Theo Tân Hoa Xã, lực lượng hải cảnh ( tuần duyên ) hoạt động dưới quyền của Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc sẽ là một cơ quan thực thi pháp luật, đồng thời bảo đảm quyền hàng hải của quốc gia. Tuần duyên có trách nhiệm chống các tội phạm hình sự trên biển, tìm kiếm và cứu nạn, bảo vệ môi trường, quản lý ngư trường và chống buôn lậu.
Quốc Hội Trung Quốc cách đây vài tuần đã thông qua quyết định quân sự hóa lực lượng tuần duyên. Hoàn cầu Thời báo cho biết, dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương, lực lượng tuần duyên sẽ tham gia các cuộc tập trận của quân đội.
Chuyên gia Tống Trung Bình (Song Zhongping) nói rằng các tàu tuần duyên sẽ được vũ trang các khẩu đại bác có hỏa lực mạnh hơn. Các nhân viên tuần duyên cũng được phép mang vũ khí. Tuy nhiên theo chuyên gia này, tuần duyên Trung Quốc sẽ không đe dọa các nước khác, nếu họ không « khiêu khích » chủ quyền và quyền hàng hải của Bắc Kinh.
Trước đó bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Itsunori Onodera trong cuộc họp báo ngày 26/6 đã bày tỏ quan ngại về việc quân sự hóa lực lượng này, vì tuần duyên Trung Quốc thường xuyên quấy nhiễu vùng biển bao quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Tuần duyên Trung Quốc cũng gây phẫn nộ với nhiều vụ bắt giữ ngư dân Philippines hoạt động trên Biển Đông gần đây, và từ tháng trước đã bắt đầu tuần tiễu gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (hiện do Bắc Kinh kiểm soát).
Malaysia tiếp tục tỏ ra trung lập về Biển Đông
Cũng liên quan đến Biển Đông, chính quyền Malaysia hôm qua 01/07/2018 nhắc lại quan điểm vùng biển này phải là khu vực tự do và an toàn cho tất cả các quốc gia trong khu vực. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh thủ tướng Mahathir Mohamad sắp sang thăm Trung Quốc.
Theo ông Mohamad, chiến hạm của Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều có thể đi ngang vùng biển của Malaysia, nhưng không nên nấn ná lại để phô trương sức mạnh.
Theo RFI
Sri Lanka: Hải quân kiểm soát cảng biển cho Trung Quốc thuê

Chính phủ Sri Lanka ngày 30/06/2018 thông báo cảng biển Hambantota cho Trung Quốc thuê sẽ do hải quân Sri Lanka kiểm soát và Trung Quốc không được phép sử dụng cảng biển này cho các mục đích quân sự.
Văn phòng thủ tướng Sri Lanka còn nêu rõ bộ tư lệnh hải quân phía nam sẽ được dời về cảng biển Hambantota, nằm dọc con đường giao thương hàng hải đông - tây.
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ quan ngại cảng biển nước sâu này có khả năng mang lại cho quân đội Trung Quốc một vị thế chiến lược chắc chắn tại vùng Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, theo giải thích của AFP, do nợ Trung Quốc đến hàng tỷ đô la vay từ thời cựu tổng thống Mahinda Rajapakse để phát triển cơ sở hạ tầng, cảng biển Hambantota đã bị nhượng quyền khai thác cho Trung Quốc đến 99 năm. Nước này nắm giữ đến 70% cổ phần các hoạt động khai thác cảng biển.
Việc Trung Quốc nắm giữ đến ngần ấy cổ phần của cảng biển Hambantota đã khiến cho Ấn Độ và Hoa Kỳ lo lắng về sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường. Nhiều nước châu Á nằm trong dự án này đã vay những khoản tiền khổng lồ của Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng nhằm phát triển giao thương trên bộ.
AFP nhắc lại, hồi tháng 5/2017, tân chính phủ của tổng thống Maithripala Sirisena đã từ chối cho một tầu ngầm Trung Quốc ghé cảng Colombo, ít lâu sau chuyến thăm Sri Lanka của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Theo RFI
Mỹ trục xuất người Canada gốc Trung Quốc do trộm bí mật thương mại
Jerry Jindong Xu, người Canada gốc Trung Quốc – cựu nhân viên công ty hóa chất Mỹ Chemours, đã nhận tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại. Ông Xu bị kết án 10 tháng tù giam và trục xuất sang Canada vào ngày 27/6, theo Epoch Times.

Các cảnh sát Hoa Kỳ đã đưa Jerry Jindong Xu ra khỏi phòng xử án và lên chuyến bay đến Canada tại sân bay quốc tế Philadelphia, theo một báo cáo của tạp chí tin tức Delaware.
Công dân nhập tịch Canada 48 tuổi, sinh trưởng tại Trung Quốc. Sau khi nhận tội và bị kết án, ông bị cấm vĩnh viễn không được trở lại Hoa Kỳ.
Các tài liệu của tòa án tiết lộ trong khi làm việc tại Chemours có trụ sở ở Delaware từ năm 2015 đến năm 2016. Ông Xu đã ăn cắp hàng chục tài liệu bí mật chứa thông tin độc quyền về cách sản xuất natri xyanua, một hóa chất công nghiệp thường được sử dụng trong khai thác vàng và bạc. Hóa chất này được sử dụng để chiết xuất kim loại quý từ quặng.
Ông Xu đã trộm tài liệu, hình ảnh và sơ đồ liên quan đến các nhà máy sản xuất natri xyanua với ý định thành lập công ty riêng, có tên là Xtrachemical. Với mưu đồ thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc để xây dựng nhà máy natri xyanua ở Canada.
Thậm chí, ông còn tự đề nghị một chuyến đi riêng đến nhà máy natri cyanide của Chemours ở Memphis, Tennessee để tham quan và bí mật chụp ảnh các sơ đồ trong hệ thống.
Ông Xu cũng âm mưu giúp xuất khẩu các sản phẩm natri xyanua được sản xuất ở Trung Quốc. Và khi thảo luận với các doanh nghiệp Trung Quốc, ông dùng tên công ty Xtrachemical để giao dịch thuận lợi.
“Đây thuộc loại trộm cắp tài sản trí tuệ, có liên quan đến Trung Quốc. Nó tác động tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế của chúng tôi”, Chánh án Leonard P. Stark nói trong phiền tòa vào ngày 27/6, theo News Journal.
Trước khi Chemours tách ra từ công ty hóa chất DuPont và trở thành một công ty độc lập vào năm 2015. Ông Xu là nhân viên tại một cơ sở của DuPont ở Trung Quốc từ năm 2004 đến 2011. Ông làm việc ở Phòng Giải pháp Hóa học, phụ trách tiếp thị những sản phẩm xyanua của DuPont cho các công ty công nghiệp Trung Quốc.
Sau đó, “ông gây dựng các mối quan hệ rộng rãi với các quan chức trong ngành công nghiệp mỏ và khai thác xyanua của đất nước này”, theo tờ News Journal, trích nguồn từ các công tố viên.
Vào năm 2011, ông Xu chuyển đến Bắc Mỹ để làm việc tại DuPont và sau đó trở thành nhân viên Chemours vào năm 2015. Ông Xu và một đồng phạm không biết tên, cũng là một nhân viên DuPont lâu năm, cùng thực hiện âm mưu này.
Chính quyền liên bang đã ngăn chặn kế hoạch trước khi nó được thực hiện. Ông Xu chưa kịp chuyển thông tin đã đánh cắp cho bất cứ ai trước khi bị bắt vào tháng 8/2017, theo Trợ lý luật sư Hoa Kỳ Jamie McCall.