Chiều nay, thứ Bảy ngày 18/8, Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả phần tổng hợp những tin thế giới nổi bật trong ngày.
Trung Quốc có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên Biển Đông
Today Online đưa tin ngày 17/8 (giờ địa phương), Lầu năm góc, trong báo cáo thường niên mới nhất đánh giá về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, đã cảnh báo rằng Bắc Kinh có kế hoạch đưa các nhà máy điện hạt nhân ra các đảo nhân tạo mà nước này tự bồi đắp ở Biển Đông.
“Trong kế hoạch trang bị nguồn cung cấp điện cho các đảo nhân tạo trên Biển Đông, Trung Quốc có thể xây dựng một nhà máy điện hạt nhân”, Lầu Năm góc viết trong báo cáo gửi Nghị viện Mỹ.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng lưu ý rằng quân đội Trung Quốc đã mở rộng hoạt động cho các máy bay ném bom của mình trong những năm gần đây, trong khi đó “nhiều khả năng những cuộc tập trận được tổ chức” là để chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh.
Kim Jong-un đưa ra lời phát biểu hùng hồn tại công trường xây dựng
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tiến hành thị sát một địa điểm đang triển khai xây dựng khu du lịch lớn trên bờ biển phía đông của đất nước khép kín nhất thế giới, và mô tả nó như là một biểu tượng vững chãi trước các lệnh trừng phạt, Korea Heard dẫn thông tin từ phương tiện truyền thông của Bắc Hàn.
“Một công trình xây dựng lớn như Wonsan-Kalma [tên khu du lịch] là một câu trả lời đanh thép cho những lực lượng thù địch đang cố gắng kiềm chế người Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt và phong tỏa”, ông Kim nói.
“Đất nước chúng ta từ lâu đã vạch ra kế hoạch trao cho người dân cơ hội để tận hưởng cuộc sống trên bờ biển xinh đẹp, xinh đẹp của đất nước chúng ta… Bây giờ nó sẽ sớm trở thành sự thật”.
Bắc Kinh đang cố gắng can thiệp vào các nước láng giềng
Trung Quốc được cho là đang cố gắng can thiệp vào hệ thống chính trị ở các nước láng giềng, và cuộc bầu cử ở Campuchia vừa qua là bước chạy đà của Bắc Kinh khi đã giữ vững vị trí của thủ tướng Hun Sen, người vốn được cho là thân Trung Quốc, theo Nikkei.
Một cuộc điều tra của một công ty an ninh mạng Mỹ và các cuộc phỏng vấn với các chuyên gia cho thấy rằng các tin tặc do Trung Quốc hậu thuẫn đã tham gia vào các hoạt động trên Internet để tấn công các đối thủ chính trị của ông Hun Sen trước ngày bỏ phiếu 29/7 ở Campuchia.
Tờ Nikkei nhận định Trung Quốc thực hiện việc này vì muốn triển khai dự án Vành đai và Con đường ở các nước mà Bắc Kinh muốn gây ảnh hưởng.\
Hơn 1,6 triệu tín đồ sử dụng công nghệ cao khi hành hương về Mecca
Dự kiến 2 triệu người Hồi giáo sẽ tập trung tại Ả Rập Xê Út cho cuộc hành hương thường niên Hajj, hàng ngàn người đã tới Thánh địa Hồi giáo Mecca.
Vào hôm thứ Năm, hơn 1,6 triệu người đã tới Ả Rập Xê Út cho cuộc hành hương Hajj, diễn ra từ Chủ nhật đến thứ Sáu. Hàng ngàn người có thể đã tới thánh địa Mecca, với các nhóm tín đồ đến từ các quốc gia khác nhau với những màu sắc riêng biệt dễ nhận thấy, tờ Khaleej Times đưa tin.
Năm nay, cuộc hành hương đã được trang bị công nghệ cao, vì chính quyền địa phương đã áp dụng các ứng dụng (apps) giúp các tín đồ di chuyển tới địa điểm thiêng liêng nhất của Hồi giáo. (Chi tiết)
Chủ tịch Trung Quốc thăm Triều Tiên vào tháng sau
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm Bình Nhưỡng vào tháng tới theo lời mời của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 70 ngày quốc khánh của Bắc Hàn, tờ Straits Times của Singapore đưa tin ngày 18/8.
Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập tới Triều Tiên kể từ khi ông nắm quyền vào năm 2012, và cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Trung Quốc tới quốc gia bí ẩn này kể từ chuyến thăm của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào cách đây 13 năm.
Lễ kỷ niệm ngày quốc khánh của Triều Tiên diễn ra vào ngày 9/9 và tờ Straits Times nhận định chuyến thăm của ông Tập vẫn có thể bị thay đổi vào phút chót.
Trung Quốc đã mở rộng chương trình cải tạo những người được cho là “thành phần nguy hiểm”, với mục tiêu ban đầu nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ nhưng hiện đã bao gồm cả những người theo tôn giáo nói chung, Nhật báo phố Wall (WSJ) đưa tin.
