Theo thông báo của Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam, vào sáng ngày 06/03/2019, trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa, một tàu cá của Quảng Ngãi đã bị một tàu Trung Quốc đâm chìm. Sau khi bị đâm, tàu cá Quảng Ngãi chỉ nổi phần mũi, năm ngư dân trên tàu phải bám vào phần nổi này cho đến khi một tàu cá khác của Việt Nam cứu vớt an toàn vào trưa hôm đó.
Không chỉ Việt Nam, mà cả chuyên gia quốc tế cũng cáo buộc Trung Quốc. Theo hãng tin AAP của Úc, ông Greg Poling, một nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ( CSIS ), đã viết trên mạng Twitter ngày 07/03 : “Có tin là một tàu Trung Quốc lại đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa. Các nước láng giềng Trung Quốc đã trở nên giống như bị tê liệt trước những hành động bạo lực và hù dọa liên tục với cường độ thấp đến mức rất ít khi được nói đến trên báo chí của khu vực.”
Trung Quốc cũng không bao giờ nhìn nhận là tàu của họ đâm chìm tàu Việt Nam. Theo Hoàn cầu Thời báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 07/03 đã bác bỏ cáo buộc của Việt Nam, khẳng định là chính một tàu của nước này đã cứu năm người trên một tàu đánh cá Việt Nam gặp nạn ở Biển Đông “sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu” từ tàu cá này vào sáng ngày 06/03.
Hoàn Cầu Thời Báo còn trích dẫn một nhà nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Quốc gia về biển Hoa Nam (Biển Đông) khẳng định quần đảo Hoàng Sa là thuộc lãnh thổ Trung Quốc và thuộc sự quản lý của Trung Quốc, nhưng Việt Nam thường xuyên đưa các tàu đánh cá đến vùng biển quanh quần đảo này và “nhiều tàu trong số đó trên thực tế là làm gián điệp”.
Cho đến hôm nay, bộ Ngoại Giao Việt Nam vẫn chưa lên tiếng về tuyên bố của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc. Trước đó, chính quyền Hà Nội và báo chí chính thức của Việt Nam cũng đã từng tố cáo nhiều vụ tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công. Chẳng hạn, theo báo Tuổi Trẻ, trong tháng 4-5/2019, hơn 10 tàu cá Việt Nam đã bị các tàu Trung Quốc tấn công và cướp tài sản khi đang đánh bắt cá ở vùng Biển Đông.
Vấn đề là vụ đâm chìm tàu Quảng Ngãi ngày 06/03 sẽ còn tái diễn liên tục, bởi vì đối với Bắc Kinh, tàu cá của Việt Nam đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Sa (quần đảo mà Trung Quốc đã chiếm từ tay Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974), cho dù là trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng đều bị coi là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Nhất là trong lúc này, Bắc Kinh có vẻ như đang mở một mặt trận mới trên Biển Đông, đó là mặt trận đánh bắt cá, mà ở đó các tàu cá của Việt Nam khó mà chống đỡ được trước những chiếc tàu cá và tàu tuần duyên lớn hơn, trang bị tốt hơn nhiều.
Nguồn hải sản trên Biển Đông càng khan hiếm thì nguy cơ xảy ra đụng độ ngày càng lớn. Một công trình nghiên cứu của CSIS, dựa trên trên các ảnh vệ tinh và các công nghệ định vị các tàu cá cho thấy là hoạt động đánh bắt cá ở Biển Đông đang gia tăng hàng năm và một bộ phận đội tàu cá của Trung Quốc nay hoạt động như là một lực lượng dân quân bán quân sự hơn là tàu cá đơn thuần.
Căng thẳng về đánh bắt cá ở Biển Đông không chỉ xảy ra giữa Trung Quốc với Việt Nam, mà tàu tuần duyên Trung Quốc cũng thường xuyên sách nhiễu, thậm chí bắn vòi nước, nổ súng cảnh cáo các tàu cá của Philippines.
Theo RFI
Trung Quốc bác tin đâm chìm tàu cá Việt Nam

Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 7 tháng 3 lên tiếng bác bỏ tin mà cơ quan Việt Nam thông báo vào tối ngày 6 tháng 3 là trong cùng ngày một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm tại khu vực Hoàng Sa.
Mạng Hoàn Cầu Thời Báo, phiên bản tiếng Anh của Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc, dẫn phát biểu của ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng một tàu dịch vụ công của Hoa Lục sau khi nhận được tín hiệu kêu cứu của một tàu cá Việt Nam vào sáng ngày thứ tư 6 tháng 3 đã liên lạc ngay với Trung Tâm Cứu Hộ Và Tìm Kiếm Hàng Hải Trung Quốc.
Cũng theo Hoàn Cầu Thời Báo thì khi chiếc tàu Trung Quốc đến thì tàu cá Việt Nam đã chìm và đến chiều cùng ngày thì tàu Trung Quốc cứu các người trên tàu cá Việt Nam.
