
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Kiểm tra lò mổ lớn nhất Sài Gòn ở huyện Củ Chi, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 10,000 con heo có dấu hiệu bị tiêm thuốc an thần để thịt mềm, dẻo dễ bán, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng.
Theo báo Tuổi Trẻ, khuya 28 Tháng Chín, sau một thời gian điều tra, lực lượng thanh tra chuyên ngành Bộ Nông Nghiệp – Phát Triển Nông Thôn đã phối hợp Cục Cảnh Sát Phòng Chống Môi Trường (Bộ Công An) bắt quả tang vụ tiêm thuốc an thần quy mô lớn vào heo trước khi giết mổ ngay trong lò mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, Sài Gòn).
Theo một cán bộ trong đoàn công tác, thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện có sáu vỏ chai thuốc Combistress (một dạng thuốc gây mê an thần) và 51 chai nước truyền dịch dung tích 500 ml đã pha thuốc. Lập tức, đoàn công tác yêu cầu ngừng ngay việc giết mổ heo, tiến hành lấy 72 mẫu xét nghiệm. Đồng thời tiến hành lập biên bản, yêu cầu ngưng giết mổ số heo có dấu hiệu nghi ngờ tiêm thuốc an thần vừa nhập vào lò khoảng 5,000 con và lượng tồn trên 5,300 con.
“Một số heo được cơ quan chức năng xác định tiêm thuốc an thần trong lúc vận chuyển, số còn lại mang về lò giết mổ tiêm trong quá trình tắm, với mục đích để làm cho thịt mềm, dẻo khi giết mổ và dễ bán ra thị trường,” một cán bộ trong đoàn công tác nói.
Theo cán bộ này, lò mổ Xuyên Á là lò mổ lớn nhất Sài Gòn, với công suất giết mổ mỗi đêm trên 5,000 con heo, được nhập về từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre…
Nói với báo Tuổi Trẻ, ông Lê Thanh Hiền, trưởng bộ môn Bệnh Truyền Nhiễm và Thú Y Cộng Đồng, Đại Học Nông Lâm Sài Gòn, cho biết người tiêu dùng ăn phải thịt heo có chứa tồn dư thuốc an thần có thể dẫn tới các triệu chứng hạ huyết áp, tình trạng lừ đừ, không tập trung, tăng cân, khô miệng, táo bón, dị ứng, buồn ngủ, trầm cảm kéo dài, giảm khả năng điều hòa thân nhiệt. Nếu tương tác với các thuốc khác có thể làm tình trạng lâm sàng phức tạp hơn. Đặc biệt, triệu chứng này sẽ trầm trọng hơn đối với trẻ em, người già và những người có tiền sử về bệnh tim mạch, gan, thận. (Tr.N)
Theo Nguoi-viet.com
Dân Sài Gòn mất hơn 26 tỷ đồng mỗi năm do chó cắn
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hằng năm ở Sài Gòn có từ 33,000 đến 35,000 người bị chó cắn phải chích ngừa bệnh dại. Trong đó, có những người nghèo vì sợ tốn kém không đi chích ngừa dẫn đến thiệt mạng.
Theo thống kê của ông Phạm Minh Trí, trưởng Trạm Phòng – Chống Dịch và Kiểm Dịch Động Vật (Chi Cục Thú Y Sài Gòn), hiện Sài Gòn có hơn 125,500 hộ nuôi chó, mèo với trên 227,260 con.
“Tính tới thời điểm hiện tại, hơn 139,000 con chó (trên 61%) được tiêm ngừa dại. Điều này cho thấy số chó chưa tiêm ngừa dại còn khá nhiều. Chó dại sẽ truyền bệnh dại cho động vật, con người qua các vết cắn, vết liếm, vết cào, da, niêm mạc bị tổn thương… Trường hợp chó không dại cắn người thì cũng phải tiêm phòng,” ông Trí nói với báo Pháp Luật TP.HCM.
“Bình quân người bị chó cắn tốn 800,000 đến 1.2 triệu đồng (khoảng $35 đến $53) tiền chích ngừa. Tính ra thiệt hại do chó cắn lên tới hơn 26 tỷ đồng (khoảng $1.1 triệu) mỗi năm, một số tiền không nhỏ,” ông phân tích.
