Theo AFP, khi nghênh đón ông Tập Cận Bình, tổng thống Pháp sẽ cố thuyết phục Trung Quốc chấp nhận hành xử theo các quy tắc trong quan hệ đa phương, trong bối cảnh nội bộ Liên Hiệp Châu Âu đang chia rẽ trước cuộc tấn công ngoại giao - thương mại của Bắc Kinh.
Sau nghi thức đón tiếp long trọng dưới chân Khải Hoàn Môn Paris, là cuộc hội kiến giữa hai lãnh đạo Pháp-Trung tại điện Elysées, theo sau là một cuộc tiếp xúc với báo chí, trước buổi đại yến chính thức.
Như thông lệ, chuyến công du là dịp để hai bên ký kết các hợp đồng thương mại hay thỏa thuận hợp tác, nhưng đối với giới quan sát, vế quan trọng hơn cả sẽ là hội nghị thượng đỉnh 3+1 vào ngày mai, 26/03, giữa chủ tịch Trung Quốc một bên, và bên kia là tổng thống Pháp, thủ tướng Đức cùng với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu.
Cuộc họp theo sáng kiến của ông Macron phản ánh chủ trương của nước Pháp muốn thúc đẩy một lập trường chung của Liên Hiệp Châu Âu nhằm thúc giục Trung Quốc giảm bớt các tham vọng đang làm thay đổi cục diện của thế giới, và ảnh hưởng đến các lợi ích của châu Âu.
Một trong những mũi tiến công của Bắc Kinh vào châu Âu hiện đang khiến Paris, Berlin và Bruxelles quan ngại là Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường của chính chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bắc Kinh mới đây đã chiêu dụ được Ý, một cường quốc G7 từng là một trong những sáng lập viên Liên Hiệp Châu Âu. Rôma đã đi theo Trung Quốc bất chấp thái độ bất bình của các đồng minh.
Ngay hôm qua, sau buổi ăn tối với chủ tịch Trung Quốc, tổng thống Pháp đã xác định trong một tin nhắn twitter rằng « chuyến công du này (của ông Tập Cận Bình) sẽ củng cố quan hệ đối tác chiến lược Pháp-Trung Quốc và khẳng định vai trò của Pháp, châu Âu và Trung Quốc trong việc ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương ».
Theo RFI
Điểm tin Thế giới 25/3: Tổ chức RSF lên án hành vi đàn áp báo chí của Trung Quốc
Mục Điểm tin Thế giới ngày 25/3 xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Tổ chức RSF lên án hành vi đàn áp báo chí của Trung Quốc
Trung Quốc đàn áp tự do báo chí, tạo ra một mối đe dọa trực tiếp đối với các nền dân chủ trên toàn thế giới, báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), công bố hôm thứ Hai (25/3), viết, theo Hongkongfp.
Bản báo cáo dài 52 trang có tiêu đề “Kế hoạch xây dựng trật tự truyền thông thế giới mới của Trung Quốc” nêu ra những cách mà Bắc Kinh đã sử dụng để gây ảnh hưởng chính trị lên giới truyền thông quốc tế nhằm ngăn chặn sự chỉ trích và bình luận tiêu cực đối với họ.
“Mục đích của bản báo cáo là để khuấy động một phản ứng”, ông Cédric Alviani, giám đốc văn phòng RSF khu vực Đông Á, nói với HKFP. “Đây chỉ là phần nổi của tảng băng phản ánh việc gây ảnh hưởng của Trung Quốc lên các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới”.

