
Hôm Chúa Nhật 28 tháng Tư, Cha Pius Pietrzyk, trợ lý giáo sư giáo luật tại Chủng viện St. Patrick ở Menlo Park, California, cảnh báo rằng nếu dự luật này được thông qua, không có tôn giáo nào được an toàn.
Nếu một nguyên tắc cốt lõi ăn sâu vào truyền thống và giáo lý Công Giáo có thể bị nhà nước xóa bỏ dễ dàng như thế, thì không còn quyền tín ngưỡng hay lương tâm cơ bản nào là an toàn.
Dự luật Thượng viện California 360, tìm cách buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín tòa giải tội trong các trường hợp nghi ngờ lạm dụng hoặc bỏ bê trẻ em.
Hơn 40 ngành nghề, bao gồm cả giáo sĩ, đã bị chi phối bởi luật pháp tiểu bang yêu cầu họ phải thông báo cho chính quyền dân sự trong các trường hợp nghi ngờ lạm dụng hoặc bỏ bê trẻ em. Tuy nhiên, luật hiện hành miễn trừ đối với “các trao đổi sám hối” giữa một cá nhân và thừa tác viên của họ nếu yêu cầu bảo mật bắt nguồn từ tín lý của giáo hội liên hệ. Lời thú tội trong tòa giải tội là một trường hợp điển hình.
Thượng nghị sĩ Jerry Hill đã giới thiệu dự luật California 360 vào tháng Hai, nói rằng: “Luật pháp nên được áp dụng như nhau cho tất cả các nhà chuyên môn bị chi phối bởi luật bắt buộc phải báo cáo những tội ác này - không có ngoại lệ, chấm hết.” Ông ta cho rằng việc miễn trừ cho các giáo sĩ chỉ là nhằm bảo vệ những kẻ lạm dụng và khiến trẻ em có nguy cơ cao hơn.
Đáp lại, Cha Pius Pietrzyk khẳng định rằng dự luật này không có gì khác hơn là “một nỗ lực nhằm tống giam các linh mục vô tội”.
Mặc dù mục đích của đạo luật báo cáo bắt buộc là tốt, “không có bằng chứng nào cho thấy việc buộc các linh mục tiết lộ các trường hợp lạm dụng biết được trong tòa giải tội sẽ ngăn chặn được một trường hợp lạm dụng trẻ em nào”.
Thay vào đó, ngài nói, “Có tất cả mọi lý do để tin rằng việc loại bỏ miễn trừ này sẽ có nghĩa là thủ phạm đơn giản sẽ không đưa vụ việc đó ra tòa giải tội. ”
Dự luật sẽ buộc một linh mục nghe được tội lạm dụng tình dục trong tòa giải tội “phải chọn hoặc là đối diện với án tù hoặc là phản bội bí mật đó và vi phạm lương tâm sâu sắc nhất của ngài và luật pháp của Thiên Chúa và của Giáo Hội Công Giáo.”
Cha Pius Pietrzyk nhận xét rằng: “Tôi biết rõ là tất cả các linh mục thuộc mọi quang phổ thần học và ý thức hệ, không ai trong số họ từng xem xét việc vi phạm ấn tín tòa giải tội.”
“Giáo Hội Công Giáo cho rằng bí tích hòa giải là một bí tích quan trọng, cho phép các hối nhân nhận được ân sủng của Chúa Kitô và tha thứ tội lỗi cho họ,” vị linh mục giải thích.
“Mặc dù vị linh mục hoạt động như một công cụ, nhưng việc xưng tội về cơ bản là một cuộc gặp gỡ giữa hối nhân Kitô hữu với Thiên Chúa; người ấy thừa nhận tội lỗi của mình với Chúa và thông qua vị linh mục nhận được ơn xá giải của Chúa. Đó là một khoảnh khắc linh thánh trong đó một người tiết lộ phần sâu thẳm nhất trong lương tâm của mình trước Thiên Chúa.”
Giáo hội dạy rằng “ấn tín bí tích hòa giải” là bất khả xâm phạm và không thể thay đổi bởi các thẩm quyền con người, bởi vì nguồn gốc của bí tích này nằm trong mặc khải của Thiên Chúa,” Cha Pius Pietrzyk nói. Một linh mục cố ý vi phạm ấn tín này phạm vào một trọng tội và lập tức bị tuyệt thông.
Giáo Hội Công Giáo cho rằng thông tin mà linh mục nhận được trong tòa giải tội không thuộc về ngài. Nó chỉ thuộc về Chúa. Vì lý do đó, một linh mục dứt khoát bị cấm tiết lộ tội lỗi của một hối nhân, không có bất kỳ ngoại lệ nào.
Niềm tin này là nền tảng cho giáo lý Công Giáo, tồn tại trong nhiều thế kỷ trước khi Hoa Kỳ được thành lập, vị linh mục lưu ý. Và từ lâu điều này đã được các tòa án và chính quyền dân sự tán thành.
Cha Pius Pietrzyk nhắc nhớ rằng vào năm 1813, Tòa Đại Hình New York tuyên bố: “Buộc một thừa tác viên nói ra những gì nhận được trong tòa giải tội, là tuyên bố rằng sẽ không còn có sự thú tội nữa; và đặc tính quan trọng này đạo Công Giáo sẽ bị tiêu diệt.”
