GNsP (09.08.2016) – Trong suốt hơn 3 tuần vừa qua, dư luận cả nước đặc biệt là người dân tỉnh Đăk Nông không khỏi bàng hoàng khi sự cố tràn hóa chất độc hại trong đó là các kim loại nặng tại nhà máy Alumin Nhân Cơ thuộc xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’Lấp, tỉnh Đăk Nông. Phần hóa chất độc hại này sau đó được chảy vào suối Đăk Dao gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới con người và hệ sinh thái nơi đây.
Các số liệu đều vượt chuẩn từ kết quả phân tích được công bố
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên Môi trường Đăk Nông, ngày 23/7/2016 đã xảy ra sự cố tràn hóa chất tại khu chứa kiềm A03 của nhà máy Alumin Nhân Cơ. Sự cố đã khiến 9,58 m3 hóa chất độc hại bị tràn ra khỏi nhà máy, đáng lưu tâm hơn một phần hóa chất này đã theo hệ thống thoát nước mưa chảy trực tiếp ra suối Đăk Dao, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân sinh sống quanh khu vực này.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên môi trường Đăk Nông, lấy mẫu phân tích vào 3 ngày và cho ra các kết quả như sau:
- Kết quả phân tích mẫu nước lấy ngày 24/7 tại vị trí cách cống xả số 3 của nhà máy lumin Nhân Cơ 250m về phía hạ lưu có hàm lượng Fe vượt 1,48 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Tại vị trí cách cống xả số 3 150m về phía hạ lưu có hàm lượng Fe vượt 1,22 lần và Cr6+ vượt 1,5 lần quy chuẩn.
- Kết quả phân tích mẫu nước suối Đắk Dao lấy ngày 25/7 tại vị trí cách cống xả số 3 khoảng 1.500m về phía bên phải dòng chảy có hàm lượng Fe vượt 1,7 lần quy chuẩn và tại điểm cách đó 1.100m có hàm lượng Fe vượt 1,03 lần quy chuẩn.
- Kết quả kiểm tra ngày 29/7, độ kiềm (pH) trong nước suối Đắk Dao phía sau cống xả nước mưa số 3 của nhà máy aluminNhân Cơ đều thấp hơn kết quả kiểm tra ngày 24/7. Trong khi đó, các chỉ số về hàm lượng sắt (Fe) và hexavalent crôm (Cr6+) của nước suối Đắk Dao lại vượt quy chuẩn cho phép.
Tính nguy hiểm của các hóa chất

Cá chết tại suối Đăk Dao sau sự cố tràn hóa chất tại nhà máy Alumin Nhân Cơ
Qua kết quả kiểm tra nguồn nước tại Đăk Dao có thể thấy rõ, các mẫu nước mang đi phân tích đều vượt các quy chuẩn cho phép cao nhất lên tới 1,7 lần. Cho thấy đã có một lượng lớn hóa chất đặc biệt là các hóa chất kim loại nặng như sắt (Fe), hexavalent crom (Cr6+) còn trong nguồn nước hoặc bị thẩm thấu xuống dưới lớp đất, bùn xung quanh. Nhưng ít ai biết rằng tác hại của các hóa chất này đối với đời sống.
Nhưng đó mới chỉ là bề nổi của vấn đề, còn những tác hại của các hóa chất này ra sao đối với người dân vẫn chưa có một cơ quan nào công bố.
Theo thông tin từ trang hoahocngaynay.com, hóa chất Cr6+ rất độc hại đối với động thực vật, còn đối với con người nó gây loét dạ dày, ruột non, viêm gan, viêm thận, ung thư phổi. Đồng thời, Cr6+ tác động xấu đến các bộ phận cơ thể như gan, thận, cơ quan hô hấp. Nhiễm độc cấp tính có thể gây xuất huyết, viêm da, u nhọt. Crôm được xếp vào chất độc nhóm 1 (có khả năng gây ung thư cho người và vật nuôi).
Tiêu chuẩn nước an toàn quy định crôm phải nhỏ hơn 0,05 mg/l. Nhưng tại mẫu nước được đưa đi kiểm tra đã vượt mức tới 1,5 lần quy chuẩn như thế có thể thấy hàm lượng crôm trong nước đang lên tới 0,075mg/l.
Đối với các nguồn nước có hàm lượng sắt cao khiến nước có vị tanh. Nước loại này còn có màu vàng, độ đục cao. Những nguồn nước sạch theo tiêu chuẩn phải có hàm lượng sắt nhỏ hơn 0,5 mg/l. Còn hiện tại đang vượt quy chuẩn 1,7 lần tức là lên tới hơn 0,85mg/l.
Nỗi hoang mang, lo sợ của người dân
Chính vì hàm lượng các hóa chất vượt mức quy định nên đã gây ra những hậu quả cho người dân xung quang khu vực. Vào thời điểm xảy ra sự cố tràn kiềm của nhà máy Alumin, người dân phát hiện con suối quanh nhà máy này bị ô nhiễm, cá chết hàng loạt, người lội suối bị phồng rộp, mẩn ngứa khắp người.
Theo nguồn tin từ Báo Người lao động đã nêu ra những lo lắng của người dân khi tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước bị nhiễm hóa chất. Ông Phan Diệu Anh (ngụ thôn 8, xã Nhân Cơ) phản ánh chiều 23-7, lúc đi kiểm tra hồ cá của gia đình bên cạnh suối Đắk Dao, ông phát hiện rất nhiều cá đã chết. Ông Anh lội xuống ngăn nước từ suối chảy vào hồ cá của mình thì ít phút sau, 2 bắp đùi ngứa ngáy, đau rát. Chưa kịp về tới nhà, 2 chân của ông bị phồng rộp, xuất hiện nhiều bọng nước.

