Trung Quốc lập liên doanh khai thác băng cháy ở Biển Đông
Theo hãng tin Reuters ngày 28/08/2017, Trung Quốc sẽ lập một liên doanh để khai thác methane hydrate, còn được gọi là « băng cháy » ở vùng Biển Đông đang tranh chấp.
Cụ thể, bộ Tài Nguyên và Đất Đai của Trung Quốc, cùng với tập đoàn dầu khí Nhà nước CNPC và tỉnh Quảng Đông đã quyết định liên kết với nhau để thực hiện một dự án thí điểm thăm dò nguồn methane hydrate ở vùng Biển Đông.
Theo CNPC, dự án thí điểm này được đưa ra sau các cuộc khai thác thử nghiệm thành công vào tháng 5 vừa qua tại vùng Thần Hồ, bắc Biển Đông.
Còn được gọi là « băng cháy », methane hydrate là loại khí bị đông lại thành dạng rắn giống như băng, nằm chôn dưới đáy đại dương. Tuy là một loại nhiên liệu hóa thạch, nhưng băng cháy thải ra lượng CO2 chỉ bằng phân nửa dầu hỏa và than đá, cho nên được xem là năng lượng sạch. Ngoài Trung Quốc, một số nước khác như Nhật Bản cũng đang cố gắng khai thác nguồn nhiên liệu này tại các vùng biển của họ.
Thông tin của CNPC không nêu ra chi tiết về thời hạn cũng như về đầu tư tài chính vào dự án thí điểm nói trên. Chính phủ Trung Quốc đã cho biết sẽ « tích cực phát triển » methane hydrate trong giai đoạn 2016-2020, mặc dù theo các chuyên gia công nghiệp, hiện chưa có công nghệ để giúp khai thác thương mại nguồn tài nguyên này. Giới chuyên gia dự đoán là phải đến 2030 Trung Quốc mới có thể khai thác thương mại methane hydrate.
Theo RFI
Trung Quốc thăm dò ‘băng cháy’ tại Biển Đông
Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, tập đoàn dầu khí CNPC cùng tỉnh Quảng Đông của nước này đã đồng ý cùng nhau triển khai một dự án thử nghiệm về “băng cháy” ở Biển Đông.
Reuters dẫn lại CNPC nói trên website của hãng này hôm 29/8 rằng việc thăm dò nguồn khí ở sâu dưới biển, còn gọi là “băng cháy”, sẽ được tiến hành ở vùng gọi là Thâm Hỗ trên Biển Đông, sau các cuộc thử nghiệm ban đầu hồi tháng Năm.
Tuy nhiên, thông cáo không nói rõ về thời điểm cũng như khoản đầu tư tài chính để phát triển dự án này.
“Băng cháy” là một loại khí mê tan bị hãm trong một cấu trúc tinh thể nước, tạo thành một chất rắn tựa như băng đá, nằm sâu dưới đấy biển.
Nhật cũng đang tìm cách phát triển nguồn năng lượng tiềm năng này trong vùng biển của mình.
Các chuyên gia nhận định rằng việc phát triển “băng cháy” cho mục đích thương mại có thể được tiến hành sau năm 2030.
Theo Bộ trên, một giàn khoan ở ngoài khơi vùng duyên hải phía đông nam của Trung Quốc trong suốt 60 ngày hồi đầu năm nay đã sản xuất tổng cộng 309 nghìn mét khối khí tự nhiên.
Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ “tích cực phát triển” “băng cháy” trong gian đoạn 2016 và 2020, dù các chuyên gia trong ngành nói rằng hiện chưa có công nghệ để thực sự khai thác nguồn năng lượng tiềm tàng này.
Theo VOA