Giáo Hội Công Giáo Nga tưởng nhớ nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản
Chân Phương
Tổng cộng có 422 linh mục Công Giáo đã bị hành quyết, sát hại hoặc bị tra tấn đến chết trong thời kỳ đại thanh trừng. Đây là thời điểm để tưởng nhớ các Kitô hữu tử đạo dưới chế độ cộng sản.
Giáo Hội Công Giáo tại Nga đã mời gọi người Kitô hữu phương Tây tưởng niệm các vị tử đạo thời chế độ cộng sản nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng Nga (1917) chứ không hẳn chỉ là tưởng niệm các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của đất nước này.
Cha Igor Kovalevsky, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Nga nói rằng: "Những khổ đau trong các trại lao tù và trại cải tạo Liên Xô vẫn là một vấn nạn không chỉ đối với các cộng đồng tôn giáo mà còn cho toàn thể xã hội. Tuy nhiên, các câu chuyện về nhân chứng tử đạo cũng cần được biết đến rộng rãi và được tôn trọng. Giáo Hội đã được xây dựng từ những người chết vì đức tin của mình, họ xứng đáng được so sánh như những vị tử đạo tiên khởi của Kitô giáo".
Cha nói điều này trong bối cảnh đang chuẩn bị kỷ niệm 100 năm Cách Mạng Tháng Mười 1917, mở ra hơn tám thập kỷ chủ nghĩa cộng sản cai trị.
Cha nhận định, công cuộc tranh đấu của các nhà bất đồng chính kiến như Alexander Solzhenitsyn (1918-2008) và Nadezhda Mandelstam (1899-1980) đã trở nên nổi tiếng toàn thế giới, nhưng không vì thế mà làm lu mờ hàng chục ngàn Kitô hữu đã phải chết vì đức tin của mình.
Theo số liệu của chính phủ Nga, sau năm 1917, có ít nhất 21 triệu người được xem là thiệt mạng bởi cuộc đàn áp, bách hại và "khủng bố khát máu", trong đó có 106.000 giáo sĩ Chính Thống Giáo bị bắn chết hồi thời kỳ đại thanh trừng 1937-1928. Tổng cộng có 422 linh mục Công Giáo bị tử hình, bị sát hại hoặc bị tra tấn đến chết cùng với 962 nam nữ tu sĩ và giáo dân, 1240 nơi thờ phượng của Giáo Hội Công Giáo bị cưỡng ép chuyển thành cửa hàng, nhà kho, nhà vệ sinh công cộng.
Cha Kovalevsky còn cho biết Giáo Hội Công Giáo tại Nga đã sẵn sàng tưởng niệm tất cả những người đã chết, nhưng đặc biệt lưu tâm đến việc giữ gìn ký ức về các nạn nhân là Kitô hữu Liên Xô.
Hồi đầu năm nay, Thượng phụ Kirill của Chính Thống Giáo cũng đã tố cáo sự bạo lực của cuộc cách mạng "mang tội ác ghê tởm của những kẻ được xem là trí thức chống lại Thiên Chúa, đức tin, con người và quốc gia mình", và ngài kêu gọi người dân hãy tưởng niệm dấu ấn 100 năm này bằng "sự suy tư sâu sắc và lời cầu nguyện chân thành". (The Tablet)
![]() |
Diễn biến vô tiền khoáng hậu: Pakistan cử hành quốc táng cho một nữ tu Công Giáo
Đặng Tự Do
Trong một diễn biến vô tiền khoáng hậu, Tổng thống Mamnoon Hussein và Thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi của Pakistan, nơi tuyệt đại đa số dân theo Hồi Giáo, đã công bố Pakistan sẽ tổ chức quốc táng cho nữ tu Ruth Pfau, người Đức là Y Khoa bác sĩ vừa qua đời ngày 10 tháng 8, thọ 87 tuổi. Đám tang của chị sẽ được cử hành tại nhà thờ chính tòa Karachi.
Thông cáo của văn phòng thủ tướng Pakistan đã ví chị Ruth Pfau như là Mẹ Teresa của Pakistan, một người “đã được sinh ra ở Đức, nhưng trái tim bà luôn ở với chúng ta ở Pakistan này.” Trong khi đó, thông cáo của Tổng thống Mamnoon Hussein nói rằng “Nữ tu Bác sĩ Pfau đã đặt một dấu chấm hết cho bệnh phong ở Pakistan. Ơn đức này là không thể nào quên được. Bà đã rời quê hương mình và biến Pakistan thành nhà của mình để phục vụ nhân loại. Nước Pakistan bày tỏ lòng kính trọng đối với bác sĩ Pfau, và bày tỏ niềm hy vọng rằng truyền thống phục vụ nhân loại tuyệt vời của bà sẽ được tiếp tục.”
Chị Ruth Pfau sinh ngày 9 tháng 9 1929, tại Leipzig trong một gia đình có 6 người con. Trong chiến tranh thế giới lần thứ Hai, nhà cửa của chị bị dội bom, sau đó gia đình lại phải sống dưới chế độ cộng sản Đông Đức vài năm trước khi vượt biên tìm tự do thành công sang Tây Đức.
Trong thập niên 1950, chị theo học ngành y khoa tại Đại Học Mainz và tốt nghiệp y khoa bác sĩ. Sau khi tốt nghiệp đại học, trước một tương lai rạng rỡ sáng ngời, chị từ bỏ mọi sự và gia nhập Dòng Nữ Tử Trái Tim Đức Mẹ và được gởi sang Ấn Độ. Tuy nhiên, do những trục trặc về visa vào Ấn, chị phải dừng chân tại Karachi, Pakistan.
Trong một cuốn hồi ký, chị Ruth Pfau cho biết vào năm 1960, lúc mới 31 tuổi, chị quyết định dâng hiến đời mình cho việc chăm sóc các bệnh nhân phong cùi tại Pakistan sau khi chứng kiến một thanh niên phải bò bằng chân và tay vào phòng cấp cứu. Trong xã hội Pakistan, những bệnh nhân phong cùi thường bị gia đình, và xã hội bỏ mặc và xa lánh.
Chị Ruth Pfau đã đích thân chăm sóc cho người phong cùi, và mở các trường đào tạo các bác sỹ, và thành lập các trung tâm điều trị. Năm 1996, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố căn bệnh được kiểm soát hoàn toàn ở Pakistan. Theo thống kê mới nhất, số người bị bệnh phong tại quốc gia này đã giảm xuống chỉ còn 531 bệnh nhân.
Theo Vietcatholic.net