Có tới 1 triệu người, tương đương 7% người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc, hiện đang bị giam giữ trong một hệ thống các trại “cải tạo chính trị”, theo các quan chức Hoa Kỳ và các chuyên gia Liên Hợp Quốc.
Khi các trại cải tạo bị quá tải, một số người Duy Ngô Nhĩ lớn tuổi được chính quyền Bắc Kinh ở địa phương thả tự do, nhưng đã chết ngay sau đó, tờ WSJ dẫn lời người thân của những tù nhân được phóng thích cho hay.
Hình ảnh vệ tinh được WSJ và một chuyên gia phân tích ảnh chỉ rõ, trong hai tuần qua, các trại cải tạo chính trị ở khu vực Tân Cương đã gia tăng về số lượng và nhiều trại đã được mở rộng diện tích cũng như cơi nới hoặc xây mới buồng giam.
Tuy nhiên, quy mô phát triển các trại cải tạo chính trị có thể còn vượt quá những gì WSJ đánh giá do nhiều người Duy Ngô Nhĩ từ chối tiết lộ thông tin vì sợ bị trả thù.
WSJ đã tiếp cận được 6 nhân chứng là những cựu tù nhân. Họ cho biết đã bị ngược đãi trong trại cải tạo khi công an thường trói họ vào ghế và bỏ đói họ.
Ablikim, một cựu tù nhân 22 tuổi, nói: “Họ cũng nói với chúng tôi về tôn giáo, nói rằng những điều tôn giáo nói là không có thật, và rằng tại sao lại tin vào tôn giáo, không có Thượng đế đâu”.
WSJ cũng đã nói chuyện với 30 người thân của những người bị chính quyền giam giữ, 5 người trong số họ tiết lộ rằng người thân của mình đã chết trong trại hoặc chết sau khi được thả. Nhiều người cho biết họ đã phải rất vất vả mới biết được tình trạng sức khỏe cũng như địa điểm người thân của mình bị giam giữ.
Một quan chức cấp cao của Trung Quốc, ông Hu Lianhe thuộc Mặt trận Tổ quốc, đã lần đầu tiên công khai thừa nhận sự tồn tại của các trại, nhưng cho biết đó không phải là các trại cải tạo chính trị mà là “trung tâm đào tạo nghề”.
Trả lời các câu hỏi của Liên Hiệp Quốc, ông Hu cho biết không có việc “giam giữ tùy ý” ở Tân Cương và phủ nhận con số một triệu người bị bắt giam, nhưng lại không nói có bao nhiêu người đang được “học nghề” ở các trung tâm.
Trung Quốc đã phải rất vất vả trong nhiều thập kỷ để kiềm chế ý chí độc lập của người Duy Ngô Nhĩ, những người nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ này đã từng đạt được trạng thái độc lập hai lần vào những năm 1930 và 1940 thế kỷ trước. 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vẫn đang hy vọng xây dựng được một đất nước độc lập mà họ gọi tên là Đông Turkestan.
Trung Quốc đã đưa ra nhiều quy định ngặt nghèo đối với người Duy Ngô Nhĩ trong 2 năm qua, cấm đàn ông của sắc dân này để râu và phụ nữ mặc áo che mặt, đồng thời triển khai chương trình giám sát điện tử trên khắp Tân Cương, theo WSJ.
Tại một trại tập trung ở thành phố Turpan, Tân Cương, một bảng hiệu được gắn trên một tòa nhà lớn với dòng chữ Trung Quốc màu đỏ: “Cảm nhận tư tưởng đảng, tuân lời đảng, theo sự lãnh đạo của đảng”, các lính canh đã hét vào mặt một phóng viên báo chí khi người này có ý định tiến gần tới tòa nhà.
Ablikim cho biết anh đang nghiên cứu lĩnh vực quan hệ quốc tế tại Kazakhstan thì công an Turpan gọi điện cho anh vào tháng Hai và đe dọa rằng gia đình anh sẽ gặp rắc rối nếu anh không trở về Tân Cương.
Khi đến nơi, công an đưa anh đến một khu phức hợp ở ngoại ô của Turpan có hàng rào dây thép gai bao quanh và được các nhân viên vũ trang bảo vệ.
Ablikim nói rằng anh đã bị thẩm vấn ở đó nhiều ngày, có khi tới 9 tiếng đồng hồ một ngày, trong tình trạng chân của anh bị buộc vào chân ghế và tay thì bị còng sau lưng ghế. Công an muốn biết liệu anh có liên quan tới các nhóm tôn giáo ở nước ngoài hay không. Ablikim nói rằng anh không có bất cứ mối liên hệ nào như họ nghi ngờ.
Cuối cùng anh Ablikim bị đưa vào trại cải tạo chính trị cùng với các tù nhân khác. Anh cho hay, các tù nhân bị đánh thức lúc 5 giờ sáng mỗi ngày và phải tham gia chạy bộ 45 phút, trong quá trình chạy sẽ phải hô lớn từng đợt, câu “Đảng Cộng sản là tốt!”.