Thông cáo của Không quân Hoa Kỳ cho biết : Các phi đội B-1 có nhiều kinh nghiệm tác chiến trong khu vực Thái Bình Dương, giúp nâng cao đáng kể khả năng tấn công nhanh, rộng, trấn an các đồng minh của Mỹ và tăng cường an ninh, ổn định trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
Việc điều máy bay ném bom chiến lược B-1 cùng với khoảng 300 phi công và nhân viên kỹ thuật đến Guam là nhằm thay thế cho loại oanh tạc cơ B-52 và trong khuôn khổ kế hoạch của bộ Quốc Phòng Mỹ muốn chuyển khoảng 60% lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ tới vùng Thái Bình Dương, từ nay đến 2020.
Theo nhận định của báo Japan Times, kế hoạch triển khai này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông, sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở khu vực này.
Trong thời gian qua, Hoa Kỳ thường xuyên tố cáo Trung Quốc tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp, xây dựng ở Biển Đông và Washington đã điều nhiều tàu chiến đi sát vào những thực thể địa lý mà Bắc Kinh kiểm soát, nhân danh quyền « tự do lưu thông hàng hải ».
Hồi tháng Ba vừa qua, báo chí đưa tin là Washington đang tiến hành đàm phán với Canberra về việc điều động oanh tạc cơ chiến lược B-1 đến Úc.
Với tầm hoạt động 9400 km, việc triển khai B-1 tại Guam và Úc sẽ cho phép loại oanh tạc cơ này hoạt động dễ dàng trong khu vực Biển Đông.
Theo giới chuyên gia quân sự, oanh tạc cơ chiến lược B-1, tuy đã hoạt động từ 30 năm qua, nhưng có tốc độ cao, tầm hoạt động lớn và và khả năng bay thấp, sẽ tạo ra nhiều lợi thế để đối phó với chiến lược « ngăn chặn và chống tiếp cận » của Trung Quốc.
Gần đây, Trung Quốc cũng thông báo điều động oanh tạc cơ H6-K, có khả năng mang bom nguyên tử, đến hoạt động ở vùng Biển Đông.
Mỹ triển khai 2 máy bay do thám ở Singapore
Báo Straits Times, ngày hôm qua, 29/07/2016, cho biết, hai máy bay do thám hiện đại của Mỹ tham gia cuộc tập trận chung giữa hải quân Hoa Kỳ và Singapore và hai máy bay này sẽ tiếp tục hiện diện ở quốc đảo cho đến giữua tháng Tám.
Hai máy bay do thám P-8A Poseidon, sẽ xuất phát từ căn cứ không quân Paya Lebar của Singapore để tham gia vào cuộc tập trận chung giữa hai nước, từ 15/07 đến 12/08.
Theo giới chuyên gia quân sự, máy bay P-8A Poseidon ngoài nhiệm vụ tuần duyên, còn tiến hành các hoạt động do thám, hỗ trợ nhiều Singapore bởi vì khả năng tuần duyên của không quân nước này còn yếu kém.
Các thông tin mà máy bay do thám P-8 thu thập được không chỉ chia sẻ cho Singapore mà cả với các nước láng giềng trong khu vực.
Theo RFI
Trung Quốc gia tăng thử nghiệm hệ thống lá chắn tên lửa

Bộ Quốc Phòng Trung Quốc ngày 27/07/2016 xác nhận Bắc Kinh đang xúc tiến thiết lập hệ thống chống tên lửa sau khi có nhiều hình ảnh được phát đi trên các đài truyền hình Nhà nước.Đây là động thái được cho là phản ứng của Trung Quốc trước quyết định triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc.
Trong một buổi họp báo ngắn, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng, ông Dương Vũ Quân (Yang Yu Jun) cho rằng việc phát triển các hệ thống tên lửa là cần thiết đối với Trung Quốc trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Ông Dương còn khẳng định : « Điều đó khẳng định khả năng tự vệ của Trung Quốc và không nhằm vào bất kỳ một quốc gia nào và sẽ không làm ảnh hưởng đến sự ổn định trên thế giới ».
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Hoa Kỳ và Hàn Quốc thông báo trong tháng 07/2016 là sẽ triển khai hệ thống chống tên lửa Terminal High Altitude Area Defence - THAAD, với mục đích gia tăng các biện pháp cô lập Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, sự việc đã khiến Bắc Kinh bất bình và lo ngại hệ thống chống tên lửa này sẽ gây bất ổn cho an ninh khu vực.
Thứ Ba, 26/07/2016, bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Obama, nhân chuyến công du Trung Quốc, đã trấn an là việc triển khai THAAD không nhằm đe dọa an ninh Trung Quốc.
Lời trấn an đó đã bị Bắc Kinh bác bỏ, đồng thời cho rằng : « Đó chẳng qua chỉ là lời bào chữa từ phía Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Các chuyên gia có thể thấy rõ một cách dễ dàng về độ tin cậy của hệ thống này như thế nào ».