Trong khi đó truyền thông Việt Nam vào tối ngày 6 tháng 3 được Văn Phòng Ủy Ban Quốc Gia Ứng phó Sự cố, Thiên tai & Tìm kiếm Cứu nạn thông báo vụ việc một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm.
Tin cho biết vào khoảng 10 giờ sáng ngày 6 tháng 3, chiếc tàu cá mang số hiệu QNg-90819 của ngư dân Nguyễn Minh Hùng, cư ngụ tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 44101 đâm chìm tại vùng biển cách thành phố Đà Nẵng chừng 198 hải lý về phía đông. Đây được cho biết là khu vực Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Trên tàu có 5 ngư dân và họ đã cố bám vào phần nổi của tàu sau khi bị đâm chìm. Sau chừng hai tiếng đồng hồ một tàu cá cũng của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đến cứu 5 nạn nhân.
Theo RFA
Trung Quốc sẽ có "biện pháp cần thiết" để bảo vệ Hoa Vi

Bắc Kinh hôm nay, 08/03/2019 lên tiếng ủng hộ hết mình hành động của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Hoa Vi, đã kiện chính quyền Hoa Kỳ vi phạm Hiến Pháp khi cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị của tập đoàn này. Ngoại trưởng Trung Quốc còn bảo đảm là Bắc Kinh sẽ có mọi « biện pháp cần thiết » để bảo vệ tập đoàn tư nhân của mình.
Trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Vương Nghị đã hoan nghênh hành động của Hoa Vi, cho rằng tập đoàn này không thể phản ứng như « một con cừu im lặng » trước Mỹ.
Ông Vương Nghị đồng thời nhấn mạnh là Trung Quốc « đã và sẽ tiếp tục đưa ra những biện pháp cần thiết, dứt khoát để bảo vệ quyền hạn và quyền lợi chính đáng của các công ty và công dân Trung Quốc…, ủng hộ các tập đoàn và cá nhân liên can trong việc sử dụng những vũ khí pháp lý để bảo vệ quyền của họ ».
Đối với ngoại trưởng Trung Quốc, « điều bảo vệ ở đây không chỉ là quyền của một tập đoàn mà là quyền chính đáng được phát triển của một quốc gia, một đất nước. »
Trước ngoại trưởng Vương Nghị, ngay từ hôm qua, truyền thông và người dân Trung Quốc đã nhất loạt hoan nghênh hành động kiện chính phủ Mỹ của Hoa Vi.
Thông tín viên RFI, Stéphane Lagarde, tường thuật từ Bắc Kinh :
« Chúng tôi là Hoa Vi ! » : Những tay chơi bóng bàn ở ngay trước cửa một trung tâm thương mại lớn tại Bắc kinh đã không do dự chút nào. Vào thời điểm diễn ra cuộc chiến tranh công nghệ này với Hoa Kỳ, thương hiệu của tập đoàn thiết bị viễn thông Hoa Vi rất quan trọng. Trang hậu thuẫn cho tập đoàn thứ hai thế giới về điện thoại di động, được mở ra hôm qua trên mạng Vi Bác sau thông báo kiện chính phủ Mỹ của Hoa Vi, đã nhận được 340 triệu click ngay vào buổi trưa.
Đối với người Trung Quốc, việc chọn thiết bị Hoa Vi xuất phát từ tương quan giữa chất lượng và giá cả, nhưng cũng bắt nguồn từ sự tự hào vì đó là sản phẩm Trung Quốc. Một người chơi bóng bàn giải thích : « Đây là một sản phẩm Hoa Vi, tôi mua với giá gần 2.000 yuan cách đây 3 năm. Tôi nghe nói rất tốt nên tôi đã mua. Dĩ nhiên là tôi ủng hộ sản phẩm Trung Quốc. Trong thực tế, bản thân tôi chưa bao giờ mua iPhone. »
Thương hiệu số 1 của Trung Quốc cũng được chính quyền ủng hộ : Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lục Khảng, trong cuộc họp báo thường kỳ, nói rõ : « Chúng tôi cho rằng việc một công ty bảo vệ quyền và lợi ích của mình là điều chính đáng ».
Báo mạng Hổ Khứu (Huxiu), rất được nhiều người xem, đã chúc Hoa Vi may mắn, và nhắc lại chuyện của tập đoàn công nghiệp nặng Trung Quốc Tam Nhất (Sany) đã từng kiện chính quyền Mỹ, sau khi ông Obama cấm mua lại 4 trung tâm điện gió vào năm 2012, và đã thắng kiện hai năm sau nhân danh quyền tự do cạnh tranh.
Còn đối với Hoàn Cầu Thời Báo, thì trong khi chờ đợi chiến thắng trên mặt trận tư pháp, thì Hoa Vi đã thắng trong lòng người.
Các tay chơi bóng bàn khẳng định : « Có thể là Hoa Vi sẽ mất khách hàng ở Mỹ nhưng chắc chắn ở Trung Quốc, họ sẽ giành thêm điểm ».
Theo RFI