Theo báo chí Ấn Độ, khi được hỏi là phải chăng ông ghé thăm Ấn Độ để tìm hậu thuẫn cho lập trường của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp Biển Đông với các láng giềng của Bắc Kinh, ông Vương Nghị đã nói : « Chính Ấn Độ là nước phải quyết định xem mình nên có lập trường như thế nào ».
Tuyên bố của ngoại trưởng Trung Quốc đặc biệt mang ý nghĩa của một lời thúc ép sau khi một nhật báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc, ngay trước chuyến công du của ông Vương Nghị đã lên tiếng cảnh cáo rằng việc New Delhi dấn thân vào Biển Đông sẽ gây tổn hại cho quan hệ với Trung Quốc và tạo ra những trở ngại cho doanh nhân Ấn Độ đang muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Một số nguồn tin từ Ấn Độ cho biết là ngoại trưởng Vương Nghị sẽ cố gắng tác động sao cho thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đừng bắt tay với một số nước khác để nêu vấn đề Biển Đông trước hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ mở ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào thượng tuần tháng 9.
Sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye bác bỏ yêu sách chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc tại Biển Đông, Bắc Kinh lo ngại rằng một số nước, trong đó có Hoa Kỳ, có thể sẽ nêu vấn đề trong cuộc họp G20 sắp tới.
Theo chương trình dự kiến, ngoại trưởng Trung Quốc sẽ có cuộc tiếp xúc với thủ tướng Ấn Độ Modi và ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj vào hôm nay. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ấn Độ, tất cả các vấn đề quốc tế, khu vực và song phương mà hai bên cùng quan tâm sẽ được thảo luận.
Theo http://vi.rfi.fr/chau-a/20160813-ngoai-truong-trung-quoc-muon-ep-an-do-tren-van-de-bien-dong
Biển Đông: Manila sẵn sàng để Bắc Kinh đồng khai thác một số nơi?

Phải chăng Philippines sẵn sàng nhượng bộ Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông để cải thiện quan hệ ? Câu hỏi này được đặt ra sau tuyên bố ngày 13/08/2016 của cựu tổng thống Philippines Fidel Ramos, được đương kim tổng thống Rodrigo Duterte cử làm phái viên đàm phán với Trung Quốc. Theo ông Ramos, hai bên đã bàn về việc thiết lập một cơ chế ngoại giao « hai kênh », cho phép hợp tác trong một số lĩnh vực, song song với việc giải quyết riêng rẽ « các vấn đề gây tranh cãi » như tranh chấp Biển Đông.
Theo hãng tin Pháp AFP, ông Fidel Ramos cùng với cựu bộ trưởng Nội Vụ Philippines Rafael Alunan, đã đề xuất ý tưởng này nhân các cuộc tiếp xúc tại Hồng Kông với các đại diện của Trung Quốc, trong đó có bà Phó Oánh, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Quốc Hội Trung Quốc.
Theo ông Alunan, hai bên đã thảo luận về việc « khuyến khích cơ chế kênh hai (thuật ngữ tiếng Anh gọi là Track Two) hay là cơ chế trao đổi ý kiến giữa các trung tâm tham vấn (think-tank) », một hình thức cho phép hai bên « thảo luận các vấn đề gây tranh cãi ».
Trong ngoại giao, kênh 1 là kênh giữa các chính phủ, còn kênh 2 là kênh đối thoại không chính thức, chủ yếu là giữa các viện nghiên cứu chiến lược, nhằm thúc đẩy đối thoại trên những vấn đề tranh chấp mà nền ngoại giao chính phủ chưa thể giải quyết được.
Phái viên Philippines không nói rõ là các « trung tâm tham vấn » nào sẽ tham gia vào việc thảo luận những vấn đề « gây tranh cãi », ám chỉ đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước trên Biển Đông.
Khi được hỏi là tại Hồng Kông, phía Philippines có thảo luận với phía Trung Quốc về phán quyết Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye hay không, cựu tổng thống Ramos khẳng định « Chúng tôi không hề đề cập đến. »
Nếu đúng như ông Ramos khẳng định, như vây là Philippines đã khuất phục trước yêu sách của Trung Quốc, từng đòi hỏi là Manila không được nói đến phán quyết mà Bắc Kinh cực lực phủ nhận trong các cuộc đàm phán song phương. Tuy nhiên, cả ông Ramos lẫn Alunan đều nhấn mạnh rằng họ chỉ phái viên không chính thức, còn các cuộc đàm phán chính thức sau này sẽ do những người khác đảm trách.
Ý tưởng đồng khai thác đã được ông Ramos gợi lên khi ông cho biết là ông đã thảo luận với phía Trung Quốc về « vấn đề đánh cá », một hồ sơ liên quan đến vụ việc là từ năm 2012 đến nay, Trung Quốc đã xua đuổi ngư dân Philippines ra khỏi vùng bãi cạn Scarborough, trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, chỉ cách bờ biển Philippines 230 km (140 hải lý), nhưng lại cách đảo Hải Nam Trung Quốc đến 650 km.
Ông Ramos tiết lộ rằng ông đã thảo luận việc khôi phục lại tình trạng trước năm 2012, khi ngư dân Trung Quốc, Philippines và cả ngư dân Việt Nam được tự do đến hoạt động ở vùng Scarborough. Tuy nhiên, cả ông Ramos lẫn ông Alunan đều cho biết là phía Trung Quốc đã không cam kết gì mà chỉ đơn thuần ghi nhận đề xuất của phía Philippines mà thôi.
Theo RFI