Tổ chức Ân Xá Quốc Tế - Amnesty International hôm 28/2 kêu gọi hành động khẩn cấp cho nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình, người phản đối Formosa gây thảm họa biển tại Việt Nam nhưng bị chính phủ Hà Nội kết án tù 14 năm.
Ân Xá Quốc Tế kêu gọi những người quan tâm viết thư ngay đến cho các cấp thẩm quyền Việt Nam về trường hợp anh Hoàng Đức Bình.
Thư gửi trước ngày 10 tháng 4 năm nay đến các vị lãnh đạo cấp cao Việt Nam gồm các ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Trưởng Công An Tô Lâm, Bộ Trưởng Ngoại giao kiêm phó thủ tướng Phạm Bình Minh.
Nội dung thư yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình, hủy bỏ cáo buộc đối với tù nhân lương tâm này vì chỉ thực hiện một cách ôn hòa quyền tự do bày tỏ ý kiến.
Trong khi chờ đợi anh Hoàng Đức Bình được trả tự do, Amnesty cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo không có hành vi tra tấn, ngược đãi đối với anh Bình và cho phép người anh được tiếp cận thân nhân, luật sư cũng như được chăm sóc y tế đầy đủ.
Ngoài ra Amnesty cũng yêu cầu ngưng ngay mọi hình thức sách nhiễu, đàn áp, trừng phạt những nhà bảo vệ nhân quyền, giới hoạt động ôn hòa.
Nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình bị tòa án huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An kết án 14 năm tù hôm ngày 6 tháng 2 vừa qua, với cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ’ và ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ làm phương hại lợi ích nhà nước’.
Anh Hoàng Đức Bình còn là phó chủ tịch của tổ chức xã hội dân sự độc lập Phong Trào Lao Động Việt chuyên lên tiếng cho quyền lợi của giới công nhân tại Việt Nam.
Trong một số trường hợp anh còn thực hiện các live-stream và viết blog chỉ trích mạnh mẽ biện pháp tàn bạo của công an đối với những người biểu tình chống Formosa gây thảm họa môi trường cho vùng biển miền Trung Việt Nam.
Lực lượng công an bắt anh Hoàng Đức Bình vào ngày 15 tháng 5 năm ngoái khi anh đang đi cùng linh mục Nguyễn Đình Thục, một người ủng hộ tích cực cho các nạn nhân thảm họa môi trường Formosa.
Theo RFA
Hai dự án khai thác và chế biến quặng bô-xit lớn của Việt Nam là dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều chậm tiến độ, thường xuyên xảy ra sự cố, và thiết bị xuống cấp, nên vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo của Bộ Tài nguyên – Môi trường gửi Bộ Công thương về việc đánh giá hiệu quả thí điểm hai dự án bô-xit nêu trên và được mạng báo Tuổi Trẻ loan đi ngày 2 tháng 3.
Hai dự án vừa nêu do tập đoàn than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư và Trung Quốc là nhà thầu.
Bộ Tài Nguyên- Môi Trường nêu rõ trong báo cáo rằng sau một thời gian triển khai, nhiều thiết bị của hai nhà máy đã xuống cấp, bao gồm cả thiết bị xử lý môi trường. Vì vậy bộ này cho rằng hai dự án vẫn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường phức tạp.
Ngoài ra, Bộ TN-MT còn cảnh báo nhà đầu tư, tức Tập Đoàn Than- Khoáng Sản VN phải lưu ý chất lượng thiết bị do nhà thầu cung cấp, tức là phía Trung Quốc.
Báo cáo cũng cho biết trong suốt thời gian hoạt động, dự án Tân Rai đã xảy ra ba lần sự cố và Nhân Cơ là bốn lần, lý do được nói là vì lỗi kỹ thuật do chất lượng công trình.
Một vấn đề khác cũng được nêu lên là cả hai dự án đều chậm tiến độ 2 năm, làm cho công trình bảo vệ môi trường cũng bị chậm theo.
Hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ có tổng vốn đầu tư trên 32.000 tỷ đồng, là hai dự án khai thác bô-xit trọng điểm của Việt Nam.
Ngay khi thông tin về việc triển khai các dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên được đưa ra, nhiều vị nhân sĩ- trí thức, giới khoa học và môi trường lên tiếng mạnh mẽ không được triển khai vì nguy cơ ô nhiễm, phá hủy môi trường, nền văn hóa bản địa, không hiệu quả về kinh tế và cả vấn đề an ninh quốc gia.
Thế nhưng chính phủ Hà Nội cho rằng đó là chủ trương lớn của đảng cộng sản Việt Nam.
Theo RFA
Dự án Công lý Thế giới (World Justice Project) vừa công bố “Chỉ Số Thượng Tôn Pháp Luật” của thế giới năm 2017-2018 qua đó cho thấy Việt Nam tụt 7 hạng so với năm 2016, xếp hạng 74 trên 113 quốc giá được đánh giá.
Cụ thể theo báo cáo Việt Nam chỉ đạt điểm số 0,5; xếp hạng 74. So với Trung Quốc, Việt Nam cao hơn 1 hạng (75). Trong khu vực Đông Á- Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ 11/15, và ở vị trí 10/30 nước có mức thu nhập trung bình thấp.
Các nước khác trong khu vực Đông Nam Á có thứ hạng trên thế giới lần lượt là Singapore 13, Malaysia 53, Indonesia 63, Thái Lan 71, Philippines 88, Myanmar 100, Cambodia 112…
Dự án Công lý Thế giới thực hiện bản báo cáo dựa trên hơn 100.000 khảo sát đối với người dân và chuyên gia tại 113 quốc gia và vùng lãnh thổ về các quy định của pháp luật được thực thi như thế nào trong từng tình huống cụ thể, hàng ngày.
Điểm số dành cho mỗi quốc gia được dựa trên 44 yếu tố trong 8 nhóm gồm: kiểm soát quyền lực chính phủ, không có tham nhũng, chính phủ minh bạch, các quyền căn bản, trật tự và an ninh, khả năng chấp pháp, công bằng dân sự và luật hình sự.
Theo RFA