Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu : « Chúng tôi hy vọng bên liên quan có thể nhìn nhận cuộc tập trận một cách bình tĩnh và hợp lý », đồng thời khẳng định cuộc tập trận diễn ra trong « khu vực thuộc chủ quyền » của Trung Quốc.
Biển Đông : Indonesia và Nhật Bản thúc đẩy đối thoại phát triển hàng hải
Indonesia và Nhật Bản tăng cường đàm phán để phát triển hợp tác hàng hải tại một số vùng biển của Indonesia, trong đó có quần đảo Natuna nằm ở phía nam Biển Đông. Thông tin được hai nước công bố trong một bản thông cáo chung ngày 06/09/2017 sau một cuộc họp tại Jakarta.
Chủ đề chính của cuộc họp giữa hai nước là phát triển ngành công nghiệp đánh bắt cá địa phương, trong đó có việc xây dựng các cảng và tầu chuyên chở và đánh bắt. Tuy nhiên, chủ đề hợp tác an ninh cũng nằm trong chương trình thảo luận. Trong bản thông cáo chung được trang mạng Nikkei trích dẫn, hai nước nhất trí « thành lập đội tầu tuần tra và tầu đa năng ».
Dù không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, bản thông cáo chung cho biết : « Hai nước chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì và xúc tiến các vùng biển tự do, mở rộng và ổn định đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong vùng ». Hai bên thống nhất sáu vùng xa xôi nhất của Indonesia sẽ là trọng tâm của chương trình hợp tác, trong đó có quần đảo Natuna nằm ở phía nam Biển Đông, nơi hải quân Indonesia đã bắt được nhiều tầu cá Trung Quốc xâm phạm vào năm 2016.
Ông Brahmantya Poerwadi, một quan chức Indonesia thuộc bộ Hàng Hải và Ngư Nghiệp, cho biết Nhật Bản sẽ tài trợ để phát triển một hệ thống radar giám sát bờ biển và một vệ tinh nhằm giúp ngư dân truyền thống Indonesia cải thiện năng lực. Công nghệ mới sẽ giúp Indonesia bảo vệ vùng biển khỏi nạn đánh bắt trộm nhờ khả năng phát hiện tốt hơn tầu cá nước ngoài, kể cả tầu của Trung Quốc.
Theo ông Poerwardi, thỏa thuận cuối cùng sẽ được tổng thống Widodo và thủ tướng Abe ký vào cuối năm 2017, bên lề Thượng Đỉnh Đông Á (gồm ASEAN và 8 nước), được tổ chức tại Manila vào tháng 11.
Các cuộc đàm phán về phát triển hàng hải chung được tăng cường từ chuyến công du Jakarta của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng 01/2017. Nhật Bản và Indonesia tăng cường hợp tác kể từ khi Hoa Kỳ giảm bớt sự hiện diện tại Biển Đông dưới thời tổng thống Donald Trump.
Biển Đông : Nhật-Ấn tăng cường hợp tác quốc phòng đối phó với Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ, Arun Jaitley và đồng nhiệm Nhật bản Itsunori Onodera, ngày 06/09/2017 đã tham dự nhiều cuộc họp trong khuôn khổ đối thoại thường niên giữa hai bộ tại Tokyo.
Theo trang IndiaTVNews, hai bên nhất trí hợp tác chặc chẽ trong lĩnh vực chế tạo quốc phòng, kể cả công nghệ lưỡng dụng. Bộ Quốc Phòng hai nước cũng đồng ý bắt đầu các cuộc thảo luận mang tính kỹ thuật về hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh robot và phương tiện không người lái mặt đất (UGV). Ấn Độ có kế hoạch mua thủy phi cơ US-2 ShinMaywa của Nhật Bản để trang bị cho Hải Quân.
Trong một bản thông cáo ngày 06/09, New Delhi cho biết : « Các bộ trưởng đã trao đổi quan điểm và ý kiến nhằm mục đích tăng cường hơn nữa hợp tác về mặt quốc phòng và an ninh trong khuôn khổ « Đối Tác Chiến Lược Ấn Độ-Nhật Bản và Đối Tác Toàn Cầu » ».
