VIỆT NAM (NV) – Sau sáu tiếng hoành hành với sức gió tới cấp 12, từ Thanh Hóa, Nghệ An đến Quảng Bình, bão số 10 đã làm hàng chục ngàn ngôi nhà sập, tốc mái, mạng lưới điện hư hỏng, hàng chục người chết và bị thương. Đặc biệt, sau mưa bão, miền Trung đối mặt với lũ.
Theo báo Thanh Niên, Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Thiên Tai cho biết tính đến 5 giờ chiều 15 Tháng Chín, bão số 10 (bão Doksuri) đã làm ba người chết tại Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, và Hà Tĩnh. Bão số 10 cũng làm tám người bị thương, trong đó Quảng Bình 6 người, còn lại tại Nghệ An và Thừa Thiên – Huế.
Theo thống kê chưa đầy đủ của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, bão số 10 đã làm sập 19 ngôi nhà, trong đó Quảng Bình 13 nhà, Quảng Trị 5 nhà, và Thừa Thiên – Huế 1 nhà.
Bão cũng làm trên 23,968 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái. Theo đó ở Hà Tĩnh bị nặng nhất với 23,219 nhà, tiếp theo là Thừa Thiên – Huế 608 nhà, Quảng Trị 85 nhà. Ngoài ra còn nhiều nhà bị tốc mái hư hỏng ở Quảng Bình đến nay chưa có số liệu thống kê cụ thể.

Mưa bão và nước dâng do bão cũng làm ngập 5,489 ngôi nhà ở các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, là những địa phương tâm bão đổ bộ trực tiếp. Tại tỉnh Hà Tĩnh, gió bão làm gãy đổ một cột truyền hình tại thị xã Kỳ Anh và 1,142 cột điện hạ thế, hàng nghìn cột điện khác bị nghiêng, khiến 1.3 triệu khách hàng bị mất điện. Đến 5 giờ chiều cùng ngày, ngành điện tỉnh Hà Tĩnh chỉ khôi phục cấp điện trở lại được cho 16,198 khách hàng (chiếm 13% trong tổng số khách hàng mất điện).
Mưa to kèm theo gió lớn ở tỉnh Quảng Ngãi đã làm bốn tàu bị chìm. Tại Thừa Thiên – Huế có bốn ghe bị sóng đánh chìm. Mưa lớn kèm lũ cũng làm sạt đê Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) dài 4 mét khiến nước lớn tràn vào đồng.
Theo báo Tuổi Trẻ, ngoài hàng trăm ngàn người dân từ Nghệ An đến Quảng Trị phải di tản tránh bão, thì chỉ riêng Hà Tĩnh số dân phải di tản lên tới 47,400 người. Với sức mạnh khủng khiếp của nó, các vùng như thành phố Hà Tĩnh, huyện Can Lộc, Nghi Xuân… chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Ngoài sóng biển dâng lên làm hư hỏng nhiều tuyến đê chắn sóng ở tỉnh, nhiều công trình, cây cối tại thành phố Hà Tĩnh, huyện Can Lộc, bị phá hoại. Các tuyến đường chính tại Hà Tĩnh trở thành sông. Tỉnh lộ 22 nối từ huyện Nghi Xuân – Lộc Hà bị chia cắt do bão số 10 làm hư hỏng.
Tại khu vực đồng muối Châu Hạ, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, đê bị vỡ khiến nước từ biển Cửa Sót ồ ạt tràn vào lòng sông.
Theo báo điện tử VietNamNet, tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hà Tĩnh, tính đến 5 giờ chiều, đã tiếp nhận điều trị 14 người bị thương do bão gây ra. Trong đó, có bốn người bị chấn thương sọ não, chấn thương cột sống; bảy người bị gãy, vỡ xương các loại.
Cũng nằm trong vùng tâm bão, tại thị xã Cửa Lò, huyện Quỳnh Lưu đều của tỉnh Nghệ An, nước biển tràn qua đê, chảy vào các nhà dân ở các xã ven biển. Ông Võ Văn Hùng, phó chủ tịch thị xã Cửa Lò, cho biết triều cường dâng cao, gió bão giật mạnh đã đẩy nước tràn vào khiến nhiều nhà hàng, quán ăn ven bờ biển bị sập đổ. Hơn 350 ngôi nhà, kiốt tốc mái và 500 cây xanh ngã đổ. Đáng chú ý, Nghệ An có hơn 625 hồ đập lớn nhỏ thiếu an toàn, đến nay có 307 hồ đầy nước, 318 hồ còn lại mực nước khoảng 80% đến 90%.

