Thanh Thiếu Niên Tại Chiết Giang Bị Cấm Đến Nhà Thờ
Vào khoảng giữa tháng Tám, công an và quan chức chính phủ của ĐCSTQ đã gửi thông báo tới hơn 100 giáo hội Cơ Đốc giáo của thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, cấm các thanh thiếu niên đến nhà thờ, cũng không được tổ chức cho người vị thành niên tham gia tôn giáo.
Theo “Đài Phát thanh Á Châu Tự Do”, từ khoảng giữa tháng Tám trở đi, các nhân viên công tác ở chính quyền và công an các cấp huyện thị cho đến làng xã của thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã phát công văn tới các giáo hội, cảnh cáo các tín đồ Cơ Đốc giáo không được đưa con cái của mình đến nhà thờ, không được tham gia vào các hoạt động tôn giáo lớp học ngày Chủ nhật, càng không được tổ chức các trại hè thanh thiếu niên. Một vị mục sư giáo hội ở Ôn Châu từng nói với phóng viên “Đài Phát thanh Á Châu Tự Do” rằng, ông thực sự không biết vì sao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại đối xử với họ như vậy!
Ông nói: “Trẻ nhỏ ở Ôn Châu không được đến nhà thờ, lại còn cấm các buổi học vào Chủ nhật, thì chắc phải là một việc rất nghiêm trọng. Những người lớn chúng tôi đều đến giáo đường làm lễ, con cái ở nhà, không đưa đi cùng, thì làm thế nào đây? Họ làm như vậy là rất không tôn trọng nhân quyền, chúng tôi cực lực phản đối. Đã đến thời đại này rồi, chúng tôi thật không biết vì sao chính quyền lại hành xử như vậy!”
Từ 10 tháng trước, nhân viên ủy ban thị trấn, thành phố và huyện thị của Ôn Châu, truyền đạt lại thông báo miệng của chính quyền thành phố cho 100 giáo hội: nếu như phát hiện tín đồ mang con đến nhà thờ, thì sẽ xử lý nghiêm khắc.
Một vị mục sư tiết lộ cho phóng viên rằng quan chức địa phương ngoại trừ việc đích thân đến giáo hội để kiểm tra, còn cử người đến giáo đường để giám sát: “Mỗi ngày Chủ nhật, các giáo hội đều có nhân viên công tác của chính quyền huyện, bí thư ủy ban thị trấn, nhân viên công tác của ủy ban thị trấn, bí thư ủy ban xã đến. Khi nhiều thì có đến hai mươi mấy người, ít thì năm, sáu người, họ đều thông báo miệng, không có đưa ra bất kỳ văn kiện nào.”
Mặc dù ĐCSTQ quy định rằng người dưới 18 tuổi, đảng viên và quan chức ĐCSTQ không được thực hành tín ngưỡng tôn giáo, nhưng trong “Điều lệ sự vụ tôn giáo” mà Chính phủ Trung Quốc ban hành, không hề nói rõ hạn chế tự do tín ngưỡng của người vị thành niên. Quy định của ĐCSTQ rằng người vị thành niên dưới 18 tuổi không được tin tôn giáo, là vi phạm với quy định pháp luật nói trên.
Các tín đồ cho hay, quyết định không cho thanh thiếu niên đến nhà thờ của chính quyền là không hề có căn cứ pháp luật nào. Bởi vì trong “Luật bảo hộ vị thành niên” của Trung Quốc và “Công ước Quyền trẻ em” quy định rõ trẻ em có quyền tự do tín ngưỡng, nên việc giáo hội tổ chức việc tụ họp cho người vị thành niên là danh chính ngôn thuận.
Ngày 23/8, ông Vương là tín đồ ở Chiết Giang nói với phóng viên “Đài Phát thanh Á Châu Tự Do” rằng, ĐCSTQ lo lắng số tín đồ Cơ Đốc giáo ngày càng gia tăng, có thể gây ra sự uy hiếp cho chính quyền. Ông cho rằng điều lo lắng này là hoàn toàn không cần thiết: “Các tín đồ Cơ Đốc giáo mà nhiều lên có thể gây uy hiếp đối với chính quyền chuyên chế, đây là điều mà họ lo lắng nhất. Do vậy những gì có tổ chức, và số người nhiều thì họ đều trấn áp. Họ cũng không cần biết bạn là tôn giáo hay là đoàn thể dân gian. Cũng là nói tất cả đều phải ở dưới sự lãnh đạo của họ. Nếu như họ không thể kiểm soát, thì họ sẽ trấn áp.”
