HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Vali hư hỏng, chai nước hoa xài dang dở, cả thùng cherry chỉ còn một nửa…, thậm chí nguyên vali bị ‘chôm’ ngay trước mặt là những chuyện mà du học sinh Việt Nam gặp phải tại các phi trường ở Việt Nam khi về lại quê nhà.
Sau khi hàng loạt hành khách từ Việt kiều, quan chức nhà nước cho đến người dân đi máy bay quốc tế tố cáo bị các phi trường ở Việt Nam trộm, làm hư hỏng hành lý với báo chí, mới đây hàng loạt du học sinh Việt Nam cũng đã lên tiếng về vấn nạn trên.
Kể với báo Thanh Niên ngày 8 Tháng Ba, 2019, chị Nguyễn Vy Nhật Dương (20 tuổi), du học sinh tại trường American University, Hoa Kỳ, cho biết: “Hồi Tháng Sáu, 2018, tôi bay từ Mỹ về phi trường Nội Bài (Hà Nội). Đến lúc nhận vali ký gửi thì thấy nó đã bị hỏng, gãy bánh xe, đồ đạc dễ vỡ bên trong như nước hoa cũng vỡ hoàn toàn. Tôi cũng không biết trách ai, đành đổ lỗi cho mình là gặp xui xẻo.”

Chị Lê Ngọc Nguyên Anh, du học sinh đang sinh sống và làm việc tại Phần Lan và Đức, chia sẻ câu chuyện về hành lý mà chị và bạn bè đã từng gặp phải hồi Tháng Năm, 2016: “Bạn tôi ký gửi một thùng cherry 23 kg đầy kín thùng. Khi về đến phi trường Tân Sơn Nhất thì nửa số cherry trong thùng đã ‘không cánh mà bay’ không dấu vết.”
Còn chị Nguyễn Minh Anh (23 tuổi), du học sinh năm thứ ba tại thành phố Saint Petersburg, Nga, vẫn chưa quên lần bị “chôm” đồ ngay lúc chờ người nhà ra đón tại phi trường Nội Bài hồi Tháng Giêng, 2019: “Hành lý tôi mang về khá nhiều.Khi tôi xếp lên xe đẩy và đẩy ra phía ngoài, mọi thứ vẫn còn nguyên. Thế nhưng, trong lúc tôi nói chuyện với người nhà và chờ xe đến đón bỗng thấy một nhóm người lạ mang chiếc vali xách tay giống của mình lên một chiếc xe hơi rất nhanh rồi lập tức bỏ đi. Khi xe hơi đón mình tới nơi, tôi xếp đồ lên thì mới biết mình đã bị mất chiếc vali, trong đó có một số đồ vật giá trị như trang sức hay nước hoa. Tôi rất hoảng loạn, nhờ an ninh phi trường Nội Bài kiểm tra hệ thống camera thì mới biết là đã có người ăn cắp vali xách tay của mình. Tôi hy vọng những hành khách khi về Việt Nam cần để ý phải luôn để mọi thứ trong tầm kiểm soát của mình.”
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hùng (35 tuổi,ở Quận 8, Sài Gòn) lại mất đồ “hài hước” hơn, chỉ một chai nước hoa đã dùng dở, câu chuyện xảy ra năm 2016.
Anh Hùng kể, anh bay chuyến bay từ phi trường Tân Sơn Nhất tới phi trường Nội Bài, hành lý ký gửi là một chiếc túi du lịch dài, loại bằng vải mềm có khóa kéo. Nghĩ rằng bên trong chỉ có ít quần áo, giày thể thao và một chai nước hoa dùng dở thì ai mà thèm để ý, thế nhưng về tới khách sạn, tìm chai nước hoa xài thì chỉ còn chiếc hộp.
“Họ lấy đồ tinh vi đến mức, chỉ lấy chai bên trong, còn hộp để lại y nguyên, để nếu mình mở ra nhìn thấy cũng chủ quan. Cảm giác mất cắp thật khó chịu, đó chỉ là một chai nước hoa dùng dở thôi mà. Từ đó, tôi không dám dùng túi vải khi ký gửi hành lý nữa, tôi dùng vali cứng, có khóa mật mã,” anh Hùng nói.
