Hôm 15/08, dân biểu đối lập Philippines Gary Alejano, trích dẫn các nguồn tin quân đội, đã báo động về việc 5 tàu Trung Quốc, gồm tàu chiến, tàu hải cảnh và tàu cá, bên trên chở đông đảo dân quân biển, đã áp sát đảo Thị Tứ ở Trường Sa hiện do Philippines kiểm soát.
Dân biểu này lo ngại trước nguy cơ Bắc Kinh áp dụng trở lại chiến lược lấn chiếm Đá Vành Khăn từ tay Manila vào năm 1995, để chiếm Thị Tứ.
Trong một cuộc họp báo ngày 16/08, ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayatano đã giảm nhẹ tầm mức nghiêm trọng của vụ việc, cho rằng sự hiện diện của tàu Trung Quốc « không có ý nghĩa gì cả », tàu Trung Quốc rất có thể chỉ hành xử quyền tự do hàng hải, tương tự như tàu Mỹ.
Vào ngày 17/08, dân biểu Alejano đã bác bỏ giải thích của ngoại trưởng Cayetano. Theo ông, sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ « thực sự có ý nghĩa », trong bối cảnh các tàu này còn ngăn chặn, không cho tàu ngư chính Philippines đến gần khu vực.
Bên cạnh đó, theo ông Alejano, không thể so sánh các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ với hành động của Trung Quốc vì lẽ Mỹ không hề có mang tiếng là « cướp đảo và sách nhiễu ngư dân Philippines ».
Ông Alejano tự hỏi là phải chăng Philippines đã bắt đầu áp dụng chiến thuật « lặng thinh, bất động và khấu đầu tại biển Tây Philippines để khỏi làm phật ý Trung Quốc ».
Theo RFI
Nga cấm đạo Nhân chứng Giê-hô-va

Bị xem là những kẻ cực đoan, các tín đồ của đạo Nhân chứng Giê-hô-va kể từ ngày 16/08/2017 bị cấm trên toàn lãnh thổ nước Nga.
Từ Matxcơva, thông tín viên Jean-Didier Revoin tường trình :
« Toàn bộ 395 cộng đoàn địa phương của Nhân chứng Giê-hô-va tại Nga bị cấm hoạt động kể từ ngày 16/08 và tài sản của họ sẽ bị tịch biên. Đây chỉ là việc thi hành một phán quyết của Tòa án Tối cao Nga đưa ra ngày 17/07 vừa qua, xem Nhân chứng Giê-hô-va, tôn giáo được lập ra tại Hoa Kỳ năm 1873, là tổ chức cực đoan.
Như vậy là Tòa án Tối cao đã đồng tình với bộ Tư Pháp Nga, xem Nhân chứng Giê-hô-va là một mối đe dọa đối với các công dân, trật tự công cộng và an ninh của xã hội.
Đúng là các tín đồ Nhân chứng Giê-hô-va vẫn từ chối được truyền máu, cho dù tình trạng sức khỏe của họ cần được như thế, nhưng từ đó mà kết luận tổ chức tôn giáo này là mối đe đọa cho xã hội là một bước mà ngành tư pháp Nga đã không ngần ngại vượt qua.
Đối với một số nhà quan sát, lệnh cấm này là do ảnh hưởng rất lớn của Giáo hội Chính thống giáo Nga, vốn xem Nhân chứng Giê-hô-va là một giáo phái nguy hiểm. Giáo hội Chính thống giáo vẫn trách Nhân chứng Giê-hô-va là không từ bỏ phương tiện nào để áp đặt đức tin lên các tín đồ. »