
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Báo Giao Thông hôm 9 Tháng Ba cho biết bà Trần Thị Dung, chuyên gia nước mắm, cựu cán bộ Vụ Khoa Học và Công Nghệ vừa bị từ chối cho phát biểu và mời ra khỏi phòng họp vì bà muốn lên tiếng cầu cứu cho các cơ sở làm nước mắm truyền thống.
Sự việc xảy ra trong cuộc họp do Cục Chế Biến và Phát triển Thị Trường Nông Sản (Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn CSVN) cùng Tổng Cục Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng tổ chức nhằm phổ biến Dự thảo TCVN 1260: 2019 “Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm”.
Dự thảo nêu trên được cho là “chiến dịch” tấn công bài bản và quy mô nhắm vào các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống.
Báo Giao Thông dẫn lời bà Dung: “Nước mắm là từ chỉ được dùng cho sản phẩm làm từ cá và muối chứ không phải dùng cho các loại lấy nước mắm về pha loãng với các hóa chất. Trong khi đó, dự thảo mới có đến hơn 50 nội dung quy định hoặc từ ngữ chưa sát, chưa phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm. Ví dụ như yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật của nước mắm trong khi nguyên liệu làm nước mắm chủ yếu là cá biển chứ không phải cá nước ngọt (cá nuôi)…Còn nguồn nguyên liệu sản xuất nước mắm từ cá nước ngọt của một số nơi chủ yếu được lấy từ phụ phẩm của cá tra thì việc kiểm soát các chỉ tiêu trên không cần thiết, bởi trên thực tế phụ phẩm của cá tra, khi sử dụng làm hàng xuất khẩu đã được kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.”
“Những quy định này sẽ khiến các nhà sản xuất nước mắm mất thêm chi phí và thời gian để đi kiểm các chỉ tiêu không gây mất an toàn thực phẩm cho nước mắm. Hơn nữa, điều kiện sản xuất quy định ở trong quy trình này không phù hợp với hiện trạng sản xuất mắm của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại,” theo báo Giao Thông.
Bà Vũ Kim Hạnh, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, người sáng lập chương trình Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao, viết trên trang cá nhân: “Các cơ sở nước mắm truyền thống vẫn đang tự biết phải tập trung khâu tuân thủ tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu. Họ biết luật làm ăn của thị trường trong nước và thế giới. Họ dám lấy chứng nhận HACCP [tiêu chuẩn được nhiều nước trên thế giới quy định bắt buộc áp dụng trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm] thì sợ gì tiêu chuẩn Việt Nam. Vậy mà khi đọc dự thảo quy phạm mới công bố, họ kêu trời vì thấy toàn những quy định lơ mơ trớt quớt mà đầy quyền uy, càng đọc càng thấy có đến 50 điểm sai (hoặc không phù hợp) rất nặng mùi, hoặc mùi tiền, mùi arsen hoặc mùi sa lông phòng lạnh. Họ không kịp cười do bất ngờ trước những quy định tào lao vì họ nhận ra ngay, đó là cái bẫy đang siết dần thành những sợi thòng lọng xử gọn tất cả làng nghề nước mắm truyền thống trong tương lai gần.”
Bà Hạnh cũng bình luận thêm rằng việc giới chức công bố dự thảo mới về nước mắm “giống y chang” hồi cái “Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng” tay thì đút tiền khủng vào túi, miệng thì khạc ra toàn những kết quả điều tra và kết luận giết người. Có người nói, không lẽ chỉ do cạnh tranh, chỉ có “bọn tư bản hút máu người mới cạnh tranh kiểu ấy.”
Hiện chưa rõ doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp và công ty truyền thông nào đứng sau “chiến dịch tấn công” này.
Hồi cuối năm 2016, vụ khủng hoảng “nước mắm nhiễm asen” xảy ra khiến nhiều cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống phải khốn đốn. Thời điểm đó, sau khi vấp phải sự phản đối kịch liệt của công luận, ông Đặng Ngọc Hoa, phó tổng biên tập và ông Võ Văn Khối, tổng thư ký tòa soạn báo in của tờ Thanh Niên đã bị rút thẻ nhà báo và cách chức vì vụ báo này tiếp tay cho tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Vinastas “đánh” nước mắm truyền thống làm dư luận hoang mang.