Năm 1980, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ thừa nhận: “Quan hệ giữa linh mục và hối nhân thừa nhận nhu cầu của con người phải tiết lộ cho một cố vấn tâm linh, là người mình hoàn toàn tin tưởng một cách tuyệt đối, những gì được cho là khiếm khuyết trong hành động hoặc suy nghĩ ngõ hầu có thể nhận được sự an ủi và hướng dẫn.”
Với bối cảnh tôn giáo và lịch sử của ấn tín bí tích hòa giải, tất cả người dân Hoa Kỳ cần phải cảnh giác trước dự luật của California.
“Buộc các cá nhân lựa chọn giữa phần bất khả xâm phạm nhất trong niềm tin tôn giáo và tù tội chính là điều mà Dự luật Nhân quyền [10 tu chính án đầu tiên của Hoa Kỳ được thông qua năm 1791- chú thích của người dịch] muốn tránh đi.”
Vietcatholic
Source:Catholic News Agency Dominican priest: California confession bill threatens all religions
Ngôi nhà thờ độc đáo nơi Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cử hành thánh lễ Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa
Lúc 9g30 sáng Chúa Nhật 28 tháng Tư, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã cử hành thánh lễ Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục sinh kính Lòng Thương Xót Chúa tại một ngôi nhà thờ rất độc đáo tại Rôma, chỉ cách quảng trường Thánh Phêrô có vài bước.
Ngôi nhà thờ độc đáo mà chúng tôi muốn đề cập đến là nhà thờ Santo Spirito in Sassia tọa lạc tại số 12 Via dei Penitenzieri, cách Đền Thờ Thánh Phêrô năm phút đi bộ.
Nét độc đáo của ngôi nhà thờ này là mỗi ngày vào lúc 3 giờ chiều, người dân Rôma và các khách hành hương tụ tập để cầu nguyện kính Lòng Thương Xót Chúa tại đây. Bên cạnh đó, nhà thờ này là nơi lưu trữ cả thánh tích của Thánh Faustina Kowalska /phốt-ti-na kô-wan-ska/ và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Santo Spirito in Sassia cũng là nhà thờ Lòng Thương Xót Chúa chính thức của giáo phận Rôma.
“Vào giờ kính Lòng Thương Xót Chúa, nhà thờ thật sự rất đông các linh hồn - người trẻ, người bệnh, các cặp vợ chồng và những người đang phải đối mặt với những khó khăn lớn về đàng thiêng liêng đến để cầu xin Lòng Thương Xót Chúa”, Đức ông Jozef Bart, giám đốc đền thánh này nói với thông tấn xã CNA.
Vị linh mục người Ba Lan này đã được đích thân Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chọn để biến ngôi nhà thờ được xây từ thế kỷ 16, với ý hướng ban đầu là một nhà nguyện của bệnh viện, thành một trung tâm hành hương Lòng Thương Xót Chúa vào năm 1994.
Trong dịp khánh thành ngôi nhà thờ này Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói:
“Hôm nay, tôi rất vui mừng được cảm tạ Chúa trong Nhà thờ Santo Spirito in Sassia, gắn liền với bệnh viện cùng tên, và hiện là một trung tâm chuyên về chăm sóc mục vụ cho người bệnh, cũng như để cổ vũ cho việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa”
“Điều rất quan trọng và kịp thời là chính xác ở đây, bên cạnh bệnh viện rất cổ xưa này, những lời cầu nguyện được thốt lên và các công việc được thực hiện nhằm chăm sóc liên tục cho sức khỏe của cơ thể và tinh thần,” vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan nói.
Các nữ tu dòng Đức Mẹ của Lòng Thương Xót Chúa, là dòng tu mà Thánh Faustina là một thành viên, giúp dẫn dắt những lời cầu nguyện và các chương trình giáo lý hàng ngày về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa ở Santo Spirito ở Sassia.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nhắc lại một câu nói của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2001.
“Lòng Thương Xót Chúa là món quà Phục sinh mà Giáo hội nhận được từ Chúa Kitô, Đấng sống lại từ trong kẻ chết và ban tặng cho nhân loại vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba.”
Ngài nhấn mạnh rằng:
“Chúa Giêsu đã từng nói với Thánh Faustina, ‘Con người không tìm thấy bình an cho đến khi quay lại với đức tin vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa’”
“Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa. Lời cầu nguyện này rất thân thiết với biết bao các tín hữu sùng đạo, nó bày tỏ rõ ràng thái độ của chúng ta muốn từ bỏ chính mình và phó dâng mọi sự trong tay Chúa. Lạy Chúa ơi, Đấng Cứu Rỗi duy nhất của chúng con.”
“Một hành động từ bỏ chính mình đơn giản như thế là đủ để vượt qua những rào cản của bóng tối và nỗi buồn, sự nghi ngờ và tuyệt vọng. Những tia sáng của Lòng Thương Xót Chúa sẽ khôi phục lại hy vọng, một cách đặc biệt, cho những người cảm thấy bị áp đảo bởi gánh nặng tội lỗi,” ngài nói.
Đức ông Jozef Bart cho biết:
“Nhà thờ có các giờ chầu Thánh Thể với các linh mục sẵn sàng giải tội bằng nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, vào lúc 6 giờ chiều mỗi ngày. Các linh mục của chúng ta phải nhớ rằng chúng ta là các kênh, và là các công cụ của Lòng Thương Xót Chúa.”
Source:Catholic News Agency Rome’s center of Divine Mercy established by St. John Paul II