
ĐẮK LẮK (NV) – Dư luận tại Việt Nam nhận định như thế sau khi một đại biểu quốc hội của tỉnh Đắk Lắk than rằng, không nhanh chống phá rừng thì không còn Tây Nguyên nữa.
Tây Nguyên là cao nguyên giữa miền Nam và miền Trung Việt Nam với năm tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum.
Trước giờ, nói đến Tây Nguyên là người ta nghĩ tới rừng nhưng ông Nguyễn Duy Hữu, đại biểu của tỉnh Đắk Lắk ở Quốc Hội Việt Nam, vừa cho biết, Tây Nguyên đã ở khúc cuối của “đoạn cạn kiệt!”
Theo lời ông Hữu, cả tỉnh Đắk Lắk hiện chỉ còn một mảnh rừng là Vườn Quốc Gia Yok Đôn nhưng “người ta” cũng lăm le chặt nốt để làm thủy điện. Tây Nguyên mất rừng nên những thiên tai như lũ quét, lở đất, hạn hán càng ngày càng nghiêm trọng. Ông Hữu kể chuyện mới đây, do hạn hán chưa từng có, chính quyền tỉnh này phải đi xin nhà máy thủy điện xả nước để không phải hủy lễ hội đua voi trên sông Serepok…
Giống như những người tiền nhiệm của mình vẫn làm trong 30 năm vừa qua, ông Nguyễn Xuân Phúc, tân thủ tướng Việt Nam, tiếp tục thề bảo vệ rừng, tiếp tục chỉ đạo phải điều tra vụ phá rừng này, vụ phát dác gỗ lậu kia. Để giúp chính phủ “xử lý nghiêm, kịp thời,” báo chí Việt Nam lại có phóng sự nọ, bài viết khác…
Trước những diễn biến vừa kể, một Facebooker tên là Lê Đức Dục, làm việc tại tờ Tuổi Trẻ, viết rằng, khi dân chúng Việt Nam sững sờ trước sự nguy nga của tư dinh thuộc về ông Trần Văn Truyền, cựu tổng thanh tra chính phủ thì một đồng nghiệp thuộc loại đàn em của anh ta ở Tây Nguyên, khẳng định, tư dinh đó chẳng… đáng gì so với “biệt phủ” của các viên chức trong hệ thống chính quyền ở Tây Nguyên.
Theo lời đồng nghiệp thuộc loại đàn em đó thì những “biệt phủ” ấy có “tường cao, hào sâu.” Vườn của các “biệt phủ” có đủ thứ, từ chỗ cho dơi bay, công múa đến chuồng gấu, chuồng cọp,… Có vọng lâu thưởng trà, uống rượu. Trong hầm rượu thì có cả ngàn lít ngâm đủ thứ từ pín cọp tới sừng tê… So với vua ngày xưa thì vua cũng… chẳng là gì.
Những thông tin ấy khiến Facebooker Lê Đức Dục liên tưởng tới các “biệt phủ” của những “đày tớ nhân dân” tại Tây Bắc – khu vực mà rừng cũng từng rậm chẳng kém Tây Nguyên. Những “biệt phủ” ở Tây Bắc cũng có đủ cả sân tennis, hồ bơi, ngạo nghễ ở chỗ “nghèo nhất xứ mình.”
Facebooker Lê Đức Dục kể rằng, anh ta biết khá nhiều người xem đồ gỗ mà họ trưng trong nhà như một thứ tiêu chuẩn để xác lập đẳng cấp và lấy đó để ganh đua với nhau.
Thấy anh sếp Sở X có bộ phản gỗ mà mặt là gỗ tấm đường kính vài mét thì một anh sếp Sở Y sẽ tậu một cặp “độc bình” bằng gỗ thủy tùng “to vật vã.” Thấy ông A có bộ salon gỗ bạc tỷ thì chú B sẽ trưng tượng Di Lặc bằng gỗ mun phải dùng cẩu mới mang được vô vườn… “Chuyện như rứa” thuộc loại “muôn trùng không kể xiết!”
Facebooker Lê Đức Dục tâm tình rằng, hôm rồi thấy một đồng nghiệp đàn em viết bài về “biệt phủ” của viên chức ở Tây Nguyên dựng toàn bằng danh mộc, rồi các bên có liên quan “nói đi, nói lại” về chuyện phá rừng, anh ta ngẫm lại thì đâu chỉ Tây Nguyên mới có rừng bị phá. Theo lời anh ta, những vùng heo hút ở Tây Bắc cũng đã… trọc lóc rồi!