Anh Lê Ngọc Huy (25 tuổi), du học sinh và làm việc tại Osaka,Nhật Bản, đưa ra lời khuyên: “Các bạn học sinh tránh mang nhiều quà có giá trị lớn hoặc mệnh giá cao như đồ hiệu, đồ điện tử đắt tiền trong hành lý… Thường nếu mang những đồ như vậy thì cần phải khai báo trước với hải quan. Nếu không khai báo sẽ bị nghi ngờ và giữ lại để kiểm tra, thậm chí nếu lý do khai báo không hợp lý thì sẽ tịch thu đồ.”
Còn anh Võ Trung Nghĩa (22 tuổi), du học sinh trường Đại Học Điện ảnh Và Truyền Hình Saint Petersburg, Nga, di chuyển nhiều ở các phi trường tại Việt Nam chia sẻ: “Kinh nghiệm của tôi là bọc kỹ hành lý máy bay bằng nylon và khóa cẩn thận. Nếu bạn có đồ dễ vỡ cần di chuyển, hãy bọc nó bằng quần áo hoặc bọc chống xốc vì va đập khi vận chuyển hành lý trên máy bay là điều khó tránh. Những đồ có giá trị lớn thì nên xách tay để an toàn. Nếu là du học sinh đi một mình thì nên cần cẩn thận hơn, bằng cách cất tiền và thẻ tín dụng trong túi kín hoặc túi đeo phía trước, đồng thời phải báo tiếp viên hàng không hoặc nhân viên phi trường ngay nếu có phát hiện bất kỳ tình huống gì.” (Tr.N)
Nguoi Viet
Ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Cộng đâm chìm vẫn bám biển Hoàng Sa

QUẢNG NGÃI, Việt Nam (NV) – Báo Thanh Niên hôm 8 Tháng Ba cho biết, sau khi được cứu, sức khỏe của 5 ngư dân trên tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm hiện đã ổn và họ “nay theo một tàu cá khác quyết bám biển Hoàng Sa mưu sinh”.
Tờ báo viết thêm: “Tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm do ngư dân Nguyễn Minh Hùng ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi, làm chủ. Tàu có công suất 575 CV, được đóng vào năm 2016, trị giá vài tỉ đồng. Sau khi tàu xuất bến ra Hoàng Sa được bốn ngày thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm khiến gia đình ông Hùng lâm cảnh trắng tay, nợ nần.”
Trước đó, báo VNExpress dẫn nguồn cơ quan tìm kiếm và cứu hộ của Việt Nam, cho biết tàu 44101 của Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam gần khu vực đảo Đá Lồi vào lúc 10 giờ 10 phút sáng ngày 6 Tháng Ba.
Bản tin của báo nhà nước gây ngạc nhiên cho người đọc khi đồng loạt chỉ đích danh “tàu Trung Quốc” đâm chìm tàu cá Việt Nam thay vì chỉ ghi là “tàu lạ” như trước đây.
Phản ứng của Bắc Kinh trước tin này, đêm 7 Tháng Ba, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc dẫn thông cáo của Bộ Ngoại Giao nước này cho biết: “Một tàu Trung Quốc đã giải cứu nhóm 5 người trên một tàu cá Việt Nam bị chìm ở Biển Đông, đồng thời bác bỏ tin do các báo nhà nước Việt Nam về vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa.”
Nay thì ông Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố: “Một tàu của Trung Quốc đã liên lạc ngay với Trung Tâm Tìm Kiếm và Cứu Nạn Hàng Hải Trung Quốc sau khi nhận được tín hiệu cầu cứu từ một tàu cá Việt Nam. Khi tàu Trung Quốc tiếp cận, tàu cá đã bị chìm và lực lượng cứu hộ Trung Quốc đã cứu thuyền viên vào buổi chiều.”
Hoàn Cầu Thời Báo nhắc lại rằng hồi năm 2016, tàu Trung Quốc từng cứu một tàu cá Việt Nam gặp nạn gần đảo Phú Lâm ở Biển Đông nhưng cũng bị Việt Nam cáo buộc rằng tàu Trung Quốc đã đánh chìm tàu cá của họ.
Tính đến hôm 8 Tháng Ba, Bộ Ngoại Giao Việt Nam chưa phản hồi về việc Trung Quốc bác tin đâm tàu cá Việt Nam. Thường thì khi xảy ra những va chạm trên biển với Trung Quốc, CSVN được ghi nhận hầu như chọn cách phản đối chiếu lệ theo cung cách ngoại giao. (T.K.)