Theo báo mạng Anh Daily Express, chuyên gia quốc phòng Anh Trevor Taylor, thuộc Viện Các Quân Chủng Thống Nhất Hoàng Gia Anh (Royal United Services Institute), khẳng định trong thời gian tới Vương Quốc Anh sẽ tham gia nhiều hoạt động quân sự trên thế giới, nhằm thắt chặt quan hệ với các quốc gia ngoài Liên Hiệp Châu Âu, trong bối cảnh Brexit.
Biển Đông - nơi Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền tại phần lớn vùng biển, bất chấp sự phản đối của nhiều nước láng giềng và định chế pháp lý quốc tế - là khu vực được chuyên gia Anh nêu tên trước nhất.
Theo chuyên gia Anh, việc Luân Đôn can dự tại Biển Đông, một mặt là để bảo vệ tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới, tăng cường đóng góp cho an ninh toàn cầu, khẳng định « vai trò quốc tế » của Anh dù sẽ không còn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, mặt khác, siết chặt quan hệ với Hoa Kỳ cùng các đồng minh khác, như Nhật Bản và Úc.
Cuối tháng 7 vừa qua, trong chuyến công du Úc, ngoại trưởng Anh Boris Johnson từng cho biết sẽ gửi một chiến hạm – mà Anh mới chế tạo - tới Biển Đông để tham gia các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế, cùng với Hoa Kỳ.
Thẩm phán Philippines kêu gọi dựa vào Hiệp Ước Phòng Thủ Chung với Mỹ
Cũng về Biển Đông, lo ngại Trung Quốc chiếm bãi cát Sandy Cay, trong khu vực đảo Thị Tứ (Pag-asa), thẩm phán Tòa Án Tối Cao Philippines kêu gọi Manila đưa quân ngăn chặn, và sẵn sàng viện đến Hiệp Ước Phòng Thủ Chung với Mỹ.
Báo Philippines Star dẫn lời thẩm phán Antonio Carpio, phát biểu hôm qua, 19/08/2017, khẳng định là ông tin rằng Bắc Kinh đã « nuốt lời hứa không chiếm thêm » bất cứ địa điểm nào tại Trường Sa, nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã « gần như chiếm lĩnh bãi cát Sandy», cách đảo Thị Tứ khoảng 2,5 hải lý.
Thẩm phán Tòa Án Tối Cao Philippines hối thúc tổng thống Duterte bảo vệ lãnh thổ, theo cam kết « không nhường một tấc đất nào của Philippines cho Trung Quốc », với biện pháp cụ thể là « đưa tàu chiến » đến bãi Sandy, và nếu Hải Quân Trung Quốc tấn công tàu Philippines, Manila có cớ để viện ra Hiệp Ước Phòng Thủ Chung với Mỹ.
Philippines tiếp nhận một khinh khí cầu radar kiểm soát biên giới biển của Mỹ
Vẫn về quan hệ Philippines – Hoa Kỳ, theo báo Rappler hôm nay, 20/08, người phát ngôn Hải Quân Philippines cho biết ngày thứ Ba 22/08 sẽ diễn ra nghi lễ chính thức tiếp nhận một hệ thống radar theo dõi biên giới biển, do Hoa Kỳ trao tặng. Hệ thống radar khinh khí cầu Tars thường được Hoa Kỳ sử dụng để kiểm soát các vùng biên giới, đặc biệt là để ngăn ngừa nạn buôn lậu.
Theo người phát ngôn Hải Quân Philippines, ông Lincuna, phương tiện này sẽ giúp cho Philippines tăng cường khả năng theo dõi « các hoạt động trên biển và trên không tại các vùng duyên hải ».
Cuối tháng trước, Manila vừa nhận từ Hoa Kỳ hai máy bay trinh sát biển Cessna 208B Caravan.
Theo RFI
Tình hình Mỹ, Nhật, Triều Tiên

Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Hoa Kỳ cho hay Washington cương quyết bảo vệ an ninh cho đồng minh Nhật Bản, nhấn mạnh cuộc tấn công nhắm vào nước Nhật sẽ được xem là tấn công nhắm vào nước Mỹ.
Tuyên bố này được Đại Tướng Joseph Dunford đưa ra ngày 18 tháng 8 tại Tokyo, nhân dịp ghé thăm quốc gia đồng minh để khẳng định mối quan hệ chiến lược vững chắc giữa 2 nước, đồng thời bàn thảo về tình hình an ninh Đông Á và những biện pháp cần làm để giải quyết căng thẳng do chương trình võ khí hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn gây nên.
Một ngày trước đó, tại Washington, Ngoại Trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đưa ra phát biểu tương tự, nhắc lại Hoa Kỳ luôn sẵn sàng thảo luận với Bắc Hàn, nhưng cũng nói rõ đàm phán chỉ diễn ra với điều kiện phải đem lại kết quả cụ thể.
Tháng trước, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump có nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng, sau đó một viên chức cao cấp Nhà Trắng giải thích rõ đàm phán chỉ diễn ra với điều kiện Bắc Hàn phải ngưng kế hoạch chế tạo võ khí hạt nhân và tên lửa, cũng như ngưng tất cả những hành động mang tính gây rối, đang tạo bất ổn trên bán đảo Triều Tiên.
Xin nhắc lại mới tuần trước, Bình Nhưỡng đe dọa sẽ bắn 4 tên lửa đạn đạo xuyên lục đia vào vùng biển nằm sát đảo Guam, một vùng lãnh thổ của Mỹ nằm ở Tây Thái Bình Dương. Trích dẫn lời các viên chức quân sự, hãng thông tấn KNCA của nhà nước Bắc Hàn cho biết nếu kế hoạch này được thực hiện, trên đường đến Guam, tên lửa của Bắc Hàn sẽ bay qua lãnh thổ Nhật Bản.
Đe dọa này tức khắc gặp phản ứng mạnh mẽ từ Tổng Thống Trump, khi ông cho hay Hoa Kỳ sẽ đáp trả bằng lửa và sự cuồng nộ mà thế giới chưa từng thấy.
Giữa tuần này, Bắc Hàn dịu giọng, cho hay kế hoạch tấn công đã được trình bày cho lãnh tụ Kim Jong-Un của họ, nhưng ông Kim tạm hoãn để nghị tấn công, nói rằng chờ xem Hoa Kỳ có đưa ra những hành động mà ông ta gọi là ngu xuẫn và ngốc nghếch nào khác hay không.
Những nguồn tin khác nhau ghi nhận được tại Washington đều nói là Hoa Kỳ và Bình Nhưỡng đang tìm cách giải quyết căng thẳng bằng đường lối ngoại giao, nhưng cả Ngoại Trưởng Mỹ Tillerson lẫn Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Joseph Dunford đều nói là dù mong muốn hòa bình, nhưng quân đội Mỹ và quân đội các nước đồng minh vẫn phải sẵn sàng để đối phó với tình huống xấu mà Bắc Hàn có thể gây nên bất kỳ lúc nào.
Theo RFA