Trong thông cáo được công bố hôm qua, 05/08, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố : « Trung Quốc hy vọng Singapore có thể duy trì lập trường khách quan và công bằng, với tư cách là điều phối viên quan hệ đối thoại Trung Quốc-ASEAN nhằm thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Singapore và bang giao lành mạnh, ổn định giữa Trung Quốc và ASEAN ».
Đại diện bộ Ngoại Giao Bắc Kinh đã có phát biểu như trên khi trả lời các câu hỏi của truyền thông Trung Quốc về bình luận của thủ tướng Singapore trong cuộc gặp với các quan chức giới doanh nhân Mỹ tại Phòng Thương Mại Hoa Kỳ và Hội Đồng Doanh Nghiệp Mỹ-ASEAN, ngày 02/08, tại Washington.
Trong cuộc gặp này, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng Trung Quốc không thay đổi lập trường đối với các đòi hỏi lãnh thổ tại Biển Đông sau phán quyết ngày 12/07 của Tòa Trọng Tài La Haye.
Vẫn theo lãnh đạo Singapore, có ít quốc gia chấp nhận « lùi bước », thay đổi lập trường, nhưng có lẽ không một bên tranh chấp nào, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan lại « muốn đi tới cùng ». Các bên liên quan muốn bảo vệ các lợi ích, duy trì các đòi hỏi của mình, nhưng không bên nào lại muốn xẩy ra chiến tranh.
Trong phán quyết ngày 12/07, Tòa Trọng Tài Thường Trực đã bác bỏ các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc, được thể hiện qua bản đồ « đường chín đoạn » ở Biển Đông
Theo RFI
Hoa Đông : 230 tàu cá Trung Quốc vào gần các đảo đang có tranh chấp

Hôm nay 06/08/2016, bộ Ngoại Giao Nhật Bản thông báo đã phát hiện khoảng 230 tàu cá và 6 tàu tuần duyên Trung Quốc, trong đó có 3 tàu dường như trang bị vũ khí, trên biển Hoa Đông, gần các đảo mà Tokyo và Bắc Kinh đang có tranh chấp.
Vào lúc 8g05’ hôm nay 06/08/2016 (tức 23g30 ngày hôm qua 05/06/2016, theo giờ quốc tế), sau khi phát hiện ra các tàu tuần duyên Trung Quốc ở gần các đảo đang có các tranh chấp là Senkaku/Điếu Ngư, vụ các vấn đề châu Á và Đại Dương, bộ Ngoại Giao Nhật Bản đã có những kháng nghị mạnh mẽ tới đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo.
Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Nhật Bản đã yêu cầu các tàu này phải rời đi ngay lập tức và « không bao giờ được tiến vào các vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật Bản ». Thông cáo nhấn mạnh : « Nhật Bản không thể chấp nhận, trong bất kể trường hợp nào, việc các tàu Trung Quốc hoạt động ngoài khơi quần đảo Senkakư, vì điều này làm trầm trọng thêm tình hình và gây gia tăng căng thẳng trong khu vực ».
Vụ việc này xảy ra một ngày sau khi Nhật Bản triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo lên bộ Ngoại Giao để phản kháng việc các tàu Trung Quốc lần đầu tiên xâm nhập vào vùng biển thuộc chủ quyền Nhật Bản vào chiều hôm qua 05/08/2016.
Các căng thẳng liên quan tới các đảo và bãi đá ở vùng biển phía nam Nhật Bản bắt đầu từ năm 2012, ảnh hưởng mạnh mẽ tới quan hệ hai nước. Quần đảo Senkakư/Điếu Ngư không có người ở, thuộc quyền quản lý của Nhật Bản nhưng Trung Quốc phản đối chủ quyền của Nhật Bản. Tuy nhiên, trước đây, rất hiếm khi các tàu Trung Quốc bị phát hiện trong khu vực này.
Theo RFI