Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch kêu gọi Việt Nam hủy bỏ các cáo buộc đối với nhà hoạt động nhân quyền Hoàng Đức Bình cùng Nguyễn Nam Phong và phóng thích họ ngay lập tức.
Thông cáo báo chí của Human Rights Watch phổ biến trong ngày 24 tháng Một cho biết như vậy, một ngày trước khi phiên tòa xét xử Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong được dự kiến diễn ra tại Tòa án Nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Nhà hoạt động nhân quyền Hoàng Đức Bình là thành viên của phong trào Lao Động Việt, một tổ chức xã hội dân sự độc lập hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động tại Việt Nam. Kể từ sau khi biến cố thảm họa môi trường biển xảy ra hồi đầu tháng 4 năm 2016, do nhà máy Formosa thải độc tố ra biển, anh Hoàng Đức Bình đã giúp các nạn nhân thảm họa môi trường Fomosa trong việc khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại, cũng như lên tiếng kêu gọi nhà máy Formosa phải ngừng hoạt động tại Việt Nam.
Vào ngày 15/05/2017, anh Hoàng Đức Bình bị một nhóm công an, mặc sắc phục lẫn thường phục, bắt giữ bất ngờ khi đang đi cùng xe với Linh mục Nguyễn Đình Thục, tại địa phận huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sau đó Công an tỉnh Nghệ An thông báo anh Hoàng Đức Bình bị khởi tố theo Điều 258 “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” và Điều 257 “chống người thi hành công vụ.
Anh Nguyễn Nam Phong bị bắt một cách bất minh vào ngày 28 tháng 11 năm ngoái và cũng bị cáo buộc tội theo Điều 257.
Trong thông cáo báo chí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch, ông Brad Adams, Giám đốc đặc trách khu vực Châu Á nói rằng thật là bi hài khi Chính quyền Việt Nam cáo buộc công dân tội lợi dụng quyền tự do dân chủ trong khi họ chẳng hề có tự do, dân chủ hay nhân quyền tại Việt Nam.
Ông Brad Adams còn nhấn mạnh Việt Nam không có dấu hiệu nào cho thấy giảm bớt tình trạng đàn áp nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền trong vòng 14 tháng qua; đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ đối với những vi phạm nhân quyền của Chính phủ Việt Nam.
Theo thống kê của Human Rights Watch hiện có hơn 100 nhà hoạt động vì xã hội, nhân quyền và môi trường bị giam giữ tại Việt Nam.
Theo RFA
Nhiều người dân tại thôn Vân Đông, xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình tiếp tục biểu tình sang ngày thứ ba nhằm đòi hỏi cơ quan chức năng bồi thường thỏa đáng những thiệt hại do thảm họa môi trường biển mà Formosa gây nên.
Linh mục Anton Nguyễn Thanh Tịnh, phụ trách xứ Vân Đồn, cho biết tình hình biểu tình của người dân địa phương, trong đó có những giáo dân tại xứ đạo mà ông phụ trách như sau:
“Cả xã Quảng Hải làm danh sách để chi trả tiền bồi thường làm sao đó mà nhiều người không được, một số không nhận đủ số tiền của họ, người ở đó chủ yếu làm nghề trên sông làm rớ và đánh bắt. Thông thường theo quyết định 1880 của thủ tướng chính phủ, họ phải nhận được 140 triệu nhưng xã chỉ trả chưa tới 100 triệu. Sau nhiều lần hỏi, xã không giải quyết được thì bây giờ họ ra biểu tình 3-4 ngày nay rồi. Có lẽ khoảng trên dưới 100 người đi biểu tình, nhưng do là có cây cầu đi qua cho nên số lượng người qua lại rất đông, thì khi họ biểu tình rồi thì số lượng người bị ách lại rất đông. Người biểu tình rất cương quyết nhưng có nguy cơ có sự xung đột giữa những người đi đường và nhóm biểu tình vì thật ra nhóm biểu tình thì ít. Nếu xã làm sai thì xã phải giải quyết, còn xã nói họ làm như vậy đúng rồi, thì bây giờ người dân họ không chịu thì họ phải biểu tình thôi”.
Vào trung tuần tháng sáu năm ngoái, tức hơn một năm kể từ khi xảy ra thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh gây nên, phó thủ tướng thường trực chính phủ Việt Nam, ông Trương Hòa Bình ra chỉ thị đến cuối tháng sáu cùng năm phải hoàn tất công tác bồi thường cho các đối tượng chịu tác động.
Chính phủ Hà Nội chỉ qui định bồi thường cho những người bị thiệt hại tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế. Tuy nhiên có một số người dân tại vùng biển Nghệ An, lân cận tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng thảm họa môi trường biển cũng gây nhiều thiệt hại cho họ nhưng họ lại không được bồi thường.
Thảm họa môi trường khiến nhiều người dân sống nhờ biển lâm cảnh khốn cùng. Một số tiến hành khởi kiện nhà máy Formosa về hành vi cố ý gây hại cho môi trường. Trong khi đơn kiện chưa được tòa án thụ lý thì một số người bị cáo buộc gây rối trật tự, chống chính quyền.
Theo RFA