Theo RFI
Không quân Trung Quốc tập trận gần bán đảo Triều Tiên

Truyền thông Trung Quốc ngày 07/09/2017 đưa tin không quân Trung Quốc tiến hành luyện tập gần bán đảo Triều Tiên nhằm đề phòng một cuộc « tấn công bất ngờ » từ đường biển.
Theo AFP, trang mạng chính thức của quân đội Trung Quốc, www.81.cn, cho biết, cuộc tập trận bắt đầu từ hôm thứ Ba, 04/09 và kéo dài trong hai ngày, với sự tham gia của một tiểu đoàn phòng không gần vịnh Bột Hải (Bohai), đối diện với bán đảo Triều Tiên.
Vẫn theo nguồn tin này, một số vũ khí, khí tài, lần đầu tiên được thử nghiệm nhắm vào các mục tiêu bay thấp từ phía biển vào lãnh thổ Trung Quốc.
Tối qua, bộ Quốc Phòng Trung Quốc khẳng định là cuộc tập trận này nằm trong kế hoạch luyện tập thường niên và không nhắm vào một mục tiêu hay quốc gia nào.
Hoạt động quân sự này của Trung Quốc diễn ra hai ngày sau khi Bắc Triều Tiên thông báo thử thành công bom nhiệt hạch, trong khi Mỹ và Hàn Quốc đang thảo luận về việc triển khai hàng không mẫu hạm, oanh tạc cơ chiến lược đến khu vực bán đảo Triều Tiên.
Còn tại Hàn Quốc, hôm nay, một cuộc biểu tình chống triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD đã diễn ra tại khu làng Soseong Ri, gần nơi quân đội Mỹ đã lắp đặt hai bệ phóng tên lửa và một dàn radar cực mạnh. Địa điểm này cách Seoul 200 km về phía nam.
Khoảng 8000 cảnh sát đã được huy động. Xô xát đã xẩy ra làm 38 người biểu tình bị thương.
Chính quyền Seoul giải thích là cần phải lắp đặt hệ thống lá chắn hỏa tiễn do Bắc Triều Tiên trong thời gian qua, liên tục bắn thử tên lửa.
Cũng trong ngày hôm nay, Trung Quốc cho biết đã phản đối Hàn Quốc đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD. Theo Bắc Kinh, dự án này đe dọa an ninh của Trung Quốc.
Về phần mình, hôm thứ Ba, 05/09, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Hàn Quốc, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã tái khẳng cam kết của Hoa Kỳ bảo vệ các đồng minh châu Á, trước mối đe dọa của Bắc Triều Tiên.
Lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mỹ đã nhắc lại nội dung phát biểu ngày 03/09, theo đó, mọi mối đe dọa nhắm vào Hoa Kỳ và lãnh thổ Mỹ, hoặc nhắm vào các đồng minh của Mỹ sẽ phải hứng chịu phản ứng quân sự ồ ạt, hiệu quả và áp đảo.
Theo RFI
Tư lệnh Quân đội Ấn Độ: “Có thể xảy ra chiến tranh với Trung Quốc”

Ấn Độ không nên tự mãn mà phải chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn diện có thể sẽ xảy ra với Trung Quốc.
Đó là lời tuyên bố của Tư lệnh Quân đội Ấn, Tướng Bipin Rawat vào chiều muộn hôm thứ Tư, ngày 6 tháng 9.
Tướng Bipin Rawat nói Trung Quốc đang “thử nghiệm sự kiềm chế” của Ấn Độ vì đang từng bước xâm chiếm lãnh thổ của Ấn, do đó quân đội Ấn phải cảnh giác và chuẩn bị cho các tình huống mà có thể dẫn đến sự xung đột.
Tư lệnh Quân đội Ấn còn nhấn mạnh rằng đối thủ của Ấn Độ là Pakistan, một đồng minh của Trung Quốc, dường như đang tận dụng sự căng thẳng giữa Ấn và Trung Quốc, đồng thời các quốc gia phương Tây cũng cảnh báo đối phương có thể lợi dụng tình hình ở dọc biên giới mạn Bắc.
Hồi tháng trước, Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận rút quân tại khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Bhutan, mà Ấn Độ là đồng minh của quốc gia nhỏ bé này ở vùng cao nguyên Himalaya. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố sẽ kiểm soát khu vực biên giới vừa nêu.