“Theo mong muốn của Bắc Kinh, các nhà báo không phải được đào tạo để trở thành một thế lực chống đối mà là để phục vụ cho việc tuyên truyền của chính quyền”, ông Keith Barshe Deloire, tổng thư ký của RSF, nêu quan điểm. “Nếu các nền dân chủ không phản ứng, thì tuyên truyền ‘kiểu Trung Quốc’ sẽ dần dần xâm chiếm các phương tiện truyền thông thế giới, cạnh tranh với báo chí như chúng ta đã biết”.
Thủ tướng của New Zealand sẽ thăm Bắc Kinh trong ít ngày tới, giữa bối cảnh quan hệ giữa hai nước đã nguội lạnh trong thời gian qua, theo Camdenadvertiser.
Thủ tướng Jacinda Ardern hôm thứ Hai xác nhận bà sẽ có chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tuần này để gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và Thủ tướng Lý Khắc Cường, đồng thời tham dự lễ khai trương đại sứ quán New Zealand ở Bắc Kinh.
Quan hệ giữa Trung Quốc và New Zealand trở nên xấu đi kể từ sau khi quốc gia ở phía nam của Thái Bình Dương quyết định tẩy chay thiết bị dùng cho xây dựng mạng 5G của tập đoàn công nghệ Huawei. New Zealand cũng được cho là tham gia một ‘liên minh’, trong đó có Mỹ, Nhật, Úc, tẩy chay sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Quan chức tư pháp Philippines nói về việc kiện chủ tịch Trung Quốc
Bộ trưởng Tư pháp Philippines, Menardo Guevarra, hôm thứ Hai nói rằng, các cựu quan chức hàng đầu của chính phủ Philippines đâm đơn kiện quan chức cao nhất của Trung Quốc với cáo buộc thực hiện tội ác chống lại loài người là một “hành động chính trị”, hơn là một nỗ lực để giành chiến thắng về mặt pháp lý, theo Phil Star.
Ông Guevarra cũng nói rằng hành động kiện người đứng đầu nhà nước Trung Quốc phá hoại môi trường ở Biển Đông, bằng việc ra lệnh cho mở rộng và cải tạo các bãi đá và rạn san hô thành đảo nhân tạo, không nhất thiết liên quan tới vấn đề đảng phái.
“Các công dân hoặc các nhóm dân sự có thể nói hoặc làm điều gì đó để tác động đến dư luận hoặc ảnh hưởng đến hành động của nhà nước liên quan đến các vấn đề lợi ích công cộng, [trong khi] không nhất thiết phải liên hệ bản thân với những bất ổn chính trị theo nghĩa đảng phái”, ông Guevarra nói.

Nhân viên Triều Tiên của văn phòng liên lạc liên Triều đã quay lại làm việc
Một số nhân viên người Triều Tiên đã quay trở lại làm việc tại văn phòng liên lạc liên Triều tại thị trấn biên giới Kaesong vào hôm thứ Hai, một quan chức của bộ thống nhất Hàn Quốc cho hay, theo Yonhap.
Ba ngày sau khi Bình Nhưỡng đột ngột cho rút tất cả người của phía họ đang làm việc tại văn phóng liên lạc liên Triều, thì vào hôm nay, 4 hoặc 5 người đã trở lại văn phóng làm việc, theo một quan chức chính phủ Hàn Quốc.
“Những người Triều Tiên nói rằng họ đã tới [văn phòng liên lạc liên Triều] để làm việc như bình thường”, một quan chức Hàn Quốc giấu tên nói với phóng viên Yonhap. “Theo đó, đại diện của hai miền đã tổ chức một cuộc họp vào buổi sáng và lên kế hoạch hoạt động [cho văn phòng] như thường lệ”.
“Họ nói rằng cam kết của miền Bắc đối với văn phòng liên lạc không thay đổi [và sẽ phối hợp] để thực hiện các dự án phù hợp với tuyên bố chung Bắc-Nam”, vị quan chức giấu tên nói.

Quân đội Mỹ giúp đỡ Mozambique khắc phục thảm họa lốc xoáy
Tổng thống Trump đã ra lệnh cho quân đội Hoa Kỳ hỗ trợ nhân đạo Mozambique sau khi nước này chịu thiệt hại lớn bởi một cơn lốc xoáy xảy ra tuần trước, theo Fox News.
Thông báo của Bộ Tư lệnh Châu Phi của Hoa Kỳ về mệnh lệnh của ông Trump được đưa ra 3 ngày sau khi chính phủ của Mozambique kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Quốc gia ở miền nam châu Phi trước đó đã tuyên bố một thảm họa quốc gia khi tổng thống của nước này, ông Filipe Nyusi, nói rằng số người tử vong do lốc xoáy có thể lên tới 1.000. Hiện tại số người thiệt mạng được xác nhận là 450.
Mozambique là quốc gia có đường bờ biển dài 2.400 km dọc theo Ấn Độ Dương và thường phải gánh chịu những trận bão và lốc xoáy mạnh vào khoảng thời gian này mỗi năm.
