GNsP (07.08.2016) – Ngay sau khi hết hiệu lực Trung Quốc ngang nhiên áp đặt lệnh đánh bắt cá từ ngày 16/5 đến ngày 1/8/2016 ở Biển Đông, trong đó có 1 phần khu vực vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) thì từ ngày 1/8/2016 đã có hàng chục nghìn tàu cá của Trung Quốc ngang nhiên đổ ra Biển Đông để khai thác nguồn thủy sản ngay trên vùng biển Việt Nam.
Theo thông tin từ Chinanews cho biết: hàng chục nghìn tàu cá tại ba tỉnh Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây đã chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, lương thực và thực phẩm để chuẩn bị tiến vào Biển Đông đánh bắt cá khi lệnh đánh bắt cá hết hiệu lực vào lúc 12h ngày 1/8/2016.
Với một lượng lớn hàng chục nghìn tàu cá đang ngang nhiên tiến vào Biển Đông để đánh bắt thủy hải sản sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo an toàn cho các ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên các vùng biển. Đặc biệt, trong suốt thời gian dài vừa qua đã có nhiều tàu của Trung Quốc đâm chìm, đe dọa, khiêu

Tàu cá Trung Quốc ra khơi từ tỉnh Phúc Kiến, TQ
khích…các tàu cá của Việt Nam, khi đang khai thác tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam được quốc tế công nhận.
Mới đây nhất, theo thông tin từ Hội nghề cá Việt Nam: vào ngày 9/7/2016, tại khu vực cách đông nam đảo Bông Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 34 hải lý, tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 90479TS cùng 5 ngư dân đã bị hai tàu Trung Quốc mang các số hiệu 46102 và 56103 truy đuổi, đâm chìm. Bọn chúng đã nhảy lên tàu, đánh các ngư dân, ép họ nhảy xuống biển và đâm chìm tàu. Điều nguy hiểm hơn, chúng còn ngăn cấm các tàu cá khác của Việt Nam không được tiếp cận, cứu nạn; sau đó phải đến mãi tối mới vớt được 5 ngư dân đã trôi lênh đênh trên biển. Và còn nhiều vụ đàn áp, đe dọa liên quan đến tàu Trung Quốc có những hành động “chơi xấu” đáng được lên án đối với ngư dân Việt Nam, nhưng chỉ được các cơ quan truyền thông chính thống gọi chung là “tàu lạ”, với cách gọi đó nhằm né tránh trực tiếp đến tàu Trung Quốc.

Một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm (ảnh: Nguyễn Đông)
Vụ việc sau đó đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc điều tra và xử lý nhân viên trên hai tàu hải cảnh đã cố ý đâm chìm tàu cá Việt Nam, bỏ mặc ngư dân trong điều kiện nguy hiểm đến tính mạng. “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, không để tái diễn các hành động tương tự và có hình thức bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam”, ông Lê Hải Bình nêu rõ.
Nhưng cho đến nay phía Trung Quốc vẫn chưa có bất kỳ một sự bồi thường thỏa đáng nào cho các ngư dân bị nạn này. Vậy câu hỏi đặt ra: Ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho các ngư dân bị gặp nạn trên biển khi bị phía Trung Quốc đàn áp? Phải chăng đang có một sự thỏa hiệp ngầm giữa hai bên cho vấn đề này?.
Chính sự đàn áp của Trung Quốc đã gây ra biết bao mối nguy hiểm, sợ hãi, lo lắng cho các ngư dân Việt Nam đang ngày đêm bám biển đem về nguồn lợi kinh tế to lớn cho gia đình, xã hội trên khắp các vùng biển.
Một khi Nhà nước Việt Nam chưa có những biện pháp bảo vệ quyền lợi, sự an toàn, chủ quyền vùng biển của các ngư dân thì nỗi lo sợ vẫn luôn thường trực trong tâm trí họ. Đối với họ mỗi chuyến đi đánh bắt xa bờ lại là những “cuộc chiến đấu” khi đối mặt với tàu của Trung Quốc.
Hòa Đoàn
Theo http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2016/08/07/bien-dong-lieu-con-an-toan-cho-cac-ngu-dan-viet-nam/