VIỆT NAM Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 22/8 bày tỏ lo ngại rằng nhà tranh đấu Nguyễn Bắc Truyển có nguy cơ bị tra tấn, và yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông ngay lập tức.
Ông Nguyễn Bắc Truyển và vợ, bà Bùi Thị Kim Phượng gặp gỡ các nhà ngoại giao Australia năm 2014.
Trong thư kêu gọi hành động khẩn cấp, Ân xá Quốc tế quan ngại việc ông Truyển “bị mất tích” ở thành phố Hồ Chí Minh từ hôm 30/7 cho đến nay, mặc dù truyền thông trong nước đã loan tin là ông Truyển bị bắt về tội “lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ Luật Hình sự, và Bộ Công an đã gửi thông báo cho gia đình ngày 14/8 cho biết “bị can hiện đang bị tạm giam tại trại B14, ở Hà Nội.”
Ân xá Quốc tế nói rằng tổ chức này quan ngại về sức khỏe của ông Truyển vì ông bị bệnh tim mạch và đường ruột, và bệnh có thể xấu đi nếu ông không được chăm sóc.
Nữ dân biểu Hoa Kỳ Zoe Lofgren, đại diện điạ hạt 19, bang California hôm 21/8 viết thư cho Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson yêu cầu Hoa Kỳ có thái độ đối với hành động đàn áp nhân quyền ở Việt Nam, đơn cử việc Hà Nội bắt giữ các nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn và Phạm Văn Trội vào ngày 30/7 vừa qua.
Nữ dân biểu Lofgren yêu cầu chính quyền Hà Nội phóng thích ngay lập tức các nhà tranh đấu ôn hòa cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Bắc Truyển, bị bắt lần đầu vào năm 2006 với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, sau đó bị tuyên án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Sau khi mãn án, ông tiếp tục hoạt động để đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, hỗ trợ các tín hữu Phật giáo Hòa Hảo độc lập và giúp đỡ thương phế binh Việt Nam Cộng hòa. Ông và vợ ông, bà Bùi Thị Kim Phượng, là tình nguyện viên tại Văn phòng Công Lý và Hòa Bình, thành phố Hồ Chí Minh.
Vào năm 2011, ông Truyển được tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch trao giải nhân quyền Hellmam Hammett.
Theo VOAChính phủ Việt Nam cho hay đã chi trả gần 95% số tiền dùng để đền bù thiệt hại cho những người bị thiệt hại bởi thảm họa Formosa tại bốn tỉnh Bắc Trung bộ là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế.
Bản tin của Chính phủ cho biết là 5% còn lại chưa được chi trả là do có những nạn nhân đi khỏi địa phương mình cư trú.
Tổng số tiền đã được chi trả là gần 6.000 tỉ đồng.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đại việc đền bù thì đến nay môi trường biển đã an toàn để nhân dân yên tâm sản xuất. Những việc chưa giải quyết xong liên quan đến việc đền bù sẽ giao cho các tỉnh giải quyết.
Xin nhắc lại là tai họa môi trường Formosa Vũng Áng bùng nổ vào tháng Tứ năm 2016, khi nhà máy luyện thép này xả nước thải ra biển làm cá chết hàng loạt gây ra rất nhiều thiệt hại cho ngư dân bốn tỉnh miền Trung.
Sự việc này kéo theo hàng chục cuộc biểu tình đòi bồi thường tại vùng này, có khi lên đến 10 ngàn người.
Công ty Formosa đã nhận lỗi và bồi thường một số tiền trị giá 500 triệu đô la Mỹ. Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thì Chính phủ Việt Nam đã dùng toàn bộ số tiền này để chi trả cho người dân, chứ không giữ lại đồng nào.
Nhà máy Formosa đã được phép hoạt động trở lại, sau khi được nói là đã khắc phục xong các lỗi kỹ thuật. Tuy nhiên theo ông Trương Hòa Bình thì phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc hoạt động của Formosa, để nếu nhà máy này có vi phạm thì sẽ cương quyết xử lý.
Theo RFA