Sau rất nhiều bài báo, thước phim lên án tệ nạn phá rừng, lên án lâm tặc hủy diệt rừng không thua gì… Taliban hay IS nhưng thấy túp lều lâm tặc đang ở, cái giường vợ lâm tặc nằm, tấm chăn lâm tặc đắp, cái bàn con lâm tặc ngồi học, cái bát lâm tặc dùng để ăn,… Facebooker Lê Đức Dục lại thấy phân vân về… lâm tặc. Anh ta tự hỏi: Lâm tặc thực sự là ai?
Dù giải trình của các viên chức ở Tây Nguyên cho thấy họ rất “trong sáng” và “của chìm” tất nhiên đã được họ cất rất kỹ nhưng còn của nổi (?). Facebooker Lê Đức Dục đề nghị các viên chức ở Tây Nguyên cho báo giới vào vườn, vào nhà, chụp ảnh, quay phim những vật dụng “đơn sơ” để công chúng tận mắt mục kích sự chân thành, giản dị, học tập tấm gương… không xa hoa.
Theo Facebooker Lê Đức Dục, nếu viên chức các cơ quan công quyền ở Tây nguyên chấp nhận điều anh ta đề nghị và kết quả chụp ảnh, quay phim cho thấy, nhà cửa, giường tủ, bàn ghế,… của họ không phô trương thì dù thuộc loại “chân cò, tay nhện,” anh ta sẽ cố “vả vào mặt mấy thằng em chuyên vu khống cán bộ khoe khoang.”
Những tâm sự vừa kể được minh họa bằng ảnh chụp “lối đi” – được tác giả nhấn mạnh chỉ là “lối” đi trong nhà của cựu chủ tịch một huyện ở Đắk Lắk – tác giả nhấn mạnh chỉ mới là tư gia của chủ tịch một huyện cho các thường dân “cứ rứa mà suy ra.” (G.Đ)
Theo Nguoi-viet.com - http://www.nguoi-viet.com/tin-chinh/lam-tac-la-cac-quan-ngoi-ngay-giua-cong-duong/
Gỗ quý buôn lậu cất giấu sát đồn biên phòng cửa khẩu Việt-Lào

QUẢNG NAM (NV) – Trong khi chính quyền Quảng Nam đang điều tra vụ phá rừng pơ mu rất lớn ở biên giới Việt-Lào, thì các giới chức lại phát hiện thêm một bãi cất giấu khác nghi cùng chủ.
Theo báo Tiền Phong, vụ phá rừng pơ mu cực lớn tại khu vực biên giới Việt-Lào vừa có thêm diễn biến mới. Sáng 5 tháng 8, ông Hà Kế Xuyên, phó trưởng công an huyện Nam Giang cho hay, lực lượng điều tra vừa phát hiện thêm một điểm tập kết gỗ pơ mu nghi cùng chủ.
Tin cho biết, chiều 4 tháng 8, lực lượng điều tra phát hiện một bãi gỗ chứa 176 phách gỗ pơ mu, khoảng hơn 7 khối. Đáng chú ý, các phách gỗ được cất giấu này chỉ cách trụ sở làm việc của Ban Quản Lý Khu Kinh Tế cửa khẩu Nam Giang chừng 35 mét, và cách trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Đắc Ốc, thuộc đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang chỉ hơn 100 mét.
Theo ông Xuyên, số lượng gỗ pơ mu vừa được phát hiện có cùng đặc điểm loại gỗ và được cưa xẻ theo quy cách y như các vụ đã phát hiện trước đó có liên quan đến đồn biên phòng và hải quan cửa khẩu. Cơ quan chức năng đã lập biên bản vụ việc, chuyển toàn bộ số gỗ trên về trụ sở công an huyện Nam Giang tiếp tục điều tra.
Trước đó, lực lượng chức năng Quảng Nam đã phát hiện hàng trăm phách gỗ tập kết gần trạm biên phòng cửa khẩu Đắc Ốc, chi cục hải quan cửa khẩu Nam Giang và trong nhà dân với gần 600 phách gỗ, khối lượng hơn 44 khối.
Hiện chuyên án phá rừng pơ mu tại tiểu khu 351 rừng phòng hộ Nam Sông Bung đang vào giai đoạn quan trọng khi công an tập trung xác định các nghi phạm liên quan để củng cố hồ sơ truy tố, trong đó liên quan đến nhiều sĩ quan đồn biên phòng và cán bộ hải quan cửa khẩu Nam Giang. (Tr.N)
Theo Nguoi-viet.com