
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 6 Tháng Bảy, nhiều blogger bất bình trước việc báo Thanh Niên in hình cờ Trung Quốc minh họa cho một bài báo về ngành đường sắt bỗng dưng có năm ngôi sao nhỏ (thay vì bốn) quanh một ngôi sao lớn hơn.
Ngôi sao mới được thêm vô bị các blogger diễn giải là báo Thanh Niên có hàm ý nhắc đến chuyện Việt Nam “đang trong lộ trình quy phục mẫu quốc và tiến tới sáp nhập với Trung Quốc.”
Bài báo sau đó cũng được đăng tải trên website báo Thanh Niên nhưng phần in cờ Trung Quốc “sai sót” trên báo giấy đã được điều chỉnh bằng cờ Trung Quốc đúng với nguyên mẫu có tổng cộng năm ngôi sao. Trang web của báo Thanh Niên cũng không đăng giải thích gì về việc họ in ảnh “cờ Trung Quốc sáu sao” trên báo giấy.
Blogger Hoàng Dũng cùng nhiều nhà hoạt động khác lập tức lên tiếng kêu gọi đình bản báo Thanh Niên hoặc cách chức tổng biên tập tờ này vì “sai sót chính trị nghiêm trọng.” Vì theo lập luận của các blogger, tờ báo này khó có thể biện hộ rằng đây chỉ là một “sai sót kỹ thuật,” vì không thể tìm thấy hình cờ Trung Quốc “in thêm một ngôi sao” trên Google.
Vụ “cờ Trung Quốc sáu sao” từng xuất hiện trong một bản tin trên đài truyền hình Việt Nam – VTV – hồi Tháng Mười, 2011, và khiến công luận giận dữ xen lẫn mối hoài nghi về “dụng ý” hoặc “thông điệp ngầm” của Hà Nội.
Thời điểm đó, ông Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN, đã đưa ra lời giải thích: “Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã được thông báo đây là sai sót mang tính kỹ thuật. Cục Lễ Tân Nhà Nước đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và kỷ luật các cán bộ có liên quan.”
Trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường các hoạt động quân sự, bồi đắp căn cứ trên Biển Đông, công luận Việt Nam dễ bực tức trước những bài báo, hình ảnh liên quan đến Trung Quốc có chi tiết “bất thường.”
Mặt khác, việc truyền thông trong nước thường xuyên dẫn phát ngôn của quan chức “nói tránh từ Trung Quốc” cũng khiến dư luận gia tăng bất bình.
Hồi Tháng Năm, 2018, khi trả lời về vụ du khách Trung Quốc mặc áo in hình “lưỡi bò” đến tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Văn Tuấn, tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch Việt Nam, được các báo dẫn lời: “Vụ này cần xử lý kịp thời nhưng phải mềm dẻo, không để sự cố nhỏ ảnh hưởng đến đại cục.”
Tháng Sáu, 2018, Bộ Trưởng Kế Hoạch-Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng được báo Tuổi Trẻ trích lời về văn bản Dự Luật Đặc Khu: “Dự luật không có một chữ nào về Trung Quốc, chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc. Mọi người đang hình dung tiêu cực, đang đẩy thành vấn đề sợ Trung Quốc. Nhưng chúng ta bình đẳng không phân biệt, không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước ta đang có chủ quyền, ta phải bình tĩnh, xem xét và lắng nghe.”
Tuy vậy, sau khi xem kỹ nội dung Dự Luật Đặc Khu, cộng đồng mạng phát hiện từ “Trung Quốc” đúng là không có trong văn bản nhưng lại có cụm từ “nước láng giềng có biên giới chung với Quảng Ninh.” (T.K.)
Việt Nam lên tiếng về bộ phim về Mẹ Nấm
Bộ phim tài liệu “Khi mẹ vắng nhà” có nhiều thông tin sai lệch về một cá nhân đã bị xét xử và đang thi hành án theo pháp luật Việt Nam.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 5/7, trả lời như vậy trước câu hỏi của báo giới liên quan đến việc Đại sứ quán Việt Nam yêu cầu Câu Lạc bộ Báo chí Quốc tế Thái Lan (FCCT) không được chiếu bộ phim tài liệu “Khi mẹ vắng nhà”. Bộ phim chuyển tải nội dung về hoàn cảnh gia đình của Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong lúc bà đang thi hành bản án tù 10 năm, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước, theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
FCCT vào tối ngày 4/7 đột ngột ra thông báo hủy buổi công chiếu lần thứ hai bộ phim tài liệu “Khi mẹ vắng nhà” tại Bangkok, sau khi nhận được khiếu nại từ Đại sứ quán Việt Nam.
Thông báo của FCCT nêu rõ bức thư yêu cầu không tiếp tục công chiếu bộ phim tài liệu này của Đại sứ quán Việt Nam được Trạm cảnh sát Lumpini đưa ra và sau đó một đại tá cảnh sát từ Đơn vị Đặc biệt đến thăm FCCT.
