
Nạn nô lệ hiện đại và buôn người ở Anh hiện đang "phổ biến hơn chúng ta nghĩ trước đây rất nhiều," Tổ chức Tội phạm Quốc gia (NCA) Anh quốc cho biết.
Các nạn nhân hầu hết đến từ Việt Nam, Albania, Nigeria, Romania và Ba Lan, nhưng cũng có một số nạn nhân từ Anh.
NCA cho biết hiện đang có hơn 300 chiến dịch của cảnh sát, với nhiều chiến dịch ảnh hưởng tới "từng thị trấn và thành phố ở nước Anh."
Theo ước tính của cơ quan này, số nạn nhân lên tới hàng chục ngàn. Con số 10 đến 13 ngàn người được đưa ra trước đây chỉ là "bề mặt của tảng băng chìm".
"Càng tìm kiếm, chúng tôi càng phát hiện ra nhiều [nạn nhân]," ông Will Kerr, giám đốc về tổn thương nạn nhân của NCA nói.
Ông Ker nói ông đã rất sốc về những gì ông chứng kiến trong những chiến dịch tăng cường để phá các băng đảng trong năm nay. Hầu hết các chiến dịch đều dẫn đến điều tra thêm.
Ông cảnh báo nạn buôn người để làm nô lệ hiện đại phổ biến đến nỗi người dân thường tiếp xúc với các nạn nhân hàng ngày mà không biết.

'Ghi nhận lo lắng'
Cơ quan NCA nói tình trạng nô lệ hiện đại tăng mạnh là do những băng nhóm quốc tế ngày càng nhận ra số tiền lớn chúng có thể kiếm được từ việc chi phối người trong rất nhiều ngành kinh tế khác nhau, chứ không chỉ có buôn ma túy.
Tổ chức này nói các ngành nghề chính có sử dụng lao động hiện đại gồm chế biến thực phẩm, thủy sản, nông nghiệp, xây dựng, nhân viên chăm sóc y tế và rửa xe.
Ông Kerr nói: "Chúng tôi rất sốc về quy mô của những điều chúng tôi đã chứng kiến...
"Trong cuộc sống hàng ngày của bạn, ngày càng có khả năng cao là bạn sẽ bắt gặp một nạn nhân bị bóc lột. Vì thế chúng tôi yêu cầu dân chúng nghi nhận những lo lắng của họ và báo cho chúng tôi."
NCA nói dấu hiệu của những người bị lạm dụng làm nô lệ hiện đại gồm tất cả những biểu hiện cho thấy họ bị khống chế hay cưỡng ép lao động, chẳng hạn như:
- cách ăn mặc của họ
- dấu hiệu chấn thương rõ rệt
- dấu hiệu stress
- cách họ đi làm ở một khu vực cụ thể.

Nô lệ hiện đại là gì?
Nô lệ hiện đại ở Anh, thường được cho là giấu giếm, đang làm việc trong các tiệm làm móng tay móng chân, công trường xây dựng, nhà chứa, trang trại trồng cần sa và trong ngành nông nghiệp.
Những kẻ buôn người dùng internet để dụ dỗ nạn nhân với những lời hứa hão về công việc, học hành hay thậm chí cả tình yêu.
Việt Nam, Albania, Nigeria, Romania và Ba Lan là những nước có nhiều nạn nhân nhất, nhưng cũng có một số nạn nhân từ Anh.
Không có một nạn nhân điển hình. Họ có thể là đàn ông, phụ nữ hay trẻ em ở các độ tuổi nhưng phổ biến nhất là những người từ các nhóm người thiểu số và dễ bị tổn thương nhất.
Nhiều người cho rằng các nạn nhân chạy trốn nghèo đói, những cơ hội có hạn ở quê nhà, thiếu giáo dục hay những hoàn cảnh chính trị xã hội bất ổn hoặc chiến tranh. Nhưng những chủ nô lệ thường chỉ tìm kiếm lợi nhuận kinh tế.
Bóc lột tình dục là hình thức nô lệ hiện đại phổ biến nhất được phát hiện ở Anh, sau đó là bóc lột lao động, bị buộc có hành vi tội phạm và hưởng dụng khổ sai.
Theo BBC
Nạn buôn người gia tăng ở khu vực sông Mekong

Nhu cầu tình dục với trẻ em là nguyên nhân làm tăng nạn buôn người ở khu vực sông Mekong.
Liên Hiệp Quốc đưa ra báo cáo hôm 10 tháng 8 và cho biết thêm Thái Lan đang trở thành trung tâm của tình trạng chat sex với trẻ em qua web cam, vấn đề mà trước đây phổ biến ở Philippines.
Reuters dẫn lời một chuyên gia tư vấn cao cấp tại Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Ma Túy và Tội phạm (UNODC) tại buổi công bố báo cáo rằng tệ nạn mới về buôn người ở Bangkok, vấn đề nhu cầu tình dục qua webcam với trẻ em đang có tình trạng "cung vượt cầu”.
Theo Reuters, Thái Lan là một trung tâm của nạn buôn lậu và buôn người gồm nam giới, phụ nữ và trẻ em từ các nước láng giềng nghèo như Campuchia và Myanmar.
Các cuộc điều tra của các nhóm nhân quyền và các phương tiện truyền thông cho thấy, rất nhiều người buộc phải làm việc trong ngành công nghiệp tình dục của Thái Lan và ngay cả những lao động làm việc trong các ngành như nghề cá, xây dựng và nông nghiệp cũng bị lạm dụng.
Theo số liệu của chính phủ Thái Lan năm 2015, khoảng 4 triệu người di dân sang Thái Lan. UNODC ước tính rằng từ 4 đến 23 di dân Thái Lan là nạn nhân của nạn buôn người.
Phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan từ chối bình luận về những báo cáo của UNODC.
Văn phòng trẻ em Liên Hiệp Quốc cho biết trong một báo cáo năm 2016, các gia đình nghèo ở Philippines đã đẩy con của họ vào cuộc mua bán tình dục qua mạng cho những người mắc bệnh ấu dâm. Liên Hiệp Quốc gọi đó là một hình thức "nô lệ trẻ em".
Trong một diễn biến khác cũng liên quan đến mạng xã hội, hôm thứ Năm, 10 tháng 8, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử trả lời phỏng vấn báo trong nước về vấn đề mạng xã hội, ông cho biết ‘Mạng xã hội làm tha hoá hành vi sống của nhiều người’.
Theo ông Lâm, người dùng mạng xã hội hay gặp phải tình trạng bày tỏ quan điểm về một vấn đề chưa có đầy đủ thông tin chính xác.