàng thưa chuyện với tòa Giám Mục Bùi Chu.
Xin được như nguyền.
Trần thị Vĩnh-Tường
(Cuối Tháng Hoa, California, 26/5/2019)