
Cơ sở hạt nhân ‘bí mật’ của Triều Tiên cản trở thỏa thuận thượng đỉnh Mỹ – Triều
Kỳ vọng của Tổng thống Trump về một “hội nghị thượng đỉnh rất lớn” với Kim Jong Un đã không thành hiện thực, sau đề nghị “bao gồm tất cả” của nhà lãnh đạo nước Mỹ – về hoàn toàn phi hạt nhân hóa – đã không được đáp ứng, theo Nikkei.
“Tổng thống khuyến khích lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đi tới giải pháp ‘bao gồm tất cả’, và chúng đã tiến tới, chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho giải pháp bao gồm tất cả”, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao nói với các phóng viên sau hội nghị thượng đỉnh 2 ngày kết thúc hôm thứ Năm (28/2).
Tất cả những gì ông Kim đưa ra là phá dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyon – được xem là ‘viên ngọc’ của chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên – nhưng chỉ là một phần của một “bí ẩn khó trả lời” lớn hơn.
“Họ muốn phi hạt nhân một số khu vực nhất định, còn tôi muốn [phi hạt nhân] tất cả”, Tổng thống Trump sau đó nói với Fox News.
Những điều Mỹ nói đến, là đề nghị về Yongbyon, khu liên hợp bao gồm hơn 300 cơ sở khác nhau, và Bình Nhưỡng đã cố gắng để đưa ra cho Hoa Kỳ một “định nghĩa chính xác” về những gì mà họ đề nghị dỡ bỏ – theo một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Triều Tiên được cho là đang vận hành một cơ sở làm giàu uranium bí mật gọi là Kangson cũng như các căn cứ tên lửa bên ngoài khu phức hợp.
“Chúng tôi biết đất nước này rất rõ, bạn tin hay không thì tùy. Chúng tôi biết từng inch [đơn vị đo lường của Mỹ] của đất nước đó”, Tổng thống Trump nói trong một cuộc họp báo sau thượng đỉnh.
“Chúng tôi đã đưa ra rất nhiều điểm mà tôi nghĩ là họ đã ngạc nhiên vì sao chúng tôi lại biết”, bao gồm cả sự tồn tại của Kangson, ông Trump nói thêm.
Kim Jong Un đã yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để cung cấp cứu trợ rất cần thiết cho kinh tế Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp 11 vòng các chế tài trừng phạt đối với Triều Tiên kể từ năm 2006, dẫn đến kết quả là cấm vận 90% hàng xuất khẩu của nước này, bao gồm than và dệt may, đồng thời hạn chế nghiêm ngặt đối với các sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu.
Triều Tiên cũng kêu gọi Hoa Kỳ dỡ bỏ các hình phạt tác động đến khu vực tư nhân và đời sống dân sự, và tuyên bố rằng họ chỉ yêu cầu cứu trợ cho 5 trong số 11 vòng trừng phạt của Liên Hợp Quốc, chỉ cần miễn trừ [chế tài trừng phạt] các dự án kinh tế chung với Hàn Quốc, như khu tổ hợp công nghiệp Kaesong và khu nghỉ mát Mount Kumgang có thể cung cấp cơ hội cho Triều Tiên tiếp cận với nguồn tiền mặt từ bên ngoài.
Tuy nhiên, quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bác bỏ lập trường của Triều Tiên, nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng đã yêu cầu dỡ bỏ “về cơ bản tất cả các lệnh trừng phạt”, trừ những thứ liên quan trực tiếp đến vũ khí hạt nhân, theo Nikkei.
Tổng thống Trump dễ dàng có thể đưa ra một thỏa thuận, và một thỏa thuận với Kim có thể giúp ông trong việc đối diện với các áp lực ngày càng tăng, nhưng ông đã có lựa chọn và ra quyết định.
Trên thực tế, nhiều người đã lạc quan cho một thỏa thuận cho đến ngày đàm phán thứ hai, ngay trước khi thượng đỉnh kết thúc, tin tức báo giới đã “bùng nổ” vì hai bên đã hủy một bữa tiệc trưa và một lễ ký kết cho thỏa thuận.
Triều Tiên khẳng định rằng họ đã đưa ra nhiều hơn so với những gì được yêu cầu. Trong một cuộc họp báo bất ngờ vào thứ Sáu – sau khi ông Trump đã lên máy bay về Mỹ – Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho nói rằng, Triều Tiên đề nghị bằng văn bản, họ sẽ dỡ bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn tất cả các cơ sở hạt nhân tại Yongbyon trước sự chứng kiến của các chuyên gia Mỹ, và tạm dừng các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Không rõ Triều Tiên sẵn sàng ở mức độ nào cho việc phi hạt nhân hóa, nhưng “Kim Jong Un không thể từ bỏ chương trình hạt nhân, vốn được truyền từ ông nội và cha, vì vậy ông ta không thể đáp ứng những yêu cầu của Mỹ”, một cựu quan chức tình báo Hàn Quốc cho biết.
Sau những “chao đảo” tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều vừa qua, cơ hội của một thượng đỉnh khác, chưa nói đến một thoả thuận hạt nhân – đang mờ nhạt dần.
Canada cho phép Mỹ dẫn độ Mạnh Vãn Châu của Huawei Trung Quốc
Canada cho biết nước này sẽ chấp nhận đề nghị của Washington về việc dẫn độ giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei (Trung Quốc) tới Hoa Kỳ để xét xử bà về những vi phạm của tập đoàn liên quan đến Iran, theo AP News.
Bộ Tư pháp Canada cho biết các quan chức hôm thứ Sáu (1/3) đã đưa ra quyết định sau khi xem xét kỹ lưỡng các chứng cứ về vụ kiện và cho phép Mỹ dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu tới Hoa Kỳ. Tuyên bố này cũng nhấn mạnh rằng Canada đang hành động theo luật pháp của quốc gia.
Bà Mạnh đang được tại ngoại tại Vancouver và sẽ trình diện tại tòa án Vancouver vào thứ Tư (6/3) để tham dự phiên điều trần dẫn dộ. Phiên điều trần sẽ quyết định về việc có cho phép dẫn độ bà Mạnh hay không.
Tuyên bố của Bộ Tư pháp Canada cho biết họ có đủ bằng chứng cho phiên điều trần ra quyết định về việc dẫn độ.
Chính quyền Trung Quốc ngay lập tức đã lên tiếng chỉ trích động thái của Canada và cho rằng đó là một hành vi “vi phạm nghiêm trọng” quyền lợi của bà Mạnh và kêu gọi Washington rút lại yêu cầu dẫn độ.
“Mỹ và Canada đã lạm dụng thỏa thuận dẫn độ song phương”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Trung Quốc đã bắt giữ cựu nhà ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân người Canada Michael Spavor vào ngày 10/12 để gây áp lực lên chính quyền Canada nhằm buộc họ phải thả bà Mạnh. Tòa án Trung Quốc cũng đã kết án tử hình một người Canada trong phiên tòa tái thẩm bất ngờ vì tội buôn lậu ma túy, đảo ngược lại án tù 15 năm đã được ấn định trước đó. Ông Kovrig và ông Spavor không được có luật sự biện hộ từ khi bị bắt, theo AP.
Bà Mạnh đang được tại ngoại sau khi nộp số tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD và đang sống ở một trong hai căn biệt thự của mình tại thành phố Vancouver.