GNsP (25.08.2016) – Phát ngôn của Cục trưởng Cục CSGT (C67) Bộ Công an, ông Trần Sơn Hà: “Người dân không có quyền kiểm tra CSGT” đã xôn xao dư luận trong nhiều ngày qua.

Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an)
Để giải thích chi tiết hơn phát ngôn của ông Hà, ông Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) nhận định rằng, “theo tinh thần Hiến pháp 2013 thì không thể phủ nhận vai trò giám sát của người dân nhưng không có điều khoản quy định cụ thể, chi tiết về từng trường hợp người dân được kiểm tra hay không được kiểm tra CSGT.”
“Người dân có quyền kiểm tra, giám sát, nhưng cũng không nên lạm dụng quyền đó để gây khó dễ cho lực lượng thực thi nhiệm vụ”. Thiếu tướng Quân nói tiếp.
Phản ứng của người dân
Phản hồi về nhận định của Thiếu tướng Quân, Luật sư Lê Công Định chia sẻ trên facebook cá nhân của ông rằng, Hiến pháp qua các thời kỳ, kể cả các nước trên thế giới luôn “ngắn ngọn và khúc chiết”. Không “có bản hiến pháp quy định cụ thể và chi tiết về từng trường hợp thực thi quyền công dân, như ngài Thiếu tướng lập luận”.
“… một nguyên tắc bất thành văn mà mọi quốc gia văn minh đều thừa nhận và áp dụng, đó là quyền công dân luôn được diễn giải theo nghĩa rộng, còn thẩm quyền của cơ quan công quyền và công chức hành chính phải diễn giải theo nghĩa hẹp.” LS Định viết.
LS Định kết luận: “Quan điểm đòi hiến pháp phải “có điều khoản quy định cụ thể, chi tiết về từng trường hợp người dân được kiểm tra hay không được kiểm tra cảnh sát giao thông”, mới cho phép thực thi quyền giám sát của công dân, vừa nguỵ biện để bao che cho sự lộng quyền của cảnh sát giao thông, vừa bộc lộ sự khiếm khuyết nghiêm trọng trong tư duy và kiến thức pháp lý, đặc biệt về ngành luật hiến pháp, của người lãnh đạo Cục Pháp chế tại một Bộ quan trọng về chấp pháp của quốc gia.”
Một bạn đọc khác cho rằng, lối bao biện của ông Thiếu tướng Quân là cách bao che cho cấp dưới thỏa sức móc tiền của dân đen, khi ngành cảnh sát giao thông được xem là “một lĩnh vực kinh doanh phát đạt” không cần vốn nhưng lại thu về một khoản lợi nhuận kếch xù. Bạn đọc Xuan Truong nói:
“Ông ta là đại diện của một ngành nghề, một lĩnh vực kinh doanh đang phát đạt ở VN. Ông ta diễn giải các văn bản luật có lợi cho ngành nghề của ông ta thì không có gì lạ! Trong một năm, chủ đầu tư khoán trọn gói cho ngành này một khoản tài chính, sức ép đạt chỉ tiêu đối với ngành là rất lớn, thừa thì chia nhau, thiếu thì nấu cám ăn! Béo bở lắm đấy, cạnh tranh nhau để nhận thầu nữa! Phương châm hành động của ngành nghề này là: Đối với nhân dân, phải cương quyết và khôn khéo!..Không phải bỏ một đồng vốn nào mà thu lợi nhuận kinh khủng, sướng nhất cái ngành đặc quyền, đặc lợi!”.
Còn Tu Nguyen nhận xét rằng: “Người dân được làm tất cả những gì mà hiến pháp cũng như luật không cấm, còn tất cả các cơ quan công quyền chỉ được làm những gì luật cho phép.”
Khía cạnh Pháp Luật
Hiến pháp 2013 dành hẳn một chương (II) qui định “Quyền con người – Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, Điều 28 khẳng định:
“1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
- Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Còn tại Điều 25 Hiến pháp qui định: “Công dân có quyền tiếp cận thông tin”.
Trên thực tế về phía người dân ít người nhận thức đầy đủ “quyền cơ bản” của mỗi công dân được quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Và/hoặc nếu có tham gia thì họ e ngại những góp ý của họ sẽ không được các cấp có thẩm quyền lắng nghe, tiếp thu mà con bị “quy chụp, chụp mũ” dưới nhãn mác “phản động” với các tội danh được xem là mơ hồ như Điều 79 BLHS “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”; hoặc Điều 87 “tội phá hoại chính sách đoàn kết”; hoặc Điều 88 BLHS “tội tuyên truyền chống Nhà nước”; hoặc Điều 258 BLHS “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”…
Trên cửa miệng của các quan đối với dân chúng chỉ là những câu khẩu hiệu sáo rỗng và họ chỉ thích lắng nghe các câu tung hô, khen ngợi không giá trị. Còn những công dân nào “phát huy quyền làm chủ”, bày tỏ quan điểm trước các vấn nạn Việt Nam đang lệ thuộc Tàu Cộng về mọi mặt từ chính trị, quân sự, kinh tế… thì bị giới chức kết vào tội “tuyên truyền”, “chống phá”… với những bản án “bỏ túi” nặng nề và vi phạm nhân quyền. Chính vì thế, lời pháp ngôn của Cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an quả không sai khi nói rằng “người dân không có quyền kiểm tra…” các quan.
Câu khẩu hiệu một thời “ăn khách” của các quan là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã bị chế nhạo thành “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra nhưng dân không được hưởng”, bởi vì cho đến nay quyền biết, quyền kiểm tra, quyền tự do thông tin… cũng bị các quan bóp nghẹt, cuối cùng dân đúng nghĩa trở thành dân đen, chỉ biết nai lưng làm lụng vất vả cho các quan hưởng.
Huyền Trang, GNsP
Theo http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2016/08/25/can-bo-thuc-hien-quyen-giam-sat-cua-cong-dan-den-dau/