Câu Lạc bộ Báo chí Quốc tế Thái Lan nhấn mạnh rằng dường như Bộ Ngoại Giao Thái Lan không được tư vấn về quyết định vừa nêu, trong khi Phó Phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng nói với AFP là Việt Nam hiểu rằng Thái Lan cũng ý thức được việc này. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, thân mẫu của tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có ý kiến về trả lời của phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam liên quan bộ phim tài liệu nói về blogger Mẹ Nấm:
“Tôi biết phim đó chỉ nói về cuộc sống đời thường của gia đình tôi, đó là sự phản án trung thực về gia đình tôi. Còn họ nói không đúng thì tôi không biết không đúng về cái gì!?”
Theo RFA
KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – “Con sẽ không ăn bất cứ thứ gì nữa, kể cả đồ mẹ gửi cho con.” Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan thuật lại trên trang Facebook cá nhân vào tối 5 Tháng Bảy, sau khi nghe blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh), con gái bà, gọi điện thoại về nhà thông báo tuyệt thực để phản đối điều kiện giam giữ trong tù.
“Sáng sớm, Quỳnh gọi điện về nhà. Tôi bất ngờ vì thường họ chỉ cho Quỳnh gọi vào ngày Chủ Nhật,” bà viết tiếp.
Bà kể: “Từ ngày 26 Tháng Sáu, đã nhiều lần Quỳnh đề nghị được gặp trưởng giám thị trại giam để giải quyết những điều Quỳnh gặp phải trong trại, nhưng không được. Họ không gặp, không nghe và không giải quyết, thậm chí, những việc rồi tệ còn xảy ra liên tục, tiếp tục theo chiều hướng quá đáng hơn.”
“Từ nay Quỳnh quyết định tuyệt thực không ăn uống gì cho đến khi mọi việc được giải quyết,” bà viết thêm.
“Tôi không biết phải khuyên Quỳnh như thế nào để con ăn lại và cũng không muốn khuyên con. Vì tôi biết con tôi đang phải đấu tranh để giữ mạng sống của mình. Lúc này, điều duy nhất tôi có thể làm được cho con là viết ra những dòng này và đến ngày đi thăm con để biết nó đã ra sao,” bà Lan viết.
Theo bà Tuyết Lan, đây là lần thứ ba con gái bà, một tù nhân lương tâm, đang thọ án 10 năm tù tuyệt thực để phản đối điều kiện giam giữ hà khắc.
Blogger Mẹ Nấm bị giam tại trại giam số 5, Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Trên trang Facebook, bà Lan cho hay, con gái bà “thường xuyên bị một nữ phạm nhân giam cùng phòng chửi bới, nhục mạ và đe dọa.”
Cùng thời điểm, Facebooker Phuong Le viết: “Ở tháng thứ sáu tại trại giam số 5, Quỳnh cho biết cô thường xuyên bị dọa dẫm, đe nạt bởi các tù nhân khác và đặc biệt, cô đã bị ngộ độc thức ăn nhiều lần.”

Ngày 6 Tháng Bảy, tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) vừa tổ chức chiến dịch trên mạng xã hội kêu gọi chính quyền Việt Nam “cải thiện điều kiện giam giữ ngay lập tức” đối với blogger Mẹ Nấm sau khi có tin nữ tù nhân lương tâm này tuyệt thực lần thứ ba.
Tổ chức này cho biết thêm thông tin về blogger Mẹ Nấm: “Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt vào năm 2016, cô bị buộc tội và kết án 10 năm tù. Cô bị đi tù vì đã lên tiếng cho các nạn nhân trong thảm họa Formosa và yêu cầu chính quyền đưa công ty này ra tòa.”
Trước đó, các lời kêu gọi của Ân Xá Quốc Tế cũng như của các tổ chức nhân quyền quốc tế, sứ quán các nước về việc phóng thích blogger Mẹ Nấm đều không nhận được phản hồi từ Hà Nội.
Trong một diễn biến khác, đề cập việc một bộ phim tài liệu về blogger Mẹ Nấm bị hủy chiếu ở Bangkok, Thái Lan, ông Ngô Toàn Thắng, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN, nói tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 5 Tháng Bảy ở Hà Nội: “Chúng tôi được biết đây là bộ phim có nhiều thông tin sai lệch về một cá nhân bị xét xử và đang thi hành án theo pháp luật Việt Nam. Và chúng tôi hiểu rằng Thái Lan cũng ý thức được việc này.”
Ông Trịnh Hội, đại diện VOICE, tổ chức đứng sau bộ phim, viết trên trang Facebook cá nhân: “Thật không thể tưởng tượng được là cả một cái đảng CSVN muôn năm với hơn 3 triệu đảng viên mà lại đi sợ một người phụ nữ Việt Nam đang ngồi tù đến thế.”
“Hà Nội có thể dùng mọi thủ đoạn để cấm phổ biến bộ phim tài liệu ‘Mẹ Vắng Nhà’ nói về Mẹ Nấm. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Và cho dù có gặp bất kỳ khó khăn nào, tôi cũng sẽ cho chiếu nó ở những nơi mà sự thật vẫn được tôn trọng,” ông viết.
“Tôi sẽ đi, đi đến cuối chân trời này để cho mọi người tự xem và tự đánh giá ai mới là người đưa ra thông tin sai lệch,” ông Hội khẳng định. (T.K., TS)
Nguoi-viet.com