Nổi bật nhân hội nghị ngoại trưởng thường niên của khối Đông Nam Á lần này vẫn là hồ sơ Biển Đông, với việc thông qua dự thảo khung của Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông (tên tắt tiếng Anh là COC), mà Khối Đông Nam Á sẽ ký với Trung Quốc.
Bản dự thảo về thỏa hiệp khung COC đã được Trung Quốc và ASEAN đúc kết hồi tháng 5 vừa qua tại Quý Châu (Gui Zhou). Theo thủ tục, dự thảo này sẽ được chính thức thông qua tại Hội Nghị Ngoại Trưởng của toàn khối ASEAN ngày 05/08, rồi tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN-Trung Quốc sau đó một hôm.
Cho đến nay, nội dung dự thảo khung COC hoàn toàn được giữ kín, tuy nhiên vào hôm qua, phát ngôn viên Robespierre Bolivar bộ Ngoại Giao Philipines tiết lộ rằng phán quyết vào năm ngoái 2016 của Tòa Trọng Tài La Haye phủ nhận các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông có thể sẽ không được nhắc đến trong thỏa thuận khung về Bộ Quy Tắc Ứng Xử.
Theo ông, thỏa thuận này chỉ mang nội dung « khái quát », nhắc đến những « cơ sở nền tảng của luật pháp » và « phác họa » các nguyên tắc hành xử của các bên tại Biển Đông mà thôi, do đó rất có thể là sẽ không đề cập đến một điều cụ thể như là phán quyết về Biển Đông của quốc tế.
Khi bị báo giới chất vấn là cơ sở nền tảng của luật pháp trong thỏa thuận khung về COC đó có bao hàm phán quyết La Haye hay không, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Philippines cho biết : « Điều đó còn tùy. Đây là một tiến trình thương thảo. Nhưng như đã nói, phán quyết đó đã được gộp vào trong án lệ quốc tế rồi ».
Theo hãng tin Mỹ AP, một số người đã chỉ trích một thỏa thuận khung về COC mà chỉ là một bản phác thảo ngắn gọn về các nguyên tắc đã được thông qua trước đây, và không đề cập đến các quan ngại nẩy sinh do việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa 7 hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, cũng như không nói gì về phán quyết quốc tế đã phủ nhận cơ sở pháp lý trong các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ công du Đông Nam Á
Bộ Ngoại Giao Mỹ vào hôm qua đã xác nhận là ngoại trưởng Rex Tillerson sẽ đến Manila tham gia các hội nghi của khối Đông Nam Á ASEAN và sẽ thảo luận với các đồng nhiệm về ba hồ sơ chính : Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, an ninh trên biển và chống khủng bố.
Nhân dịp này, ông Tillerson cũng sẽ ghé thăm hai nước Đông Nam Á khác là Thái Lan và Malaysia. Đối với bộ Ngoại Giao Mỹ, chuyến công du Đông Nam Á của ngoại trưởng Tillerson là dấu hiệu tái khẳng định quyết tâm « mở rộng và tăng cường » lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ trong vùng châu Á - Thái Bình Dương.
Theo RFI
Trung Quốc bào chữa hoạt động dầu khí tại Biển Đông

Trung Quốc hôm 2 tháng 8 lên tiếng bảo vệ hoạt động dầu khí ở biển Hoa Đông nơi vẫn còn tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi hãng tin AFP viết rằng các hoạt động về dầu khí của Trung Quốc ở biển Hoa Đông nằm hoàn toàn trong khu vực lãnh hải không có tranh chấp thuộc Trung Quốc.
Hôm 1 tháng 8, Chánh văn phòng Nội các Nhật ông Yoshihide Suga nói với báo giới rằng vô cùng đáng tiếc khi Trung Quốc đơn phương tiếp tục hoạt động bằng cách đưa các tàu khoan di động đến gần đường chia ranh giới khu vực đặc quyền kinh tế của hai nước. Ông Suga cũng nói Nhật Bản đã chính thức phản đối vào hồi tháng trước khi phát hiện thấy hoạt động này nhưng ông nói cụ thể là các tàu Trung Quốc đang làm gì.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nước này không có hoạt động khai thác đơn phương.
Hồi tháng 6 năm 2008, Nhật Bản và Trung Quốc đã có những thảo luận về hợp tác liên quan đến nguồn tài nguyên dầu khi ở khu vực này nhưng các thảo luận này đã bị chấm dứt sau hai năm khi căn thẳng trong quan hệ hai nước lên cao.
Mỏ khí được nói tới nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế chồng lấn của hai nước. Nhật Bản cho rằng đường chia ranh giới nên đánh dấu giới hạn của khu vực đặc quyền kinh tế mỗi nước. Trung Quốc một mục cho rằng đường ranh giới nên dịch về phía Nhật nhiều hơn khi tính đến các yếu tố thềm lục địa và các thực thể khác trên biển.
Theo RFA