Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào sáng ngày 10 tháng 9 tại phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ quốc hội lên tiếng về vấn đề tài sản “khủng” không giải trình được của một số cán bộ trong trong nước mà Nhà nước hiện chưa có cơ sở pháp lý nào để xử lý.
Truyền thông trong nước dẫn phát biểu của người đứng đầu Quốc Hội Việt Nam khi Ủy Ban Thường Vụ cho ý kiến lần thứ 3 đối với Luật Phòng Chống Tham Nhũng sửa đổi của Việt Nam.
Cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp bà Lê Thị Nga cho biết có 2 phương án để xử lý vấn đề. Theo đó ngoài thu thuế thu nhập cá nhân, là phương án xem xét, giải quyết tại toà án.
Theo phương án này nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản thì cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập có quyền yêu cầu toà án tham gia vào việc giải trình.
Phương án này được ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư kỳ Quốc hội đồng tình nhưng vẫn còn băn khoăn về tính khả thi.
Phát biểu thêm tại phiên họp, bà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đưa vấn đề xử lý kê khai tài sản vào luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này là cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, phù hợp với xu thế chung
Theo RFA
Tổ chức Dự án 88 vào ngày 10 tháng 9 năm 2018, thông báo một số phiên xử sắp diễn ra đối với giới hoạt động xã hội dân sự và nhân quyền.
Tin cho biết nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực thuộc Hội Anh Em Dân Chủ sẽ phải ra tòa vào ngày 12/9 tới đây tại Quảng Bình. Trước đó, phiên xử ông này được thông báo diễn ra hôm 17 tháng 8 nhưng đã bị hoãn bất ngờ. Ông Nguyễn Trung Trực bị bắt vào tháng tám năm 2017, với cáo buộc theo điều 79 hình luật Việt Nam là âm mưu lật đổ chính quyền.
Phiên phúc thẩm tù chính trị Nguyễn Văn Túc, người kháng cáo bản án 13 năm tù giam, sẽ diễn ra hôm vào ngày 14 tháng 9. Tù nhân chính trị Nguyễn văn Túc bị bắt vào ngày 1/9/2017 cũng với cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo điều 79 bộ luật hình sự năm 1999.
Phiên tòa đối với cựu giáo viên Đào Quang Thực dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19/9. Ông bị bắt vào tháng 10/2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo điều 79 bộ luật hình sự 1999 vì đã đăng tải các thông tin được cho là chống đối nhà nước lên mạng và tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối đất đai và chống Trung Quốc. Gia đình ông cho biết, ông bị tra tấn thường xuyên trong thời gian bị giam cầm.
Nhà hoạt động về bảo vệ đất đai, nhà báo công dân Đỗ Công Đương sẽ bị đưa ra xét xử lần đầu tiên vào ngày 17 tháng 9 tới đây với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng” theo điều 318 bộ luật hình sự 2015 và phải đối mặt với mức án lên tới 7 năm tù giam.
Sáng ngày 9/9, ông Trần Văn Huỳnh, cha ruột của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, đã gửi thư kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự và nhân dân Việt Nam “cùng lên tiếng giữ lại tính mạng” của ông Trần Huỳnh Duy Thức, “trước đe dọa đã tính từng ngày” do tuyệt thực dài ngày.
Cựu Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ điện thoại internet OCI -Trần Huỳnh Duy Thức, người bị tuyên án 16 năm tù giam với cáo buộc “hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân”, đang tuyệt thực trong trại giam số 6 Thanh Chương - Nghệ An từ ngày 14/8/2018.
Ngày 9/9/2018 là ngày thứ 27 ông Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực để yêu cầu nhà nước Việt Nam thượng tôn pháp luật bằng cách trả tự do cho ông theo khoản 3 của điều 109 Bộ luật hình sự năm 2015 và công an trại giam ngừng việc áp bức ông.
Bức thư gửi cho lãnh đạo nhà nước, chính phủ Việt Nam, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, cơ quan ngoại giao quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự cùng toàn thể nhân dân Việt Nam bày tỏ quan ngại về sức khỏe của ông Thức và cho rằng: “Điều này là quá sức chịu đựng của một cơ thể thông thường. Và như vậy tính mạng con trai tôi có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào”.
Qua đó, gia đình yêu cầu 2 điểm như, cán bộ trại giam ngay lập tức phải thông báo về tình trạng sức khỏe của ông Thức và cho ông này gọi điện thoại về gia đình.
Điều này là quá sức chịu đựng của một cơ thể thông thường. Và như vậy tính mạng con trai tôi có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào - Trần Văn Huỳnh
Thứ hai, gia đình của tù nhân đang thụ án qua năm thứ 9 “yêu cầu các cơ quan chấp pháp của Việt Nam xem xét ngay các yêu cầu của Trần Huỳnh Duy Thức và có trả lời ngay, dựa trên các quy định của Pháp luật.”
Đây là cuộc tuyệt thực dài ngày lần thứ hai của ông Thức trong trại giam, đã gây cảm hứng cho nhiều người dân, những nhà hoạt động và các nhân sĩ trí thức thực hiện các cuộc nhịn ăn ít nhất 1 ngày để đồng hành cùng với ông.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, sinh năm 1966, nguyên là Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ điện thoại Internet One Connection thành lập ở Singapore khoảng năm 2002, nắm giữ giao thức gọi điện thoại qua Internet với mức phí rất rẻ được xem là tiền thân của các ứng dụng sau này như Viber, Skype…
Năm 2009, ông Thức bị bắt với cáo buộc ban đầu là “trộm cước viễn thông”, tuy nhiên sau đó bị chuyển tội danh thành “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Ông Thức bị tuyên án 16 năm tù giam trong phiên tòa đầu năm 2010. Tổ chức Ân xá quốc tế sau đó gọi phiên tòa là “sự nhạo báng công lý”.
Báo Người Lao Động dẫn cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, ông Thức và những đồng sự thành lập nhóm Nghiên cứu chấn để đề ra đường lối, kế hoạch hoạt động nằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Từ đó thông qua kế hoạch “Đoài đánh Đoài”, tức là sử dụng những người cộng sản “đánh” cộng sản, từ đó, chia rẽ, phân hoá nội bộ trong Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức nhiều lần từ chối lời đề nghị đi định cư ở Hoa Kỳ hay Âu Châu, và tuyên bố “ở lại để cống hiến và phục vụ cho đất nước”.
Theo RFA