Mỹ Thách Thức 6 Yêu Sách Của Trung Quốc Ở Biển Đông
Hải quân Hoa Kỳ công bố báo cáo thường niên về hoạt động tự do hàng hải (FON) cho thấy số lần các tàu Mỹ thách thức tuyên bố chủ quyền quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông.Các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ (Ảnh: Navy.com)
Báo cáo cho biết, trong năm tài khóa 2017 Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã thách thức 6 yêu sách biển của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, theo báo cáo FON của Mỹ.
Các yêu sách quá mức mà Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xác định bao gồm “các luật pháp trong nước làm hình sự hóa hoạt động khảo sát của các thực thể nước ngoài” ở Biển Đông, các hạn chế đối với máy bay nước ngoài bay qua Biển Đông và Biển Hoa Đông, và “các hành động / phát biểu nêu ra yêu sách chủ quyền xung quanh các thực thể không đáng được hưởng điều đó”.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh rằng các tàu nước ngoài phải xin phép Trung Quốc trước khi “có chuyến qua đường vô tội” gần quần đảo Hoàng Sa.
Báo cáo khẳng định FON là “các hoạt động có mục đích chủ yếu là thách thức các yêu sách hàng hải quá mức”.
“Tất cả các nhiệm vụ đều được lên kế hoạch cẩn thận, được xem xét một cách hợp pháp, được phê duyệt đúng đắn và tiến hành một cách hợp pháp với tính chuyên nghiệp”.
Báo cáo ghi ngày 31/12/2017, nhưng chỉ mới được công bố trên USNI News vào ngày 25/1/2018.
Nhiều lãnh đạo hải quân Mỹ phê phán cựu Tổng thống Obama đã không cho phép các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông từ năm 2012 đến năm 2015, theo tạp chí Hải quân (Navy Times) của Mỹ. Trong thời gian đó, Trung Quốc ra sức xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt các thiết bị quân sự, tạp chí này cho biết.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã thể hiện một số động thái cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông. Tháng 7, ông phê duyệt kế hoạch một năm cho phép hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, trong khi dưới thời Obama mỗi hoạt động như vậy phải xin phép từng lượt.
Tháng 5, tàu chiến Mỹ đã tiến hành ‘cuộc thao diễn’ trong phạm vi 12 hải lý của hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Động thái này chưa từng xảy ra dưới thời Obama và được cho là một thách thức trực tiếp đến hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại khu vực.
Trung Quốc được mời tham gia tập trận hải quân do Mỹ dẫn đầu
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 25/1 cho biết nước này đã được mời tham gia một cuộc tập trận hải quân lớn của Hoa Kỳ trong năm nay, bất chấp căng thẳng vẫn âm ỉ giữa hai nước về vụ tranh chấp Biển Đông.
Tàu Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC ở Haiwaii, Mỹ, năm 2016.
Phát biểu tại cuộc họp báo hàng tháng, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ngô Khiêm cho biết Trung Quốc đã nhận được lời mời tham gia cuộc diễn tập và đã cử một toán tiền trạm để thảo luận những sự chuẩn bị sơ khởi với phía Hoa Kỳ. Ông Ngô không cho biết thêm chi tiết.
Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, được tổ chức hai năm một lần tại Hawaii vào tháng 6 và tháng 7. Trung Quốc đã từng tham dự cuộc tập trận này.
Lâu nay, các giới chức Ngũ Giác Đài vẫn than phiền rằng Trung Quốc không thẳng thắn về chương trình tăng cường nhanh chóng khả năng quân sự của họ, trong khi các giới chức Trung Quốc tố cáo Washington là luôn có “cái nhìn ngờ vực” về Trung Quốc như trong thời Chiến tranh Lạnh.
Trung Quốc lên án Mỹ đưa chiến hạm vào Biển Đông đi tuần tra để khẳng định quyền tự do hàng hải hồi tuần trước, nói rằng làm như vậy là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Tuy nhiên, duy trì sự ổn định trong khu vực có lợi cho cả hai nước, và trong những năm gần đây đã có một số nỗ lực nhằm xóa bỏ hoài nghi, củng cố lòng tin, kể cả tham gia các cuộc diễn tập cứu nạn trên biển và cứu trợ nhân đạo, cũng như thiết lập một đường dây nóng quân sự để giảm nguy cơ xung đột do tính toán sai lầm.