Tại Quảng Bình, mưa to, gió giật dữ dội khiến từ thành phố Đồng Hới đến huyện Bố Trạch, nhiều cây cối gãy đổ, toàn bộ hệ thống điện hiện bị cúp. Các quán xá, nhà dân bị tốc mái.
Theo báo Tuổi Trẻ, đến chiều 15 Tháng Chín, Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Trung Ương cho biết mưa lớn do bão số 10 gây ra khiến lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị đang lên, nhiều sông đã có lũ vượt mức báo động 1.
Vì vậy, Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Trung Ương báo động nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, đặc biệt ở các huyện Hương Sơn, Vụ Quang, Hương Khê, Đức Thọ của Hà Tĩnh; Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch của Quảng Bình; Đăkrông, Hướng Hóa, Hải Lăng của Quảng Trị.
Báo này cho hay, bên cạnh đó, vẫn còn nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở các khu đô thị, các thành phố lớn như thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Ba Đồn, Đồng Hới (Quảng Bình), Quảng Trị, Đông Hà (Quảng Trị). (Tr.N)
Theo nguoi-viet.com
Ba tàu cá Quảng Ngãi chìm trong bão dữ, 12 ngư dân thoát chết

ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Sáng 15 Tháng Chín, tại nhà khách Bộ Tư Lệnh Vùng 3 Hải Quân, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, 12 ngư dân thoát chết sau khi ba tàu cá bị bão số 10 (Doksuri) đánh chìm được xe đưa về quê Quảng Ngãi.
Theo báo Thanh Niên, trước đó, sáng 14 Tháng Chín, tàu cá của ông Phan Văn Tiến (53 tuổi, ngụ xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) chạy vào bờ tránh bão thì bị hư máy.
Tiếp đó, tàu của ông Phan Minh Tuấn (32 tuổi, con ông Tiến) chạy đến kéo giúp, nhưng do sóng cao 3-4 mét nhanh chóng đánh ập nước vào khoang tàu của ông Tiến, trong khi động cơ không hoạt động nên không thể bơm nước ra ngoài, khiến sức nặng kéo tàu chìm dần.
Trong giây phút sinh tử, ông Tiến tâm niệm “còn người là còn của” nên quyết định chặt dây bỏ tàu của mình, giữ tàu lớn của con trai với hy vọng sẽ gầy dựng lại vốn liếng để sắm tàu vì nếu không, sóng dữ quật cả hai tàu lật úp chết luôn người.
Thế nhưng “họa vô đơn chí,” ngay sau đó, tàu lớn cũng không thể chống chịu với sóng dữ, tiếp tục hư máy, chín ngư dân chỉ còn biết chờ chết khi sóng lớn đánh úp tàu làm chao đảo tự do trong biển động.
Nhận được tin báo, tàu 360 Bộ Tư Lệnh Vùng 3 Hải Quân rời Đà Nẵng. Sau một tiếng rưỡi đã tiếp cận được tàu ông Tuấn, nhưng mất hơn một giờ đồng hồ nữa tàu cứu nạn mới làm dây xong, bắt đầu cứu kéo, nhưng một lần nữa, tàu của ông Tiến bị phá nước không thể di chuyển.
Ông Tiến lại thêm lần đau đớn tự tay chặt đứt dây tàu, bỏ lại hai con tàu hơn 6 tỷ đồng (hơn $264,000), cùng số hải sản đánh bắt trị giá gần 900 triệu đồng (khoảng $39,600) dưới đáy biển.
Cùng cảnh ngộ với cha con ông Tiến là thuyền trưởng đồng hương Nguyễn Hoài Thanh (32 tuổi). Trên đường vào bờ, tàu hải quân nhận tin tàu ông Thanh bị phá nước đã đến ứng cứu nhưng chỉ có thể cứu ba ngư dân, còn tàu ông Thanh bị tràn nước, buộc phải bỏ lại biển khơi.
“Con tàu và ngư cụ trị giá khoảng 1.2 tỷ đồng, mới mua lại, đi chưa được bao nhiêu chuyến biển nay trắng tay,” ông Thanh nghẹn ngào nói. (Tr.N)