Không chỉ có Cơ Đốc giáo là bị hạn chế ở quốc gia này, giữa tháng Tám vừa qua cũng là thời gian Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế thường niên năm 2016, Trung Quốc tiếp tục bị liệt vào “quốc gia đặc biệt đáng quan ngại”. Ngoại trưởng Mỹ Tillerson lưu ý rằng, “Chính phủ Trung Quốc tra tấn, giam giữ và bỏ tù hàng ngàn người tập Pháp Luân Công vì tín ngưỡng của họ. Hàng chục người tập Pháp Luân Công đã chết trong các nhà tù. Các chính sách đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và Phật giáo Tây Tạng cũng không ngừng gia tăng.”
Tình hình tín ngưỡng tôn giáo cho thấy vết nứt của vương triều họ Kim ngày càng nghiêm trọng
Một bản báo cáo mới của chính phủ Mỹ cho thấy, chính quyền Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục bức hại bất cứ người dân nào trong nước có tín ngưỡng tôn giáo. Mặc dù số người có tín ngưỡng tôn giáo tại đất nước này ngày càng nhiều, nhưng sự bức hại tàn bạo đối với họ lại chưa từng thay đổi.
Ngày 15/8/2017, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới, bản báo cáo đề cập, chính quyền Triều Tiên đã tước đoạt “quyền lợi tự do về tư tưởng, lương tri và tôn giáo” mà người dân nước này lẽ ra phải được hưởng.
Bản báo cáo nói: “Chính quyền Triều Tiên sẽ xử nghiêm bất cứ người nào có liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo, không có một ngoại lệ nào. Thủ đoạn hành hạ của họ bao gồm xử tử, dùng cực hình, đánh đập, bắt bớ, v.v.”
Theo ước tính, Triều Tiên có khoảng 80.000 đến 120.000 tội phạm chính trị bị bắt bỏ tù vì nguyên nhân tôn giáo, thông thường họ sẽ bị nhốt trong trại tập trung tội phạm chính trị tại nơi xa xôi hẻo lánh và có điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt.
Những tài liệu thu hút sự chú ý của Mỹ cũng như toàn thế giới này được lấy từ những người chạy trốn khỏi Bắc Triều Tiên. Tổng bộ của những người trốn thoát khỏi Triều Tiên được đặt tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, tại đây họ thành lập Liên minh toàn cầu ngăn chặn chủ nghĩa diệt chủng của Triều Tiên.
Theo tin từ The Daily Telegraph, một trong những người trốn thoát khỏi Triều Tiên cho biết: “Chính quyền Triều Tiên vẫn đang tiếp tục bức hại những người có tín ngưỡng tôn giáo, hơn nữa các thủ đoạn bức hại hiện nay lại tàn bạo hơn trước đây.”
Tuy nhiên, người trốn khỏi Triều Tiên này cũng chỉ ra, tình hình tín ngưỡng tôn giáo trong nội bộ Triều Tiên cũng đang có những thay đổi khéo léo, bởi vì toàn bộ Triều Tiên, bắt đầu có ngày càng nhiều người hỗ trợ tích cực các giáo hội ngầm giống như ông.
Ông cho biết, trước đây, người dân Triều Tiên đều bị bắt phải sùng bái thành viên trong gia tộc họ Kim, phải coi họ giống như thượng đế. Nhưng hiện nay nhiều người Triều Tiên không còn tôn trọng Kim Jong-un như trước đây nữa. Điều này có nghĩa là dân chúng Triều Tiên đang tìm kiếm những thứ khác để duy trì tín ngưỡng.
Ông nói: “Một số nơi thậm chí đã xuất hiện Saman giáo, bên cạnh đó, Kitô giáo cũng phát triển và bén rễ tại Triều Tiên.”
Ông còn nói thêm: “Mặc dù họ biết mình có thể bị bắt giam bất cứ lúc nào, hoặc là sẽ phải đối mặt với tình huống tồi tệ hơn, nhưng sự kiên trì đối với tín ngưỡng của họ chưa từng bị phai mờ, điều này cũng cho thấy vết nứt của chính quyền Triều Tiên và chế độ sau này sẽ ngày càng lan rộng.”
Theo http://trithucvn.net