Đây là lần thứ ba kể từ năm 2010, Trung Quốc công khai phát đi các hình ảnh cho thấy rõ đang thử nghiệm các dàn tên lửa của mình trên các đài truyền hình Nhà nước.
Theo RFI
Nhật nâng cấp hệ thống tên lửa PAC-3 để bảo đảm an ninh cho JO 2020

Tờ Japan Today, ngày 30/07/2016 trích dẫn một nguồn thạo tin cho biết Tokyo đang tiến hành nâng cấp hệ thống tên lửa phòng thủ PAC-3 để bảo đảm an ninh cho Thế Vận Hội 2020. Cụ thể, hệ thống tên lửa này sẽ được tăng cường thêm phạm vi hoạt động và độ chính xác cần thiết để bắn chặn các tên lửa đạn đạo đến từ Bắc Triều Tiên.
Theo nguồn tin trên, “việc nâng cấp PAC-3 là cần thiết để chống lại tên lửa Musudan của Bắc Triều Tiên”. Theo đó, dàn tên lửa PAC-3 sẽ được tăng cường thêm một hệ thống tên lửa mới tiên tiến, cho phép tăng gấp đôi tầm bắn của hệ thống PAC-3 hiện nay lên khoảng 30km. Công tác nâng cấp sẽ được bắt đầu triển khai vào năm tới.
Tờ báo Nhật nhận định, đây là lần nâng cấp hệ thống tên lửa phòng thủ quan trọng nhất trong vòng một thập niên qua. Điều này cho thấy các nỗ lực gia tăng chi tiêu quân sự đáng kể của Nhật Bản, tại một khu vực các căng thẳng địa chính trị đang tăng mạnh.
Japan Today nhắc lại tên lửa mà Bình Nhưỡng bắn thử hồi tháng 6/2016 dường như là loại Musudan. Vụ bắn thử đầu tiên đã gặp thất bại. Nhưng tên lửa bắn đi lần thứ hai đã đi được một hành trình dài 400 km, tức hơn một nửa đoạn đường đến bờ biển phía tây nam Nhật Bản và đạt đến độ cao 1000 km, độ cao đủ để gắn thêm một đầu đạn cho tầm bắn hơn 3000km.
Theo nhận định của các chuyên gia, vụ thử này cho thấy chế độ Bình Nhưỡng đã có những tiến bộ công nghệ. Bắc Triều Tiên hiện đang có chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Mỹ trả cho Nhật một phần đất trên đảo Okinawa
Hôm qua, 29/07/2016, trong một thông cáo, tướng Lawrence D. Nicholson, tư lệnh Mỹ đóng tại đảo Okinawa, đã tuyên bố : « Chúng tôi tôn trọng thái độ của người dân Okinawa khi họ cho rằng chúng tôi cần phải giảm bớt sự có mặt của mình nơi đây ». Cụ thể, quân đội Mỹ quyết định sẽ hoàn trả lại 17% phần đất đã chiếm trên đảo Okinawa cho Nhật Bản.
Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frédéric Charles cho biết thêm chi tiết :
Quân đội Mỹ sẽ trao trả lại một phần đất trên đảo Okinawa. Đổi lại chính phủ Nhật sẽ thuyết phục người dân nơi đây chấp nhận kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự mới của Mỹ tại Henoko, nằm ở phía tây của đảo chính Okinawa.
Kế hoạch xây mới bãi đáp trực thăng Mỹ này vấp phải phản đối của 70% người dân địa phương. Việc xây mới này sẽ cho phép hải quân Mỹ đóng cửa căn cứ Futenma bị coi là nguy hiểm, được xây dựng ngay tại trung tâm của thành phố.
Tướng Lawrence Nicholson, tư lệnh Mỹ đóng tại đảo Okinawa, không hề che giấu mục đích của việc trao trả đất này. Một khi tiến hành xây dựng xong các bãi đáp trực thăng mới, nằm trong kế hoạch xây khu căn cứ dành cho trực thăng tại Henoko, quân đội Mỹ sẽ trao trả lại cho chính phủ Nhật Bản 4.000 hecta đất. Dự án xây căn cứ tại Henoko đã có từ 18 năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa được tiến hành bởi vẫn vấp phải sự phản đối ngày càng gia tăng của người dân địa phương.
Okinawa chỉ chiếm 0,6% diện tích lãnh thổ quốc gia nhưng có đến ba phần tư tổng số các căn cứ quân sự Mỹ đóng tại Nhật, với 50.000 lính đồn trú. Các căn cứ quân sự Mỹ tại đây nhằm mục đích canh chừng Bắc Triều Tiên và đối mặt với đà tăng nhanh của Trung Quốc.
Theo RFI