Trẻ em bị mẩn ngứa khi xuống suối Đăk Dao bắt cá (Nguồn: nld.com.vn)
Cũng trong chiều 23-7, bà Thị Brá (ngụ ấp Bù Dấp, xã Nhân Cơ) thấy nhiều cá, cua chết trên suối nên gọi các cháu xuống vớt. Tuy nhiên, mới bắt cá được một lúc, cả 10 cháu bị bỏng rát, da ở chân bong tróc, phồng rộp. Bà Brá lo lắng: “Chúng tôi sống ở đây bao nhiêu năm qua nhưng chưa bao giờ có hiện tượng lạ như vậy”.
Còn theo phản ánh chung của người dân tại xã Nhân Cơ, họ phát hiện nước suối Đắk Dao chảy qua địa bàn xã có biểu hiện bất thường như có màu sẫm đen, trên bề mặt nổi váng loang lỗ; đồng thời phát hiện nhiều cá, tôm chết nổi trên mặt suối. Nhiều người dân địa phương khi xuống suối vớt cá thì có biểu hiện da bị ngứa, khô cứng, phồng rộp đau rát như bị bỏng nước sôi.
Vấn đề sự cố tràn hóa chất độc hại đã rõ ràng, người dân cũng đã được chứng kiến qua những hiện tượng khi người dân mắc phải cũng như tác hại khủng khiếp đối với hệ sinh vật quanh khu vực. Cũng đã có những kiểm tra của cơ quan chức năng nhưng đó chỉ là những kết luận sơ sài, qua loa nhằm làm yên lòng dân. Chưa có bất kỳ một khảo sát mức độ thiệt hại cụ thể nào đến con người, sinh vật nơi đây.
Còn sâu thẳm trong tâm trí họ vẫn còn đó những suy nghĩ về một dòng suối Đăk Dao đang từng ngày bị ô nhiễm bởi nhà máy Alumin Nhân Cơ. Không những thế, ai sẽ đền bù cho họ về những bệnh tật trong tương lai khi mà nguồn nước ngầm dùng để sinh hoạt hằng ngày cũng đang bị ô nhiễm bởi những thứ hóa chất độc hại kia.

Ống cống nơi hóa chất chảy trực tiếp ra suối Đăk Dao (Nguồn: nld.com.vn)
Suối Đắk Dao vốn là nguồn cung cấp cá, tôm, nước tưới, nước sinh hoạt cho người dân 6 thôn của xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp từ nhiều năm nay. Nhưng giờ đây nó đang phải đối mặt với sự hủy hoại trầm trọng từ những hóa chất độc hại kia. Bao giờ hệ sinh thái của dòng suối mới trở lại được như trước kia?. Trong khi các sinh vật đang chết dần, chết mòn bởi sự ô nhiễm của dòng nước thải cực độc này. Sâu thẳm trong tâm trí họ vẫn cần một sự trong sạch, minh bạch, rõ ràng vì quyền lợi của người dân như nguồn nước sạch trong của con suối trước đây.
H.D
Theo http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2016/08/09/suoi-dak-dao-dang-keu-cuu-vi-hoa-chat-doc-hai/