Ngoài báo Thanh Niên, làng báo rúng động khi Bộ Thông Tin Truyền Thông loan báo phạt 49 cơ quan báo chí khác hàng trăm triệu đồng về “tội” đồng loạt đưa tin “80/106 mẫu nước mắm được khảo sát vượt ngưỡng thạch tín”. Trước áp lực của nhà cầm quyền, Vinastas ngày 28 Tháng Mười Một, 2016 chính thức gửi lời xin lỗi gửi tới người tiêu dùng, các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm và nhà cầm quyền về kết quả khảo sát nước mắm mà hiệp hội này đã thực hiện và công bố. Tổ chức này khai ra rằng họ nhận được tiền tài trợ từ Công Ty Liên Doanh T&A Ogilvy. (T.K.)
Nguoi Viet
Trung Quốc ‘dòm ngó’ dự án đường cao tốc Bắc-Nam
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 9 Tháng Ba, nhiều blogger bày tỏ lo ngại trước tin Tập Đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc “muốn được tham gia đầu tư dự án đường cao tốc Bắc-Nam tại Việt Nam theo hai hình thức EPC và BTO”.
EPC là hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình chỉ do một chủ thể thực hiện. BTO là hợp đồng xây dựng-chuyển giao-kinh doanh.
VietnamNet dẫn lời ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập và là chủ tịch Tập Đoàn Thái Bình Dương: “BTO là mô hình được áp dụng rất thành công tại Trung Quốc và có thể là mô hình hoàn thiện của hình thức đầu tư đối tác công-tư PPP. Mô hình đầu tư PPP lý tưởng là doanh nghiệp tư nhân đầu tư, sau này chính quyền sẽ mua lại toàn bộ hoặc mua dần từng phần dự án.”
Nhằm trấn an dư luận, ông Nguyễn Văn Công, thứ trưởng Giao Thông-Vận Tải CSVN được tờ báo trích lời: “Chủ trương đầu tư các đoạn tuyến dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông với hình thức nào đã được Quốc Hội thông qua và sẽ đấu thầu rộng rãi, minh bạch, không chỉ định thầu. [Chính Phủ] cần thời gian thảo luận và nghiên cứu thêm về đề xuất hình thức đầu tư của Tập Đoàn Thái Bình Dương.”
Cũng theo VietnamNet, Bộ Giao Thông-Vận Tải CSVN hiện đã phê duyệt nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần, gồm ba dự án dùng vốn ngân sách và tám dự án theo hình thức BOT, thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông với chiều dài 654 km trong giai đoạn 2017-2020.
Ba dự án đầu tư công gồm Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ được khởi công ngay trong năm nay. Còn đối với tám dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hiện đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư. Dự trù ban quản lý dự án sẽ phát hành hồ sơ mời thầu vào ngày 20 Tháng Mười, 2019 và đóng thầu vào ngày 20 Tháng Hai, 2020.
Chuyên trang Đầu Tư Tài Chính Việt Nam (VietnamFinance) của Hiệp Hội Doanh Nghiệp Đầu Tư Nước Ngoài (VAFIE) bình luận: “Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tham gia đầu tư, xây dựng nhiều dự án cao tốc và hạ tầng giao thông nói chung trên toàn thế giới, tuy nhiên cũng thường đưa lại các hệ lụy cho các nước sở tại. Mới đây, Chính Phủ Thái Lan cho biết các khoản vốn vay từ nước ngoài cho dự án đường sắt cao tốc Thái Lan-Trung Quốc sẽ được giảm xuống mức tối thiểu để giảm thiểu nguy cơ “nô lệ” nợ nần của Bắc Kinh. Tại Việt Nam, dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông [do doanh nghiệp Trung Quốc làm chủ thầu] cũng gây tai tiếng trong nhiều năm qua vì tình trạng chậm tiến độ và đội vốn.”
Đáng lưu ý, trong lúc tin Tập Đoàn Thái Bình Dương “dòm ngó” dự án đường cao tốc Bắc-Nam vừa mới chỉ loan ra, trang web của An Ninh Hải Phòng hôm 9 Tháng Ba cho hay: “Ông Nguyễn Văn Thành, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hải Phòng vừa tiếp ông Nghiêm Giới Hòa. Ông Hòa bày tỏ mong muốn Tập Đoàn Thái Bình Dương sẽ có cơ hội được đầu tư vào Việt Nam và thành phố Hải Phòng ở những dự án còn bỏ ngỏ với các hình thức đầu tư PPP, cũng như đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực quy hoạch, góp phần thúc đẩy kinh tế và cụ thể hóa hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam – Trung Quốc.” (T.K.)
Nguoi Viet