Ông Duterte đã tuyên bố như trên tại thành phố Davao trên đảo Mindanao. Tổng thống Philippines cho biết là ông đã nhấn mạnh điểm này với đại sứ Trung Quốc tại Manila, đã bay đến Mindanao để gặp ông.
Ngày 24/08/2016, tổng thống Duterte cho biết ông dự trù viếng thăm Trung Quốc để đàm phán song phương với Bắc Kinh về Biển Đông. Trước đó một này, ông cũng đã tuyên bố là đàm phán song phương giữa Philippines với Trung Quốc có thể diễn ra trong năm 2016. Đáp lại tuyên bố này, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 24/08/2016 nói rằng Bắc Kinh cũng mong muốn sớm thảo luận với Manila về vấn đề Biển Đông.
Tòa Trọng Tài Thường Trực ngày 12/07/2016 đã ra phán quyết có lợi cho Philippines khi bác bỏ hầu như toàn bộ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến Bắc Kinh giận dữ. Tuy nhiên, Manila đã cố làm dịu căng thẳng giữa hai nước, qua việc cử cựu tổng thống Fidel Ramos làm đặc sứ đến Hồng Kông trong tháng 08/2016.
Nhưng hôm qua, tổng thống Duterte cũng đã một lần nữa cảnh báo là Philippines nên chuẩn bị khả năng xảy ra xung đột nếu thương lượng song phương với Trung Quốc thất bại. Ông Duterte nói thêm là ông sẽ cấp thêm ngân sách để tăng số binh lính cho quân đội Philippines.
Tổng thống Philippines sẽ đến thủ đô Viêng Chăn – Lào vào đầu tháng 09/2016 để dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN và thượng đỉnh Đông Á. Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông với tư cách nguyên thủ quốc gia. Nhưng trước đó, tổng thống Duterte đã nói với các phóng viên là bản thân ông sẽ không đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra hội nghị thượng đỉnh Viêng Chăn.
Theo RFI
Trung Quốc: Nhật Bản nên đóng một vai trò « xây dựng » tại G20

Bắc Kinh yêu cầu Tokyo đóng một vai trò "xây dựng" tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp mở ra tại Hàng Châu (Trung Quốc). Nhân vật lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc đã nhắc nhở Tokyo như trên vào hôm qua, 25/08/2016 khi tiếp một đặc sứ cao cấp Nhật Bản.
Hãng tin Anh Reuters trích dẫn một bản tin của Tân Hoa Xã phát hành khuya hôm qua cho biết là ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ viện phụ trách ngoại giao của Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu này với chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nhật Bản Shotaro Yachi, hiện đang công du Trung Quốc.
Ông Dương Khiết Trì đã nói rõ với ông Yachi rằng « Hướng cải thiện quan hệ Trung-Nhật đã liên tục bị những vấn đề khác nhau khuấy động, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Biển Hoa Đông và Biển Đông ». Theo người đứng đầu nền ngoại giao Trung Quốc, « Điều đó không có lợi cho bất cứ bên nào ».
Theo các nhà quan sát, lời nhắc nhở từ phía Trung Quốc mang ý nghĩa một lời cảnh cáo Nhật Bản là không nên nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông và Biển Hoa Đông ra trước hội nghị thượng đỉnh G-20 mở ra trong hai ngày 4-5/09/2016 tại Hàng Châu.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tuần tới sẽ đến Hàng Châu tham gia hội nghị G20, cùng với một số lãnh đạo thế giới khác trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, và giới phân tích không loại trừ việc hai lãnh đạo Mỹ-Nhật sẽ phối hợp với nhau trong việc nêu bật hồ sơ tranh chấp Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trung Quốc được cho là đang gia tăng áp lực trên Nhật Bản vào lúc Tokyo rất muốn tổ chức được một cuộc gặp thượng đỉnh Shinzo Abe-Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 để bàn cách cải thiện quan hệ song phương đang trong hồi căng thẳng .
Sách lược « bắt bí » này lộ rõ vào hôm qua trong tuyên bố của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi tiếp chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nhật Bản.Theo Tân Hoa Xã, ông Lý Khắc Cường đã nói với ông Shotaro Yachi rằng quan hệ Trung-Nhật vẫn còn rất mong manh dù đang trên đà cải thiện, do đó Bắc Kinh hy vọng rằng Tokyo sẽ áp dụng một « sự hiểu biết Trung Quốc một cách đúng đắn và thực hiện đầy đủ các cam kết là xem sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội của mình ».
Theo RFI