Gian lận TOEFL, du sinh Trung Quốc bị Mỹ trục xuất
CHÂU Á Ba phụ nữ từ Trung Quốc nhận tội gian lận trong các cuộc thi nhập học các trường đại học và cao đẳng Mỹ và chắc chắn sẽ bị trục xuất về nước, theo tài liệu của tòa án.
Sinh viên tung mũ trong lễ tốt nghiệp trường Kinh doanh Quốc tế Hult ở Cambridge, Massachusetts.
Cô Cheng Xiaomeng được nhận vào trường Đại học Tiểu bang Arizona qua một cuộc thi gian lận. Tại Tòa án liên bang ở Boston hôm 30/8, cô Cheng nhận tội âm mưu lừa đảo.
Các phiên xử trong 3 tuần tới được ấn định cho cô Zhang Shikun, sinh viên Trường đại học Đông Bắc ở Boston và cô Wang Yue. Công tố viên cho biết cô Wang được trả công để thi dùm cho cô Zhang và cô Chen tại Trường Kinh doanh Quốc tế Hult ở Cambridge, Massachusetts.
Cuộc thi liên hệ đến vụ gian lận là TOEFL, bài thi tiếng Anh được sử dụng rộng rãi để thu nhận sinh viên nước ngoài. TOEFL được hơn 9.000 trường đại học, cao đẳng và cơ quan tại hơn 130 quốc gia công nhận.
Đúng ra mỗi sinh viên phải đối mặt với bản án 5 năm tù, nhưng các công tố viên đồng ý đề nghị cả ba bị can bị kết án theo đúng thời gian đã bị giam và theo đó, bị can phải chịu bị trục xuất.
Tiến trình này được thực hiện ngay đối với trường hợp cô Chen. Cô này sẽ bị giữ trong một trại giam của Sở Di trú trước khi lên máy bay về Trung Quốc ngày 1/9.
Với dân số ngày càng đông, nhiều sinh viên Trung Quốc muốn sang Mỹ du học vì cơ hội việc làm và chất lượng giáo dục Hoa Kỳ.
Theo Viện Giáo dục Quốc tế con số sinh viên Trung Quốc theo học tại Mỹ tăng 9%, ở mức 135.629 sinh viên trong niên khóa 2015-2016.
Các công tố viên cho biết cô Wang, 27 tuổi nhận được gần 7.000 đô la khi thi dùm cô Zhang, cô Cheng, và một phụ nữ Trung Quốc khác là Huang Leyi trong năm 2015 và 2016 khi những người này không đạt được điểm thi tối thiểu vào trường đại học.
Sau khi những sinh viên được nhận vào trường đại học, Bộ Ngoại giao Mỹ cấp visa cho họ. Bốn nữ sinh viên này bị truy tố và bị bắt vào tháng 5 năm nay.
Theo VOA
Mỹ truy tố một người gốc Hoa tội ăn cắp bí mật thương mại
Một công dân song tịch Canada và Trung Quốc bị bắt và buộc tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ một công ty sản xuất sản phẩm phẫu thuật bằng robot ở Massachusetts, Mỹ.
5 người Trung Quốc bị Mỹ truy tố tội ăn cắp bí mật thương mại hồi tháng 5 năm 2014
Nhà chức trách cho hay ông Dong Liu tự xưng là một luật sư về bằng sáng chế có công ty luật ở Bắc Kinh khi bị thẩm vấn về việc đánh cắp bí mật thương mại của tập đoàn Medrobotics Corp. Ông Liu, 44 tuổi, bị truy tố tội hình sự lên tòa án liên bang ở Boston ngày 31/8 với một cáo trạng tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại và một cáo trạng tội cố tình truy cập một máy tính mà không xin phép.
Công ty Medrobotics chưa lên tiếng bình luận vụ này.
Vụ án diễn ra giữa bối cảnh ngày càng gia tăng quan ngại về tình trạng Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ. Đầu tháng này, Tổng thống Donald Trump cho phép tiến hành một cuộc điều tra về cáo giác Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ.
Giám đốc điều hành công ty Medrobotics cho nhà chức trách biết trong suốt 10 năm qua, nhiều người từ Trung Quốc tìm cách phát triển quan hệ làm ăn với công ty mặc dù công ty không hề có ý định giao thương với các công ty Trung Quốc.
Trung Quốc giáo dục học sinh về ‘chủ quyền hợp pháp’ tại Biển Đông
Trung Quốc tháng tới ban hành sách giáo khoa mới cho học sinh tiểu học và trung học nhằm giáo dục ‘chủ quyền quốc gia.’
Bộ sách giáo khoa mới bao gồm 3 môn như tiếng Hoa, lịch sử, giáo dục đạo đức và luật pháp.
Đảo nhân tạo của Trung Quốc xây dựng trên Đá Gạc Ma (Ảnh của CSIS)
Bộ sách bao gồm thông tin về các đảo tại Biển Đông mà chính phủ Trung Quốc nhận chủ quyền.
Bắt đầu ngày 1/9, sách giáo khoa mới sẽ được giảng dạy tại các trường học Trung Quốc.
Theo tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, sách sẽ có các bài học về những anh hùng trong cuộc cách mạng và những truyền thống và đề cập tới ý chí của nhân dân muốn bảo vệ ‘lãnh thổ.’
Sách giáo khoa cũng trình bày những sự kiện và tài liệu chứng tỏ Trung Quốc có chủ quyền đối với Tây Tạng, Đài Loan và các đảo ở Biển Đông.
Truyền thông Trung Quốc nói sách giáo khoa mới giúp gia tăng nhận thức của quốc tế cũng như mở rộng tầm nhìn cởi mở ra thế giới, giúp học sinh thấm nhuần những thành tựu của nhân loại.
Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ tại Biển Đông. Tuy nhiên Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trên một phần biển này.
Biển Đông là khu vực có tiềm năng giàu có về năng lượng. Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo tại khu vực tranh chấp trong đó có cả một căn cứ quân sự.
Căn cứ đặt trên quần đảo Trường Sa có 24 nhà chứa máy bay chiến đấu, đường băng, kho chứa nước và xăng dầu, một cảng lớn, trang thiết bị thông tin, các vị trí vũ khí cố định và một doanh trại.
Vào tháng 1 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố chớ để Trung Quốc tiếp cận các đảo xây dựng trong vùng.
Ông Tillerson cũng so sánh những hành động của Trung Quốc như những hành động của ‘Nga sáp nhập Crimea’.
Phát biểu của ông Tillerson khiến truyền thông nhà nước Trung Quốc vào thời điểm đó nói rằng Hoa Kỳ sẽ cần phải ‘phát động chiến tranh’ để ngăn Trung Quốc tiếp cận những đảo này.