
Minh Tâm
Chuyện kể rằng, vào thế kỷ thứ 10, vùng Blois là một thành trì bảo vệ khu vực. Đến thời trung cổ thuộc thế kỷ thứ 13, người ta bắt đầu xây dựng lâu đài, đầu tiên là Đại Sảnh Quốc Gia theo kiểu Gothic. Từ thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ thứ 17, có bảy vua và 10 hoàng hậu đã ở đây và lâu đài được sửa chữa, xây cất thêm nhiều lần với những kiểu kiến trúc khác nhau theo thời đại. Những vị vua có công xây cất và phát triển lâu đài là Louis XII, Francois I, Henry II, Henry IV, và cả công tước Gaston của xứ Orlean.
Blois có lúc như trở thành thủ đô thứ hai của nước Pháp và Blois được gọi là Versailles của thời Phục Hưng. Đó là từ năm 1515 lúc vua Francois I dọn về đây cư ngụ. Thế nhưng lâu đài này cũng đã từng là nơi lưu đài của thái hậu Marie de Médicis, mẹ vua Louis XIII. Ông bắt bà phải về đây ở vì nghĩ rằng bà đã can dự nhiều quá và việc triều chánh.
Sau cách mạng Pháp, trong thời gian dài, lâu đài bị để hoang phế, đồ đạc vị hư hỏng, mất mát nhưng đến năm 1841 lâu đài đã được công nhận là di tích lịch sử và trở thành một bảo tàng. Ngày nay nơi đây là một địa điểm du lịch thú vị.
Nhìn từ xa, chúng tôi tưởng tòa lâu đài là một tòa nhà ba tầng xây bằng gạch đỏ, mái lợp ngói đen với bề ngang khoảng 100 mét được trau chuốt và trang trí bằng những điêu khắc tỉ mỉ. Nhưng thật ra, bên trong còn lớn hơn nhiều lắm.
Tới gần, lối vào là một cửa vòm. Trên đỉnh vòm có huy hiệu “con nhím đội mão” của vua Louis XII, hai bên có huy hiệu của hoàng hậu. Bên trên cửa vòm có tượng vua Louis XII cỡi ngựa. Đường nét điêu khắc tinh tế đã làm cho nhà vua trông oai vệ, đẹp trai.

Chúng tôi mua vé (10 Euro) để vào xem bên trong. Giữa lâu đài là một sân rộng. Lúc này chúng tôi mới biết lâu đài có bốn tòa nhà liên kết với nhau ở bốn phía, do vậy mà toàn bộ lâu đài này rất lớn. Theo tài liệu thì ở đây có 564 phòng, trong đó có 100 phòng ngủ, mỗi phòng đều có lò sưởi. Lâu đài có 75 cầu thang nhưng chỉ có 23 cái là sử dụng thường xuyên. Lâu đài cũng là một viện bảo tàng với 35,000 hiện vật có giá trị mỹ thuật.
Lâu đài này được xây cất và mở rộng trong thời gian dài mấy trăm năm nên kiến trúc pha trộn nhiều giai đoạn: Đại Sảnh Quốc Gia thì thuộc khu thành trì xưa thời trung cổ với kiến trúc Gothic. Đời vua Louis XII thì xây cất phía trước với kiến trúc Flamboyant Gothic (1498-1503). Qua tới đời vua Francois I thì xây theo kiểu Phục Hưng (1515-1524). Đến thời Gaston d’Orleans thì lại xây theo kiểu Cổ Điển.
Thế nhưng từ sân giữa lâu đài nhìn về phía Bắc thì kiến trúc bắt mắt chúng tôi nhất chính là một cầu thang được xây cất rất mỹ thuật với những tượng điêu khắc tinh tế, tỉ mỉ.
Bên trong lâu đài tương tự như các lâu đài khác, ở đây có những phòng làm việc, phòng ngủ của vua và hoàng hậu. Phòng nào cũng được trang hoàng rất mỹ thuật. Ở đây có rất nhiều huy hiệu “con rồng phun lửa” (samalande) của vua Francois I và có cả huy hiệu chữ H của vua Henry IV.
Mỗi vị khi lên ngôi vua đều thay đổi trang trí nội thất bên trong theo ý mình nên trang trí bên trong lâu đài này cũng không đồng nhất. Phòng ngủ của vua còn trưng bày giường ngủ của ông. Trong lâu đài còn có nhà nguyện, trên cửa sổ có gắn kiếng màu rất đẹp.

Có một bức tranh kể lại một câu chuyện về nơi đây. Đó là thời chiến tranh tôn giáo lúc vua Henry III trị vì. Lúc đó, ông nghi Công Tước Guise có ý bất phục tùng lệnh vua nên ngày 23 Tháng Mười Hai, 1588, ông cho gọi công tước về chầu. Khi công tước về tới đây, lúc vào phòng thì không thấy nhà vua mà chỉ thấy 20 cận vệ. Họ đâm công tước chết ở đây.
Nhà vua núp sau bức màn xem rõ mọi chuyện. Khi bước ra từ sau tấm màn, ông thốt lên: “Trời, lão này nằm chết mà coi bộ cao hơn lúc sống!” Xác của Công Tước Guise bị thiêu trong lò sưởi để phi tang. Em của công tước cũng bị giết sau đó.
Số phận của Vua Henry cũng không khá hơn bao nhiêu. Ông ta cũng bị ám sát chết tám tháng sau bởi một thầy tu. Bên dưới phòng này là của Hoàng Hậu Catherine de Médicis là một phòng trang hoàng rất đẹp. Tuy nhiên nơi đây cũng là nơi bà từ trần năm 1589.
Lâu đài có nhiều phòng, phòng nào cũng lộng lẫy, hoa lệ. Chúng tôi chỉ xem sơ qua nhưng cũng mất khá nhiều thời gian. Lâu đài còn có một nhà thờ, một phòng triển lãm tranh nghệ thuật.
Đến xem các lâu đài ở Pháp (cũng như các nước khác trên thế giới) chúng tôi phải khâm phục trình độ kỹ thuật của các kỹ sư và tài nghệ của các nghệ nhân đã bỏ công của để làm nên những kiến trúc đẹp tuyệt vời với những vật liệu thô sơ như đá và gỗ.
Trải qua hàng trăm năm nhưng những lâu đài này vẫn đứng vững và ngạo nghễ với thời gian để lại cho hậu thế những tác phẩm thật mỹ thuật và làm cho mỗi người chúng tôi đều phải thán phục khả năng tính toán và chế tác của tiền nhân.
Mỗi lâu đài thường kèm theo một câu chuyện thú vị, khi thì chuyện tình, lúc thì chuyện chính trị, lịch sử. Chuyến đi này, chúng tôi được thăm viếng ba lâu đài nổi tiếng ở vùng thung lũng sông Loire, nhưng nơi đây còn nhiều lâu đài khác cũng đẹp không kém.
Cùng một tác giả: Đã xuất bản “Đi Cruise Bắc Mỹ” kể về các chuyến du lịch bằng du thuyền qua Caribbean, Alaska, Mexico, Canada, New England và “Á Châu Quyến Rũ” (hai quyển) viết về du lịch Á Châu như Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật…
Sách dày trên 300 trang, mỗi cuốn giá $15 (kể cả cước phí). Muốn sách có chữ ký của tác giả gởi tận nhà qua bưu điện, xin gởi tin nhắn đến số điện thoại (310) 484-4882.
Theo Nguoi-viet.com