Ông Trí cho hay, trước đây mỗi tháng Chi Cục Thú Y Sài Gòn chỉ nhận một, hai đề nghị phối hợp bắt chó chạy rông của ủy ban phường, xã. Thế nhưng chỉ trong một tuần của Tháng Chín, cơ quan này đã nhận bảy đề nghị phối hợp bắt chó chạy rông từ phường, xã và hai trường hợp phản ánh tình hình chó chạy rông của người dân.
“Điều này cho thấy chó chạy rông đang là vấn đề quan tâm của nhiều người. Có một thực tế xảy ra là chó thả rông thì nhiều nhưng bắt chẳng bao nhiêu, chỉ độ ba, bốn con mỗi ngày. Lý do thấy xe bắt chó từ xa là chủ nuôi mở cửa cho chó chạy vô nhà,” ông nói.
Bà H. (hẻm 401 đường Tân Kỳ Tân Quý, phường Tân Quý, quận Tân Phú) nói: “Mới đây có người trong xóm tôi bị chó chạy rông cắn phải chích ngừa. Họp tổ dân phố bà con đề nghị nhà ai nuôi chó thì nhốt trong nhà, đừng thả rông. Nói hoài cũng vậy nên bà con ý kiến lên phường.”
Theo ông Đàm Xuân Thành, phó cục trưởng Cục Thú Y (Bộ Nông Nghiệp – Phát Triển Nông Thôn), Việt Nam hiện có trên 3.8 triệu hộ nuôi chó với hơn 7.7 triệu con. Tuy nhiên, chỉ hơn 2.9 triệu con chó (41%) được tiêm ngừa dại. Hiện nay chỉ có Sài Gòn tổ chức bắt chó thả rông.
Còn ông Đặng Quang Tấn, phó cục trưởng Cục Y Tế Dự Phòng (Bộ Y Tế), cho biết ở Việt Nam hằng năm trung bình có khoảng 400,000 người bị chó cắn. Do tiền chích thuốc ngừa bệnh dại khá cao nên nhiều người bị chó cắn không đủ khả năng chi trả. Vì vậy hiện vẫn có khoảng 100 người chết mỗi năm. Riêng năm 2017, tính đến nay ở Việt Nam đã có 56 ca chết do bệnh dại từ chó cắn. (Tr.N)
Lâm Đồng: Khu rừng thông quý bị ‘đầu độc’ chết
LÂM ĐỒNG (NV) – Cả khu rừng thông 3 lá quý hiếm nằm cạnh trạm bảo vệ rừng, thuộc Ban Quản Lý Rừng Phòng Hộ Nam Ban, sát tỉnh lộ 275 bị đầu độc chết đứng mà cơ quan chức năng không hay biết.
Nói với báo Thanh Niên, ngày 25 Tháng Chín, ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, cho biết đang chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra truy tìm thủ phạm hủy hoại khu rừng thông tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà.
Theo ông Tài, sau kỳ nghỉ lễ 2/9, Ban Quản Lý Rừng Phòng Hộ Nam Ban phát hiện cả khu rừng cây thông 3 lá, khoảng 30 năm tuổi, trên diện tích khoảng 4,000 mét vuông, tại Tiểu Khu 263 và 270, do ban này quản lý “có hiện tượng lá úa vàng và chết đứng.”
Qua thống kê của ngành kiểm lâm, có 170 cây thông cao từ 20-30m, đường kính từ 25-50 cm đã chết đứng. Mỗi gốc thông đều có từ 2 đến 3 vết “ken cây” sát gốc và bị ai đó dùng khoan tay khoan nhiều lỗ để đổ thuốc diệt cỏ vào gốc, khiến thông bị ngấm độc chết dần.
Cách đây hai năm, cũng tại khu rừng này đã có 40 cây thông bị đầu độc tương tự, song vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Điều đáng nói, khu rừng thông này nằm sát cạnh tỉnh lộ 725, nối thành phố Đà Lạt với huyện Lâm Hà và gần trạm Đội Quản Lý Bảo Vệ Rừng số 4 thuộc Ban Quản Lý Rừng Phòng Hộ Nam Ban cai quản. (Tr.N)
Theo Nguoi-viet.com