Theo lời phát ngôn viên hải quân Nga, được hãng tin TASS của Nga, trích dẫn, trong cuộc tập trận đó, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga và lực lượng hải quân Trung Quốc sẽ thao dượt tổ chức phòng thủ các tàu trên biển và tập tấn công đổ bộ ở Biển Đông.
Về phần bộ Ngoại giao Trung Quốc thì khẳng định cuộc tập trận chung với Nga chỉ nhằm“củng cố sự phát triển của đối tác chiến lược Nga-Trung và không nhắm vào một bên thứ ba nào”.
Vấn đề là cho tới nay chưa rõ là cuộc tập trận chung Nga-Trung sẽ diễn ra cụ thể tại địa điểm nào ở Biển Đông. Phía quân đội Trung Quốc chỉ nói họ dự trù sẽ thao dượt trên biển lẫn trên bộ, tập trung vào việc đối phó với các mối đe dọa về an ninh hàng hải. Họ nhấn mạnh đây sẽ chỉ là những cuộc tập trận “bình thường”.
Nếu tập trận chung Nga-Trung diễn ra ở các khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông, ngư dân trong vùng có thể bị bắt hoặc bị tấn công trong trường hợp họ vô tình đi vào nơi tập trận.
Thông tin về thời điểm tổ chức tập trận chung Nga –Trung được đưa ra chỉ một ngày sau khi quân đội Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận bằng đạn thật kéo dài 3 ngày, được Bắc Kinh mô tả là tập trận “bình thường” ở Vịnh Bắc Bộ, gây thêm lo ngại cho các nước láng giềng, vào lúc căng thẳng gia tăng ở Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ngày 12/07.
Dự luận Trung Quốc đang cho rằng tòa đã ra phán quyết như trên do tác động của Hoa Kỳ và nhiều cuộc biểu tình phản đối đã nỗ ra, nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc như KFC hay Apple. Tiếp theo đó, ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc đòi chính quyền phải nhanh chóng tiến hành chiến tranh với Mỹ.
Tuy Bắc Kinh đã cố kiểm duyệt những lời lẽ hiếu chiến này, nhưng các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo rằng áp lực đó dần dần có thể lên đến mức buộc giới lãnh đạo Trung Quốc phải có hành động mạnh tay với Hoa Kỳ, cho dù họ không thật sự muốn như thế.
Nhưng trước mắt, viễn cảnh “chiến tranh thế giới thứ ba” chắc là khó mà xảy ra. Đối với Washington, sự tham gia của Nga vào cuộc tập trận với Trung Quốc không có gì đáng lo ngại. Phát ngôn viên Nhà trắng đã tuyên bố là Washington không quan ngại cho các chiến hạm của Mỹ trong khu vực Biển Đông, một khi mà các cuộc tập trận Nga – Trung diễn ra một cách “an toàn và chuyên nghiệp”.
Nhưng cũng phải thấy rằng cuộc tập trận chung Nga-Trung diễn ra trong bối cảnh Matxcơva đang tìm cách gia tăng hợp tác quân sự với Bắc Kinh, do đang bị áp lực rất lớn từ phương Tây trong hồ sơ Ukraina. Nga cũng đang cần đến Trung Quốc ở Syria và Bắc Kinh hiện cũng đang muốn đóng một vai trò ở quốc gia đang gặp nội chiến này. Theo tờ Hoàn cầu Thời báo, các cố vấn Trung Quốc đang huấn luyện cho quân chính phủ Damas sử dụng các vũ khí mua của Trung Quốc.
Theo RFI
Cam Bốt lại đòi ASEAN không nêu vấn đề Biển Đông
Quốc hội Cam Bốt sẽ kiến nghị với các viên chức ASEAN gỡ bỏ đoạn nói về tranh chấp Biển Đông trong thông cáo chung sắp tới của Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA). Báo The Cambodia Daily hôm nay 24/08/2016 dẫn lời một dân biểu Cam Bốt xác nhận như trên. Đây là hành động mà các nhà phân tích và nhà ngoại giao cho rằng sẽ đe dọa thêm sự gắn kết giữa các nước trong khu vực.
Ông Cheam Yeap, dân biểu đảng Nhân dân Cam Bốt (CPP) cầm quyền hôm qua cho biết Quốc hội nước này sẽ đề nghị ban lãnh đạo Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA) bỏ đi một đoạn nói về cuộc xung đột Biển Đông, trong bản tuyên bố chung dự kiến đưa ra trong cuộc họp cuối tháng Chín tại Vientiane, vì « đất nước chúng ta không liên quan ».
Ông Yeap nói rằng không biết ban thư ký AIPA có lưu ý đến đề nghị của Quốc hội Cam Bốt hay không, nhưng nhắc lại quan điểm của thủ tướng Hun Sen là các quốc gia liên quan nên thương lượng trực tiếp với Trung Quốc để tìm ra giải pháp.
Giới quan sát và ngoại giao nhận định Cam Bốt, vốn đã nhận nửa tỉ đô la viện trợ của Trung Quốc hồi tháng Bảy, sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Bắc Kinh tại Biển Đông, đã phá hoại sự đoàn kết của khối ASEAN.
Trước đó vào năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm, một hội nghị cấp bộ trưởng của ASEAN không ra được thông cáo chung, cũng do Cam Bốt – khi đó là nước chủ nhà - cản trở.
Tờ Cambodia Daily dẫn lời chuyên gia Carlyle Thayer tháng trước : « Nếu Cam Bốt tiếp tục hành động như một con ngựa thành Troie vì lợi ích của Trung Quốc, làm phương hại đến việc xây dựng cộng đồng ASEAN, thì ASEAN nên xem xét để thay đổi nguyên tắc đồng thuận ». Theo ông Thayer, cần cảnh cáo Phnom Penh là tư cách thành viên ASEAN « có thể bị tạm ngưng, đình chỉ hay hủy bỏ ».
Một số nhà ngoại giao ASEAN không muốn nêu tên cho báo chí quốc tế biết họ rất bực tức trước thái độ của Cam Bốt trong hội nghị hồi tháng Bảy. Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện nghiên cứu an ninh và quốc tế thuộc trường đại học Chulalongkorn ở Bangkok nói vấn đề này nay là « con voi trong căn phòng ASEAN » (thành ngữ chỉ một vấn đề rắc rối mà mọi người đều biết nhưng không muốn đề cập đến).
Tuy vậy trong bài phát biểu hôm thứ Hai 22/8, thủ tướng Hun Sen cố xoa dịu trước những lời kêu gọi Cam Bốt rời khỏi ASEAN để khỏi tiếp tục « thọc gậy bánh xe » trong hồ sơ Biển Đông. Ông nói rằng « sẽ không để cho Cam Bốt ra khỏi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ».
Theo RFI