Theo nhật báo Mỹ, mục tiêu của chính quyền Donald Trump là tỏ một thái độ kiên định hơn đối với những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc thay vì tiếp tục đối phó theo từng trường hợp như chính sách của chính quyền Barack Obama trước đây.
Tuy không nói rõ là các chuyến tuần tra mới sẽ diễn ra khi nào và tại đâu, nhưng các quan chức được The Wall Street Journal trích dẫn cho biết bộ tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ dự trù là trong những tháng tới, mỗi tháng sẽ tiến hành 2 hoặc 3 chuyến tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. Tham gia các chuyến tuần tra này sẽ có các máy bay tiêm kích cùng với các chiến hạm của Hoa Kỳ.
Kể từ khi tổng thống Trump lên cầm quyền vào tháng 1/2017 cho đến nay, Hoa Kỳ đã tiến hành tổng cộng ba chuyến tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông.
Chuyến tuần tra cuối cùng là của khu trục hạm USS John S. McCain vào ngày 10/08/2017 trước khi chiến hạm này gặp tại nạn với một tàu chở dầu ở eo biển Singapore ngày 21/08/2017 khiến 10 thủy thủ Mỹ thiệt mạng.
Trong cuộc tuần tra ngày gần đây nhất, khu trục hạm USS John S. McCain đã tiến đến sát Đá Vành Khăn, mà Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo và một chiến hạm của Trung Quốc đã phát lời cảnh cáo qua vô tuyến đến chiến hạm Mỹ, theo lời một quan chức Hoa Kỳ. Ngay hôm sau, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối Washington về vụ này.
Hoa Kỳ cho tới nay vẫn lên án Trung Quốc về việc xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo này. Washington đồng thời vẫn tuyên bố tiếp tục đưa máy bay và tàu chiến đến bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, kể cả ở vùng Biển Đông.
Theo RFI
Mỹ lên kế hoạch tuần tra hàng hải ở Biển Đông thường xuyên hơn

Bộ Quốc phòng Mỹ đang lên kế hoạch tăng cường tuần tra ở Biển Đông nhằm củng cố tự do hàng hải ở những vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, tờ Wall Street Journal đưa tin hôm 1/9.
Giới chức Mỹ cho biết theo kế hoạch của Bộ tư lệnh Thái bình dương Mỹ, sẽ có từ hai đến ba hoạt động 'tự do hàng hải' hàng tháng trên Biển Đông trong vài tháng tới. Tuy nhiên, họ không cho biết các cuộc tuần tra này sẽ được thực hiện cụ thể bao giờ và ở địa điểm nào.
Sự hiện diện đều đặn của Hải quân Hoa kỳ ở vùng biển này sẽ khác với cách tiến hành tuần tra không theo lịch trước đây của chính quyền Obama.
Các cuộc tuần tra trong tương lai cũng có thể có sự tham gia của máy bay quân sự Mỹ cũng như các tàu chiến Mỹ, vẫn theo Wall Street Journal.
Kể từ khi Tổng thống Trump lên nhậm chức, đã có ba cuộc tuần tra hàng hải diễn ra ở Biển Đông. Trong khi đó, dưới thời Tổng thống Obama, chỉ có tất cả là bốn cuộc tuần tra như vậy.

Cuộc tuần tra 'tự do hàng hải' đầu tiên của chính quyền Trump diễn ra vào tháng Năm, khi chiến hạm USS Dewey đi vào vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn, một trong số các đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng bị Trung Quốc kiểm soát và tiến hành bồi đắp.
Hồi tháng Bảy, một tàu chiến của Hoa Kỳ đã áp sát đảo Tri Tôn thuộc Quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hiện đang nắm quyền kiểm soát, nhưng cả Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
'Hoạt động tự do hàng hải' mới nhất của Hải quân Mỹ là hôm 10/8 khi tàu khu trục USS John S. McCain tiến vào bên trong phạm vi cách Đá Vành Khăn 12 hải lý.
Giới chức nói kế hoạch tăng cường tuần tra này là nhất quán với cách quản lý các hoạt động quân sự của chính quyền Trump, theo đó các tư lệnh được trao quyền tự quyết lên kế hoạch một số hoạt động quân sự nhất định, tờ Washington Examiner đưa tin.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, nơi mà giao thương hàng hải hàng năm có trị giá khoảng 5 tỷ USD và được cho là có nguồn dầu khí dồi dào.
Nhiều quốc gia khác gồm Việt Nam, Phillippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây, sau cuộc gặp tưởng chừng như đầy hứa hẹn giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng Tư.
Hồi tháng Sáu, tại Diễn đàn An ninh ở Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đưa ra cảnh báo Mỹ sẽ không chấp nhận việc quân sự hóa của Trung Quốc với các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Theo BBC